Những chiếc tàu vỏ thép mới đóng của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, phải "nằm bờ" ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) để sửa chữa - Ảnh: TRỌNG LỢI |
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-5, ông Võ Đình Tâm - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho biết đơn vị này nhận được 10 đơn phản ánh của ngư dân về việc tàu vỏ thép, tàu vỏ composite đóng mới theo chương trình Nghị định 67 bị hư hỏng.
Dân nói tàu đóng mới kém chất lượng
“Sở NN&PTNT đã thành lập tổ kiểm tra, bước đầu kiểm tra 16 tàu thì phát hiện có 10 tàu bị hư hỏng. Trong đó, ba chiếc tàu vỏ thép đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) có phần vỏ bị gỉ sét, xuống cấp trầm trọng, máy tàu bị hư hỏng đang khắc phục; bảy tàu đóng tại Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu (TP Hải Phòng) cũng bị tình trạng vỏ thép bị gỉ, máy chính bị sự cố và hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh…
Hầu hết tàu mới đóng và đi vào hoạt động cuối năm 2016, nhưng bị những hư hỏng như vậy là lớn, rõ ràng là có vấn đề. Dân thì nói do nhà máy đóng tàu kém chất lượng, còn nhà máy thì nói do dân chưa biết vận hành nên dẫn đến hư hỏng” - ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, ngư dân tự liên hệ và ký hợp đồng thiết kế, thi công với nhà máy đóng tàu dựa trên danh sách mà Tổng cục Thủy sản công bố, để đưa vào hoạt động thì tàu được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản đăng kiểm.
Ngoài ra, theo ông Tâm, qua quá trình triển khai Nghị định 67 trên địa bàn Bình Định còn có một số tồn tại khác.
Ví dụ như chưa có các khu neo đậu cho tàu vỏ thép vì những tàu này neo chung với tàu vỏ gỗ, khi có va đập là hư hỏng tàu gỗ, xảy ra xung đột giữa ngư dân với ngư dân. Chưa có những cơ sở bảo trì, bảo dưỡng cho tàu vỏ thép tại các địa phương có lượng tàu vỏ thép nhiều như Bình Định…
Những chiếc tàu vỏ thép mới đóng của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, phải "nằm bờ" ở cảng Đề Gi - Ảnh: TRỌNG LỢI |
Tàu hỏng do ngư dân?
Ngày 4-5, đại tá Đặng Ngọc Oanh - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, khẳng định với Tuổi Trẻ khi tàu hỏng hóc phải về sửa chữa thì hầu hết đều xác định lỗi do chủ tàu.
"Công ty chúng tôi đóng tàu cá vỏ thép nhiều nhất nước, trước khi bàn giao tàu thì hãng máy luôn tổ chức tập huấn tại nơi nhận trước khi bàn giao tàu nhưng khi về Bình Định thì họ không có máy trưởng cho nên công ty đã kiến nghị trước khi tàu nổ máy rời bến thì phải kiểm tra bằng thuyền trưởng, máy trưởng.
Khi kiểm tra đến thì không có bằng máy trưởng nên dẫn đến chuyện van nước không đóng mà lại mở ra để nước tràn vào máy" - ông Oanh cho hay.
Ông Oanh nói những tàu có thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo, có bằng cấp thì vận hành không bị sự cố gì, còn riêng ở Bình Định thì có 4-5 tàu bị hỏng máy.
Ngoài ra, ông khẳng định máy tàu do công ty mua về đóng là máy nguyên đai, nguyên kiện, bản thân chủ tàu cùng trực với công ty khi khui máy ra, có biên bản và giám định của Tổng cục Thủy sản.
“Có trường hợp tàu hỏng máy không phải lý do bị nước vào thì lại vì đổ dầu không đúng tiêu chuẩn chất lượng, nhiều ngư dân mua dầu trôi nổi nên khi đổ vào thì tạp chất nhiều. Tuy nhiên, mỗi khi máy hỏng thì công ty luôn thay trước để cho bà con tiếp tục ra khơi đánh bắt chứ không có chuyện không khắc phục được" - ông Oanh nói thêm.
Họp khẩn giúp ngư dân
Trước những vụ việc xảy ra với nhiều tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định như trên, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết sáng 5-5, sở chủ trì cuộc họp khẩn với các ngư dân có kiến nghị, hai doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép có nhiều sản phẩm bị hư hỏng, các ngân hàng, đơn vị đăng kiểm và nhiều cơ quan liên quan khác.
“Giải pháp cho những tồn tại của vấn đề đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới sẽ được kết luận trong cuộc họp ngày 5-5. Chúng tôi phải lắng nghe nhiều chiều, từ đó mới xác định được giải pháp căn cơ nhằm không để xảy ra những trường hợp tàu mới đóng xong, làm một vài chuyến là hư hỏng như vừa rồi” - ông Hổ cho biết.
Chiều 4-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trà Dương - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết đã có công văn gởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiến nghị một số nội dung để tạo điều kiện cho ngư dân hoạt động hiệu quả theo Nghị định 67.
Theo đó, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Bình Định đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh này có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả do những nguyên nhân khách quan như: công ty đóng tàu không giao tàu đúng thời hạn; giao tàu kém chất lượng và thiết kế không phù hợp với thực tế khiến ngư dân phải tốn thời gian, chi phí sửa chữa.
Trường hợp đánh bắt không hiệu quả diễn biến bất thường về khí hậu, thời tiết, ảnh hưởng ngư trường thì ngư dân đề nghị ngân hàng điều chỉnh lịch trả nợ…
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Bình Định cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước VN nên có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại thống nhất cho thời gian trả nợ hạn vay của các chủ tàu lên 16 năm vì trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị định 67, nhiều chủ tàu chỉ được vay trong 11 năm…
Bình Định được phép đóng mới, cải tạo 305 chiếc tàu theo chương trình Nghị định 67, đến nay đã phê duyệt 252 tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới. Đến nay, đã có 57 hợp đồng tín dụng được ký kết để đóng tàu, trong đó đã giải ngân cho 55 tàu và hiện đã có 44 tàu (37 chiếc vỏ thép, 4 vỏ gỗ và 3 vỏ composite) đã đi vào hoạt động. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận