Trung chuyển hạt nix thải đến cầu cảng của HVS để đưa xuống tàu chuyển đi - Ảnh: VÂN TRƯỜNG |
Trong thực tế, ở VN từng xảy ra chuyện đổ trộm chất thải xuống biển. Vận chuyển nix thải dài ngày trên biển cần được kiểm soát nghiêm ngặt, chứ không thể giao khoán cho tàu" |
Ông ĐỖ THANH BÁI (chuyên gia Hội Hóa học VN) |
Nix thải là chất thải nguy hại, lẽ ra phải được bàn giao trực tiếp cho nhà máy sản xuất ximăng để xử lý. Thế nhưng trên thực tế 2/3 đối tác nhận xử lý nix thải cho HVS chỉ là trung gian “mua bán” kiếm lời.
Tàu chở đi đâu mặc kệ
Do không thể tự xử lý “núi” nix thải tồn kho, HVS đã ký hợp đồng chuyển giao cho ba đối tác xử lý bằng cách dùng làm nguyên vật liệu sản xuất ximăng. Theo đó, HVS trả 63.000 đồng/tấn được chở đi.
Chỉ duy nhất Công ty Holcim VN (nay là Công ty TNHH Siam City Cement VN) trực tiếp đến cảng HVS ở Khánh Hòa nhận nix thải rồi chở về nhà máy ximăng ở Hòn Chông, Kiên Giang.
Hai đối tác còn lại chỉ là trung gian. Họ nhận tiền hỗ trợ của HVS rồi thuê tàu chở đến nhà máy ximăng và nhà máy phải trả chi phí cho họ.
Ngày 12-7-2013, HVS ký hợp đồng chuyển giao nix thải cho Công ty Mascon (văn phòng ở đường Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa về tỉnh Quảng Bình.
Công ty này thuê tàu của Vinafco miền Trung vận chuyển nix thải từ Khánh Hòa đến Nhà máy ximăng Sông Gianh và Nhà máy VCM tại Quảng Bình.
Ông Hoàng Bá Linh - phó giám đốc Công ty ximăng Sông Gianh - xác nhận công ty của ông đã thanh toán cho Công ty Mascon 160.000 đồng/tấn nix thải. Thực tế giá hợp đồng là 185.000 đồng/tấn, nhưng Mascon “hỗ trợ” cho Công ty ximăng Sông Gianh 25.000 đồng/tấn.
Tương tự, Công ty TNHH TMDL Đông Đô (trụ sở tại đường Triệu Việt Vương, P.Bích Đào, TP Ninh Bình) cũng chỉ là trung gian đứng ra ký hợp đồng với HVS nhưng không trực tiếp xử lý nix thải, mà nhận ủy quyền của Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai tại Cụm công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Công ty Vissai giao cho Công ty Đông Đô chịu trách nhiệm toàn bộ mọi việc liên quan đến ký hợp đồng, thủ tục pháp lý, phương tiện vận chuyển và nhận tiền hỗ trợ từ HVS, miễn sao đưa nix thải về kho của công ty này.
Các nhà máy ximăng nhận xử lý nix thải cách rất xa kho chứa của HVS ở Khánh Hòa. Tàu biển phải mất 3-4 ngày mới tới nơi. Nguy cơ thất thoát hoặc bị sự cố gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường biển trong quá trình vận chuyển có thể xảy ra.
Dù vậy, nội dung hợp đồng chuyển giao nix thải của HVS cho ba đối tác rất sơ sài, chung chung như: “Bên B có trách nhiệm vận chuyển xỉ đồng từ cảng của bên A đến kho chứa bên B một cách an toàn và hợp pháp.
Bên B phải chịu trách nhiệm cho tất cả mọi ô nhiễm hay các vấn đề môi trường liên quan đến việc vận chuyển, sử dụng xỉ đồng theo quy định của pháp luật”.
HVS không đưa ra yêu cầu bắt buộc phương tiện phải có thiết bị định vị GPS để giám sát hoặc HVS cử người giám sát điểm đến của nix thải. Vì thế suốt gần bốn năm qua, 309 chuyến tàu chở gần 400.000 tấn nix thải đi lại trên biển không có ai giám sát.
Mãi đến khi phóng viên Tuổi Trẻ đặt nghi vấn 15 tàu chở nix thải của Công ty Đông Đô và Công ty Mascon không đến Ninh Bình và Quảng Bình, lãnh đạo HVS mới “cử người đi kiểm tra”!
HVS bối rối
Theo ông Kim Chang Gyu - trưởng phòng tổng vụ HVS, ngay khi nhận được thông tin một số tàu chở nix thải “mất tích”, công ty đã cử người làm việc với đối tác và các cảng vụ có liên quan để rà soát, đối chiếu số liệu.
“Nếu trong quá trình rà soát số liệu thấy đơn vị nào không tuân thủ đúng cam kết thì HVS sẽ dừng hợp tác ngay” - ông Kim nói.
Trong khi đó, HVS cho biết từ tháng 3-2017 đến nay Công ty Mascon không đưa tàu đến chở nix thải, thông báo là sẽ thanh lý hợp đồng. Công ty ximăng Sông Gianh cũng khẳng định không tiếp nhận nix thải. Còn Công ty Đông Đô đã mấy tháng qua không đến chở nix thải cho Công ty Vissai.
Khi phóng viên Tuổi Trẻ chất vấn về việc 26 tàu chở nix không đến Vũng Rô, Quy Nhơn và 10 tàu “mất tích” thì lãnh đạo HVS rất bối rối, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ngay lập tức, HVS yêu cầu hai đơn vị trung gian là Công ty Đông Đô và Công ty Mascon liên hệ với cảng vụ để đối chiếu số liệu.
Việc kiểm soát được tình hình và ứng phó thụ động đã dẫn đến hậu quả là hai “trung gian” báo cáo đã tìm được đủ, nhưng HVS cũng không biết báo cáo này thật hay giả!
Ông Đỗ Thanh Bái (chuyên gia Hội Hóa học VN): Rất đáng lo!
Điều mà tôi lo nhất chính là làm thế nào kiểm soát được toàn bộ hoạt động thu gom, vận chuyển nix thải từ nhà máy của HVS đến nhà máy ximăng. Trong thực tế, ở VN từng xảy ra chuyện đổ trộm chất thải xuống biển. Vận chuyển nix thải dài ngày trên biển cần được kiểm soát nghiêm ngặt, chứ không thể giao khoán cho tàu. Theo tôi, xử lý các chất thải nguy hại trong lò ximăng về bản chất là tận dụng các giá trị của chất thải (nhiệt trị, hàm lượng kim loại cần thiết cho thành phần của clinker ximăng). Các chất hữu cơ nguy hại và các chất thải thứ cấp từ quá trình cháy ở nhiệt độ cao (1.600-1.7000C) và môi trường rất kiềm trong lò clinker sẽ được xử lý. Mặt khác, hệ thống kiểm soát khí thải của một số nhà máy ximăng hiện đại như Holcim đủ khả năng kiểm soát các chất ô nhiễm không khí, nhất là bụi và nix. Do đó, xử lý nix thải trong lò ximăng là một giải pháp kinh tế và an toàn. Ông Phạm Văn Bắc (vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng): Phải kiểm soát chặt khi làm ximăng
Nguyên liệu để sản xuất ximăng ở VN thường thiếu sắt, nên người ta thường bổ sung bằng cách dùng quặng sắt hoặc các nguyên liệu có sắt. Hạt nix có hàm lượng sắt 35-60%, hoàn toàn có thể sử dụng bổ sung lượng sắt cho quá trình sản xuất ximăng. Thế nhưng nix thải lại có một hàm lượng nhất định kim loại nặng như: kẽm, chì, đồng... Vì vậy khi sử dụng cái này phải phân tích thành phần hóa học của chúng, nếu nằm trong giới hạn cho phép và tỉ lệ dùng phù hợp mới làm phụ gia để sản xuất ximăng. Không phải hạt nix nào với thành phần nào cũng dùng được. PGS.TS Trần Tuấn Hiệp (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT Hà Nội): Nên tận dụng nix thải làm đường, kè
Mấy năm trước, tôi có hướng dẫn học viên cao học nghiên cứu cách xử lý hạt nix như một cách xử lý phế thải, bằng cách dùng hạt nix vào sản xuất bêtông ximăng thay cát. Hạt nix có trọng lượng riêng rất nặng, khó phát tán. Nhưng bụi hạt nix bay được, phát tán được nên rất nguy hiểm nếu hít vào phổi. Hạt nix là hạt trơ, cứng, rất khó bị xâm thực do tác động của môi trường. Kết quả nghiên cứu mẫu thử bêtông ximăng làm từ nix thải cho thấy nó đạt cường độ gần bằng với cát, sử dụng rất tốt đối với công trình phòng hộ, đường ôtô. Tuy nhiên, muốn biết độ bền và tác động môi trường đến nó như thế nào cần được nghiên cứu thêm. HVS cần chủ động mời các nhà khoa học tham gia ngay bây giờ để sớm giải quyết nix thải còn tồn kho. |
Người dân và các cơ quan chức năng nếu có thông tin hoặc biết các tàu chở nix thải (xỉ đồng đã qua sử dụng) đổ ở đâu hoặc đi đâu ngoài nhà máy ximăng ở Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An... hãy thông tin cho báo Tuổi Trẻ biết để phối hợp xác minh, truy tìm. Điện thoại đường dây nóng: 0918.033133 hoặc email: [email protected] |
* Đón xem loạt phóng sự truyền hình trên trang web: tv.tuoitre.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận