Phóng to |
Hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng tại huyện Củ Chi (TP.HCM) sản lượng làm ra không đủ cung cấp cho thị trường xuất khẩu - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Theo số liệu điều tra của công ty nghiên cứu thị trường, tổng nhu cầu mì gạo của VN là 5,1 tỉ gói/năm, trong đó các sản phẩm gạo chiếm gần 10%, tương ứng 510 triệu gói/năm.
Từ cuộc đua trên kệ
Bún, bánh phở, hủ tiếu, cháo... từ lâu là món ăn truyền thống của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, vài năm gần đây nhóm hàng này được sản xuất thành sản phẩm khô, xuất hiện dày đặc và cạnh tranh khốc liệt trên kệ tại các siêu thị. Chị Thu Thủy (ở Q.Tân Bình, TP.HCM) mua hàng tại Big C Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) cho biết nhà chị có hai cháu nhỏ, chồng thường xuyên làm việc khuya, công việc lại bận rộn nên hay mua đồ ăn khô dự trữ trong nhà. “Trước chỉ có mì gói, bây giờ tui mua đủ thứ, nui, mì, cháo, phở... mỗi thứ vài gói, ai muốn ăn gì cũng tiện” - chị Thủy nói.
Dư địa thị trường còn rất lớn Số liệu thị trường thực phẩm ăn liền tại VN cho thấy mức tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ gạo ăn liền còn khiêm tốn. Đứng đầu vẫn là ngành mì ăn liền chiếm 91%, tiếp đến là phở 5%, hủ tiếu 2% và bún ăn liền 1,2%. Các doanh nghiệp khẳng định cơ hội tăng trưởng cho ngành hàng này còn rất lớn. |
Tại Co.op Mart, chỉ riêng quầy mì gói, bún, hủ tiếu, cháo... đã chiếm diện tích hai dãy hàng dài. Đếm sơ tại siêu thị Co.op Mart Thắng Lợi (Q.Tân Phú) có thể thấy tới vài chục nhà sản xuất cung cấp hàng như Acecook, Saigon Food, Vifon, Safoco, Á Châu...
Cũng với từng đó nhà sản xuất, tại Big C phải sắp đặt tới ba kệ dài để trưng bày nhóm hàng này, bên cạnh đó còn có cả lượng rất lớn hàng nhập khẩu được đưa vào kinh doanh. Chưa kể, nhiều hệ thống siêu thị tung ra nhãn hàng bún, phở, bún bò, hủ tiếu riêng. Chỉ tính riêng mặt hàng hủ tiếu, nhà sản xuất Vina Acecook đã đưa tới 2-3 sản phẩm lên kệ, ngoài ra còn hủ tiếu Nam Vang của Vifon, Bích Chi, Hằng Nga... cũng chạy đua sản xuất mặt hàng này với mức giá 4.000-14.000 đồng/gói. Nhóm hàng phở cũng với chừng đó doanh nghiệp đã đưa lên kệ như: phở bò, phở gà, phở bò kho, phở chay... với nhiều mức giá để người tiêu dùng lựa chọn từ 4.000-7.000 đồng/gói.
Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc hệ thống Saigon Co.op, cho biết hiện có hơn 60 nhà cung cấp các sản phẩm chế biến từ gạo. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng nhà cung cấp tăng lên thêm 15%. Theo đánh giá của ông Nhân, nhóm hàng này đang thật sự có sức hút với rất nhiều doanh nghiệp. Số lượng chủng loại sản phẩm cũng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, góp phần làm phong phú thị trường các sản phẩm chế biến từ gạo. Ông Nhân cho biết thêm các sản phẩm chế biến từ gạo có thể dùng thay thế bún tươi như bún tươi sấy khô, miến, phở được ghi nhận doanh số tăng cao, tháng cao điểm tăng 3-4 lần so với thời điểm sự kiện một số mẫu bún tươi trên thị trường bị nhiễm tinopal được công bố.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại hệ thống Big C, cho biết ở nhóm hàng đồ khô, bún, bánh phở, cháo..., siêu thị đang hợp tác cung cấp với khoảng 15 đơn vị để đưa lên kệ hơn 150 loại sản phẩm khác nhau phục vụ người tiêu dùng.
Đến cuộc đua công nghệ
Theo ông Lê Văn Hùng - giám đốc tiếp thị Vina Acecook, mỗi sản phẩm chế biến từ gạo đều phải đầu tư dây chuyền riêng do đặc thù khác nhau. Từ năm 2006, Acecook bắt tay vào phát triển sản xuất kinh doanh thực phẩm ăn liền chế biến từ gạo nhưng đến nay những sản phẩm này mới bắt đầu có tốc độ tăng trưởng rõ rệt. “Sự giao thoa ẩm thực của các vùng miền đã giúp những sản phẩm này được ưa chuộng” - ông Hùng giải thích. Như hủ tiếu Nam Vang, bún riêu... bán rất chạy ở phía Bắc trong khi bánh đa cua, phở... lại đắt hàng tại phía Nam. Theo ông Hùng, với những sản phẩm ăn liền chế biến từ gạo, quan trọng nhất là đưa vào được những hương vị đặc trưng khẩu vị từng vùng miền. Hiện nay tỉ lệ các sản phẩm gạo của Vina Acecook chiếm khoảng 10% tổng doanh số công ty.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, tốc độ tăng trưởng của ngành sản phẩm ăn liền chế biến từ gạo đã tăng 10% trong khi ở ngành mì ăn liền giảm còn 5%. Ông Nguyễn Ngọc Lân, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm VN - Vifon, cho biết đã chuyển hướng tập trung vào sản phẩm chế biến từ gạo thay vì chỉ mì gói như trước kia do lợi thế sử dụng nguyên liệu, nông sản tại chỗ và am hiểu thị trường. Vậy là những đặc sản quê hương ngon, hấp dẫn, tiện dụng như phở bò, bún riêu cua, bánh đa cua... ra đời.
Để có thể sản xuất những sản phẩm chế biến từ gạo, Vifon đã thực hiện nhiều nghiên cứu trong quy trình nghiêm ngặt. Đầu tư công nghệ cũng phải đảm bảo giữ được hương vị của món ăn, sản phẩm dinh dưỡng, an toàn cao. Cho đến nay, món bánh đa cua ăn liền của Vifon ra đời nhờ tận dụng thế mạnh của nguồn nguyên liệu chính là gạo, cua đồng, hành, tỏi, ớt, tiêu, muối... đã vượt khỏi biên giới VN. “Để đảm bảo chất lượng của nguyên liệu gốc, chúng tôi chủ động đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về độ ẩm, độ hóa lý... của hạt gạo” - ông Lân cho biết.
Trong vài năm trở lại đây, ngành sản xuất thực phẩm của các doanh nghiệp Việt đã tăng đáng kể tỉ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa như gạo, bột gạo, rau quả, các loại đậu... Theo bà Lê Thị Thanh Lâm - phó giám đốc Saigon Food, xu hướng này không chỉ làm tăng giá trị cho hàng nông sản VN mà còn giúp doanh nghiệp chủ động được giá cả sản phẩm, khi 95% là nguyên liệu có sẵn trong nước. Đi kèm với quá trình này là việc đổi mới công nghệ sản phẩm, giá cả nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng rẻ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận