06/03/2018 20:52 GMT+7

Nhiều sai phạm trong lắp đặt ống nước sông Đà

THÂN HOÀNG - DIỆP THANH
THÂN HOÀNG - DIỆP THANH

TTO - Trả lời câu hỏi của các luật sư tại phiên tòa xét xử vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà, giám định viên đưa ra nhiều căn cứ khẳng định quá trình sản xuất ống, quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước có nhiều sai phạm.

Nhiều sai phạm trong lắp đặt ống nước sông Đà - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: DIỆP THANH

Chiều 6-3, phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà 18 lần tiếp tục với phần tham gia thẩm vấn của các luật sư.

Nhiều sai phạm trong quá trình lắp đặt ống nước

Luật sư Lê Hồng Hà đặt ra một số câu hỏi về sự khách quan của quá trình thực hiện giám định cũng như kết quả giám định nguyên nhân vỡ đường ống nước.

LS Hà hỏi giám định viên: "Người giám định có thực hiện phương pháp thí nghiệm kiểm định không?", giám định viên đáp: "Chúng tôi kết hợp từ nhiều biện pháp trong đó có kiểm tra đối chiếu hồ sơ, có động tác khảo sát…". "Có thí nghiệm kiểm định với ống không?", luật sư Hà tiếp tục.

Giám định viên khẳng định các thí nghiệm cụ thể nhiều, đã thể hiện trong hồ sơ và khi giám định đã tổ chức lấy mẫu đem đi thí nghiệm.

Cũng theo lời giám định viên, họ thực hiện giám định một cách trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, chỉ thực hiện giám định đối với nội dung trưng cầu.

Trước câu trả lời trên, luật sư Hà tiếp tục hỏi giám định viên kết quả giám định có tuân thủ theo nguyên tắc khách quan không? Giám định viên khẳng định họ thực hiện theo nguyên tắc khách quan. Quá trình giám định đào hố tại hiện trường, lấy mẫu thí nghiệm có sự chứng kiến của nhiều bên nên đảm bảo khách quan.

Theo kết luận giám định tư pháp ngày 15-4-2015, nguyên nhân gây ra hậu quả vỡ ống là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội.

Trong đó, quá trình sản xuất ống chưa được kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu. Ngoài ra, không thực hiện thử nghiệm độ bền tủy tĩnh dài hạn để làm cơ sở cho việc kiểm tra độ bền dài hạn của tuyến ống sau này.

Quá trình thi công, xây dựng, Ban quản lý Dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt. Khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo quy định 209 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật trong quá trình thi công.

Việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu chưa chặt chẽ, không phát hiện ra các tồn tại trong quá trình thi công, lắp đặt tuyến ống.

Nhiều sai phạm trong lắp đặt ống nước sông Đà - Ảnh 2.

Đại diện giám định viên trả lời câu hỏi của các luật sư - Ảnh: DIỆP THANH

"Ông chỉ rõ phần nào nhà thầu chưa kiểm soát chặt chẽ", luật sư Hà nói.

"Để ra được kết luận giám định này đơn vị giám định thực hiện kiểm tra toàn bộ hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp, hồ sơ đơn vị cung cấp ống… cùng với quá trình đào hố thăm kiểm tra, chúng tôi đã đưa ra kết luận này. Kết quả của chúng tôi đã được nêu trong các báo cáo rồi", một giám định viên trả lời.

"Trường hợp nào ông đào đến thân ống chưa?", luật sư tiếp tục "xoay" giám định viên. "Những kết quả của 14 hố thăm chụp ở nhiều góc độ khác nhau, chúng tôi có trong báo cáo gửi cơ quan cảnh sát điều tra", giám định viên trả lời đồng thời cho biết họ đào 14 hố này để kiểm tra công tác thi công xây lắp, kiểm tra ngoại quan của ống.

Không thuộc trách nhiệm HĐQT Vinaconex?

Trước đó, trong buổi sáng, vì Phí Thái Bình vắng mặt nên HĐXX đã công bố lời khai của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội này.

Theo lời khai của ông Bình, dự án cấp nước Sông Đà xuất phát từ tâm huyết khắc phục tình trạng thiếu nước của nhân dân Thủ đô. Dự án tiên phong đi đầu phong trào xã hội hóa, giải quyết nước sạch, đồng thời sử dụng công nghệ mới áp dụng vào dự án.

Dự án này được cho phép thực hiện với 2 giai đoạn đầu tư, tổng kinh phí là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn tự có và vốn khác, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Ông Bình khai, giai đoạn 1 của dự án đã cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân Thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng.

Nhiều sai phạm trong lắp đặt ống nước sông Đà - Ảnh 3.

Sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án đường ống nước sông Đà tiếp tục bị vỡ nhiều lần - Ảnh: Q. THẾ

Ông Bình cho rằng việc đường ống nước Sông Đà bị vỡ hàng chục lần là do nhiều nguyên nhân khách quan chứ không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex.

Đối với việc lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị, ông Bình giải trình, nhà máy có đủ năng lực sản xuất ra ống phục vụ dự án...

Trước đó ông Bình cùng với 4 thành viên của HĐQT Vinaconex và 2 người khác bị khởi tố "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Tuy nhiên sau đó VKSND Tối cao cho rằng chưa đủ căn cứ để phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với những người này nên đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.

THÂN HOÀNG - DIỆP THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp