13/08/2014 07:15 GMT+7

Nhiều sai phạm tại Trường ĐH Mở TP.HCM

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tuyển sinh không đúng đối tượng, thiếu giảng viên, cán bộ quản lý... là những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra khi kết thúc thanh tra tại trường này

Trường ĐH Mở TP.HCM trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) còn đề cập đến nhiều sai phạm về tài chính của Trường ĐH Mở TP.HCM.

Học ban đêm cấp bằng chính quy

Theo kết luận thanh tra, về công tác tuyển sinh, đào tạo liên thông cao đẳng lên đại học, Trường ĐH Mở TP.HCM đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với số lượng Bộ GD-ĐT quy định.

Cụ thể, năm 2010 trường tuyển sinh vượt 1.082 sinh viên (33,3%), năm 2011 vượt 1.026 sinh viên (40,2%). Điều này cũng dẫn đến nhiều sinh viên trúng tuyển trong ba năm (2010-2012) chưa đảm bảo điều kiện tham gia dự thi theo quyết định của Bộ GD-ĐT.

Trong ba năm 2010-2012, trường đã tuyển 3.897 sinh viên, trong đó chỉ có 1.378 sinh viên học ban ngày, còn lại 2.519 sinh viên được nhà trường tổ chức đào tạo giảng dạy vào ban đêm nhưng khi tốt nghiệp lại cấp bằng đại học chính quy.

Việc tổ chức đào tạo, quản lý vào ban đêm cấp bằng đại học chính quy là không đúng với các quy định của Bộ GD-ĐT về quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.

Xem xét công nhận tốt nghiệp không đúng quy định

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện các biện pháp chấn chỉnh những thiếu sót, vi phạm tại Trường ĐH Mở TP.HCM, chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm tập thể ban giám hiệu; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân đối với hiệu trưởng giai đoạn 2007-2012, các phó hiệu trưởng thời kỳ 2007-2012 có liên quan đến các sai phạm được nêu trong kết luận.

Đồng thời TTCP đề nghị xem xét việc công nhận hoặc không công nhận bằng tốt nghiệp hệ chính quy đối với các trường hợp đã được cấp bằng tốt nghiệp không đúng quy định; xử lý đối với các trường hợp học viên cao học liên kết với nước ngoài không đủ điều kiện, tiêu chuẩn như quy định của Bộ GD&ĐT.

Trong đào tạo vừa làm vừa học, trường không lập hồ sơ liên kết đào tạo đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định trước khi thực hiện liên kết đào tạo tại địa phương; hợp đồng liên kết đào tạo thiếu các thông tin về tuyển sinh, đào tạo và quản lý đào tạo; không thực hiện việc báo cáo trước mỗi kỳ tuyển sinh với Bộ GD-ĐT.

Đáng chú ý, năm 2010 trường tự ra đề thi khối C cho hai kỳ thi tuyển sinh ngành luật kinh tế là ngành chưa đủ điều kiện tuyển sinh hệ vừa làm vừa học, trái quy định tại quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học...

Biến tấu “phí, lệ phí”

Về việc thu học phí, lệ phí, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm như thu vượt định mức quy định, tự quy định nhiều khoản mang tên “phí, lệ phí”.

Đó là các khoản thu ôn tập để chuẩn bị thi đầu vào các lớp ngắn hạn, hoàn chỉnh kiến thức để dự thi cao học... TTCP kết luận việc sử dụng từ ngữ này là không đúng với bản chất, nội dung khoản thu.

Cụ thể, nhà trường thu học phí, lệ phí vượt quy định của Nhà nước gần 19 tỉ đồng; ban hành và thực hiện một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục của Nhà nước với số tiền gần 2,35 tỉ đồng.

Thậm chí nhà trường đã thu học phí chương trình đào tạo đặc biệt khi chưa có ý kiến cho phép của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH.

Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng xác định trường chưa nộp đầy đủ tiền thu học phí, lệ phí vào Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo quy định, thuê cơ sở vật chất dạy học chưa thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, sử dụng quỹ ổn định thu nhập chưa đúng quy định...

Thu nhiều học phí, lệ phí như vậy nhưng trường không thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giảng viên theo quy định; trích lập quỹ học bổng trong ba năm không đảm bảo mức tối thiểu 15% thu học phí chính quy. Tổng số tiền trích thiếu giai đoạn 2010-2012 lên đến hơn 20,7 tỉ đồng.

Đối với công tác đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của trường dàn trải, không tập trung, hiện tại đều trong tình trạng xây dựng dở dang, mục đích đầu tư chưa thực hiện được; các gói thầu thi công đều chậm dẫn đến tiến độ dự án không đảm bảo theo quyết định phê duyệt đầu tư.

Đây là một trong những nguyên nhân gây lãng phí nguồn vốn, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Đề nghị Bộ Công an vào cuộc 3 vụ việc

TTCP xác định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có nhiều nội dung vi phạm nên đề nghị Bộ Công an phối hợp xác minh làm rõ hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng cơ bản đối với ba vụ việc gồm:

1. Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Tân Kỷ và Công ty TNHH Sông Mã về hành vi mua bán gói thầu xây dựng nhà xe số 3 (gói thầu số 6) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình ĐH Mở - bán công TP.HCM đợt đầu (giai đoạn I);

2. Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Cotec và Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Tân Kỷ có dấu hiệu thông đồng giữa hai nhà thầu trong quá trình đấu thầu.

3. Liên danh Công ty cổ phần Nước, môi trường và hạ tầng kỹ thuật Sài Gòn - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng tổng hợp trúng thầu tư vấn thiết kế, lập dự toán dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại cơ sở Long Bình - Trường ĐH Mở TP.HCM (giai đoạn I), quá trình lập dự toán xây dựng gây lãng phí nguồn vốn nhà nước hơn 5,8 tỉ đồng.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp