14/03/2008 07:27 GMT+7

Nhiều sách hay nhưng bìa... chưa hay (!)

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Có thể nói tinh thần của hội sách năm nay là giới thiệu sách mới. Nhiều cuốn sách vừa "ra lò” đã cùng người đến ngay hội sách. Những cuốn sách mới đồng thời cũng là những cuốn sách hay mà những người làm sách trân trọng mang đến cho độc giả.

Sổ tay:

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Thế nhưng, bên cạnh niềm vui được sở hữu những cuốn sách mới và hay đó, nhiều độc giả cũng có ý kiến rằng: "Nội dung thì hay nhưng bìa... chưa hay". Đó là chưa kể ý kiến của một họa sĩ thoạt nghe qua có vẻ hơi cực đoan khi cho rằng: "Sách càng ngày càng hay, nhưng bìa thì càng ngày... càng xấu"(!).

Nghe những ý kiến đó rồi đi "ngắm" sách thì thấy không phải là không có lý. Trước hết phải công nhận một điều là bìa sách ngày càng "bắt mắt". Nhưng "bắt mắt" không có nghĩa là đẹp, theo quan niệm "bìa sách là gương mặt tác phẩm", hay "bìa sách cũng là một tác phẩm"... Có một điều dễ thấy nhất là có khá nhiều bìa sách chuyển tải thông điệp chẳng ăn nhập gì đến nội dung tác phẩm. Xin đơn cử một ví dụ ngẫu nhiên: bìa tập thơ Những cọng rau tập tàng (tác giả Cảnh Trà, NXB Hội Nhà Văn) nội dung chuyển tải những niềm quê Việt, nhưng bìa thì thiết kế hình gương mặt một cô gái tóc nâu mắt xanh, che ngang bằng một... đọt bằng lăng(?!).

Ở những cuốn sách không hay nhưng bìa xấu thì không nói làm gì. Nhưng thật thấy không vui khi cầm một cuốn sách hay mà bìa... chưa hay(!). Ví như bìa cuốn Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi (NXB Văn Học tái bản) nhìn "xấu xí” quá. Lật vào trang lưu chiểu để xem họa sĩ thiết kế bìa là ai thì thấy... vô danh (tức bỏ trống).

Cuốn tiểu thuyết Tiếng người của nhà văn trẻ Phan Việt (NXB Trẻ) nội dung đặc sắc, có thể nói là "sang" nhưng bìa vừa "quê” vừa "sến"; cuốn Tâm lý học đám đông (Gustave Le Bon, NXB Tri Thức tái bản) thì bìa được "ẩn dụ” bằng hình ảnh một... đàn chim về tổ trong trời chiều; cuốn tiểu thuyết Tuyết (Orhan Pamuk, NXB Trẻ) thì bìa lại... sai một ly đi một dặm, khi nội dung cuốn sách nói về đất nước Hồi giáo mà hình bìa lại là một... nhà thờ Thiên Chúa giáo...

Lý giải về chuyện "sách càng hay nhưng bìa càng xấu" như hiện nay, hầu hết những người làm sách đều cho rằng "thiếu trầm trọng họa sĩ thiết kế bìa". Quả thật như vậy, trong một thị trường sách rộng lớn như TP.HCM thì thiết kế bìa sách quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy người, như: Đỗ Duy Ngọc, Vũ Đình Giang, Mai Quế Vũ, Lê Ký Thương...

Nhiều họa sĩ trước kia từng "mặn nồng" với bìa sách giờ không còn "ham hố" nữa bởi nhiều nguyên do. Trong đó có hai nguyên do chính, đó là thù lao thiết kế bìa "hẻo" quá, thêm nữa ngày nay chỉ cần vài ngón nghề photoshop thì ai cũng có thể trở thành "họa sĩ” được. Không cần lướt qua nội dung sách, chỉ đọc tựa và "phăng" đó là "căn bệnh" phổ biến của các "họa sĩ” làm bìa sách hôm nay.

Lẽ nào, trong khi có những người đang nỗ lực làm nên những cuốn sách hay, lại không có những người dốc lòng để có những cái bìa đẹp?! Mà cái đẹp của bìa sách cũng có nghĩa là hay. Thật vui khi có một cuốn sách hay trọn vẹn.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp