Chợ Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Chỉ riêng tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, hàng loạt quy hoạch chợ và trung tâm thương mại đã không thể triển khai trong thực tế do chưa tính đến đặc thù ngành nghề cũng như không dựa trên nhu cầu thực tiễn.
Chỉ có giá trị trên... giấy!
Năm 2009, nhằm xóa bỏ tình trạng mua bán thực phẩm ở lòng, lề đường vốn không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, văn minh đô thị, UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, các mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả chỉ được phép bán tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi, những người buôn bán ở lề đường, chợ tạm, chợ cóc sẽ bị xem là vi phạm và bị xử lý.
Thậm chí với quy hoạch được phê duyệt, hàng ngàn tiểu thương đang kinh doanh tại gia phải ngừng do không thuộc các thành phần được phép kinh doanh lẻ các mặt hàng này, hoặc họ phải đầu tư cơ sở vật chất để trở thành “cửa hàng văn minh tiện lợi” mới đủ điều kiện kinh doanh. Nhưng khái niệm thế nào là văn minh tiện lợi thì không được đề cập.
Bởi vậy ngay khi triển khai quy hoạch đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi dù ý định tốt. Và thực tế đến nay các mặt hàng này vẫn bày bán bình thường ở chợ cóc, chợ tạm, cả người bán lẫn người tiêu dùng không biết gì về quy hoạch trên trong khi đơn vị quản lý cấp quận, huyện dù tích cực triển khai cũng thừa nhận không dễ thực thi triệt để theo đúng tinh thần quy hoạch đề ra.
Ngay trong lĩnh vực bán lẻ cũng xảy ra sự bất cập giữa mục tiêu quy hoạch, mục tiêu khai thác sử dụng công trình và nhu cầu thực tiễn. Theo đề án quy hoạch chợ đến năm 2010, TP.HCM tiến hành sửa chữa, nâng cấp 64 chợ; giải tỏa, di dời 19 chợ không phù hợp quy hoạch.
Từ năm 2011 - 2015 sửa chữa, nâng cấp 31 chợ truyền thống; tiếp tục giải tỏa, di dời 29 chợ còn lại... Thế nhưng việc cải tạo chợ rất khó thành công và luôn gặp sự phản đối của tiểu thương.
Không khả thi do không sát thực tế
Tháng 9-2014, ngay khi đề án chợ Tân Bình được xây dựng thành trung tâm thương mại kết hợp chợ đưa ra, tiểu thương ở chợ đã đồng loạt đóng cửa sạp để phản đối, tranh cãi nhiều ngày trời. Cuối cùng dự án đành “tạm gác”, ngừng triển khai.
Trước đó, chợ Bà Chiểu cũng được quy hoạch để xây dựng thành trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng kết hợp chợ. Nhưng đến nay phương án trên đã được rút tên khỏi danh sách, kế hoạch xây chợ cũng lơ lửng.
“Vấn đề là mỗi khi thông tin chợ sắp được cải tạo, xây mới là mọi hoạt động kinh doanh ở chợ bị trì trệ luôn. Tiểu thương không dám đầu tư, buôn bán mà như ngồi trên đống lửa” - chị Hà, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, từng tâm sự.
Trong khi đó, quy hoạch giai đoạn 2009 - 2015 TP.HCM sẽ phát triển thêm khoảng 95 siêu thị và 140 trung tâm thương mại, ưu tiên những khu vực đầu mối giao thông, khu mua sắm tập trung... cũng trở nên “lạc hậu”, “thừa thãi”.
Bởi với cơ chế quản lý hiện nay, TP.HCM không thể thống kê chính xác con số siêu thị, cửa hàng tiện lợi... có trên địa bàn để đánh giá quy hoạch có phù hợp với thực tiễn hay không.
Gần đây, Sở Công thương TP.HCM cùng Cục Thống kê mới bắt tay cùng làm lại thống kê con số thực về số siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM!
Phó tổng giám đốc một hệ thống siêu thị cho biết việc quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ không chỉ đơn giản sẽ có bao nhiêu chợ, bao nhiêu siêu thị.
“Số lượng và quy mô của hệ thống siêu thị phải dựa trên bán kính và diện tích phục vụ của từng loại hình và quy mô. Chẳng hạn siêu thị hạng 1 phục vụ mấy trăm ngàn khách, trong phạm vi bán kính bao nhiêu, quy mô dân số đô thị...
Thế nhưng hiện nay việc chuyển đổi công năng sử dụng đất khá dễ dàng, mở siêu thị không khó. Dù khó có thể nói việc này phá vỡ hệ thống bán lẻ, nhưng cho thấy các quy hoạch không có ý nghĩa gì với doanh nghiệp” - ông này nói.
Vừa ban hành đã phải “chỉnh” Ngày 26-6, Bộ Công thương đã ban hành quyết định về quy hoạch mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025. Trong đó, bộ đã quyết định loại chợ đầu mối Long Biên ra khỏi quy hoạch, đưa vào diện phải xóa bỏ hoặc di dời, chỉ duy nhất chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm) được giữ nguyên trạng. Tương tự, TP.HCM cũng chỉ còn ba chợ đầu mối được giữ gồm: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Trong danh sách chợ đầu mối được phép cải tạo, nâng cấp cả TP.HCM và Hà Nội không có chợ nào. Ngày 10-7, tức chỉ hơn nửa tháng sau, khi nhiều cơ quan báo chí nêu bất cập việc xóa bỏ hoặc di dời chợ Long Biên, Bộ Công thương đã gửi một thông cáo giải thích. Theo đó, bộ cho biết UBND TP Hà Nội đã có quyết định chợ Long Biên là chợ hạng II. Quyết định của Bộ Công thương chỉ quy hoạch các chợ đầu mối, chợ hạng I. Vì vậy, dù trong phụ lục quyết định do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký đã đưa chợ Long Biên vào bảng liệt kê các chợ đầu mối trong diện phải xóa bỏ và di dời, nhưng thông cáo của Bộ Công thương cho rằng quyết định chỉ có ý chợ Long Biên sẽ không có chức năng chợ đầu mối chứ không phải xóa bỏ, di dời. Vì vậy, “chợ Long Biên vẫn tồn tại như chợ hạng II như cũ” - thông cáo cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận