
Ông Trump và chiếc bảng tính thuế đối ứng ngày 2-4 - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-4 đã công bố thuế quan tối thiểu 10% và mức thuế cao hơn với 60 nước và khối thương mại có thâm hụt lớn với Mỹ.
Tìm giải pháp phù hợp về thuế quan
Theo Hãng tin Reuters, ngày 3-4, Singapore đã bày tỏ thất vọng khi bị Mỹ áp thuế 10%, mặc dù trung tâm tài chính của châu Á này có hiệp định thương mại tự do và đang thâm hụt thương mại song phương với Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong cho biết nước này có thể áp dụng biện pháp đối phó nhưng quyết định không làm vậy để tránh tăng chi phí nhập khẩu. Thay vào đó, ông khẳng định Singapore sẽ tìm cách tiếp cận để hiểu về những quan ngại của Tổng thống Donald Trump và xem xét có thể giải quyết hay không.
So với các nước láng giềng Đông Nam Á bị áp thuế 32-49%, mức thuế của Singapore vẫn thấp hơn. Năm ngoái, Mỹ có thặng dư thương mại 2,8 tỉ USD với Singapore, tăng 84,8% so với năm 2023.
Cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khẳng định bà sẽ theo đuổi đàm phán nhằm giảm mức thuế 37% mà Mỹ áp lên nước này, cao hơn rất nhiều so với mức 11% dự kiến.
"Chúng ta phải đàm phán và đi vào chi tiết. Không thể để tình hình ảnh hưởng đến mục tiêu GDP", bà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cũng khẳng định chính phủ nước này đã sẵn sàng đàm phán và kỳ vọng kết quả tích cực, nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp giữa Washington và Bangkok.
Malaysia, bị Mỹ áp thuế 24%, cũng tuyên bố sẽ không áp thuế trả đũa. Nước này cho biết Bộ Thương mại sẽ tích cực làm việc với phía Mỹ để tìm giải pháp phù hợp với tinh thần thương mại tự do và công bằng.
Ấn Độ cũng cho biết đang nghiên cứu tác động từ mức thuế 27% của Mỹ, đồng thời cam kết thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Washington trong năm nay.
“Những cuộc đàm phán đang tập trung vào việc thúc đẩy thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa hai quốc gia”, thông báo của Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, đồng thời nhấn mạnh nước này vẫn duy trì liên lạc với chính quyền ông Trump và sẽ tiếp tục làm việc trong những ngày tới.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo đã yêu cầu Bộ Công nghiệp nước này phân tích các mức thuế quan và đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động của mức thuế quan 25% mà Mỹ áp lên nước này. Ông cũng cho biết Chính phủ sẽ lên kế hoạch hỗ trợ cho ngành ô tô vào tuần tới.
EU đàm phán với Mỹ vào ngày mai
Cũng trong ngày 3-4, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic cho biết ông sẽ đàm phán với các đối tác Mỹ vào ngày mai 4-4 về mức thuế 20% từ Mỹ.
“Chúng tôi sẽ hành động một cách bình tĩnh, có kế hoạch và thống nhất khi điều chỉnh phản ứng của mình, đồng thời dành đủ thời gian cho các cuộc đàm phán. Nhưng chúng tôi cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn nếu không đạt được một thỏa thuận công bằng”, ông Sefcovic nhấn mạnh.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra những phát biểu để ngỏ cánh cửa đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng khẳng định khối này sẵn sàng đối đầu nếu đàm phán thất bại.
Bà cho biết Brusssels "đang chuẩn bị các biện pháp đối phó bổ sung". Pháp và Đức gợi ý rằng động thái này có thể nhắm vào các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Anh, đồng minh thân cận của Mỹ, cũng bày tỏ hy vọng một thỏa thuận kinh tế sẽ "giảm nhẹ" tác động từ mức thuế quan 10% mà ông Trump áp lên nước này.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết sẽ tìm cách đàm phán với Mỹ về thuế quan 15% từ Washington. "Người Mỹ nói rằng có một cơ hội đàm phán ở đây, và chúng tôi sẽ sử dụng cơ hội đó theo mọi cách có thể", ông nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận