Tên lửa chống hạm thế hệ mới Type 12 của Nhật Bản - Ảnh: NAVAL NEWS
Nhằm ngăn ngừa “mối đe dọa” từ Trung Quốc và giảm lệ thuộc vào Mỹ, các quốc gia/vùng lãnh thổ ở châu Á bắt đầu đẩy mạnh kho vũ khí, bao gồm việc phát triển tên lửa riêng. Cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tác động lên vấn đề kinh tế.
Hãng tin Reuters ngày 20-7 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng câu chuyện an ninh cũng chịu ảnh hưởng lớn, và căng thẳng Mỹ - Trung là nguồn cơn cho một đợt chạy đua tên lửa ở các nước châu Á.
Theo các phân tích trên, tình hình đã thay đổi khi Trung Quốc sản xuất hàng loạt tên lửa Đông Phong (DF-26), có tầm bắn lên tới 4.000km, và được mệnh danh là "sát thủ diệt hạm".
Đổi lại, Mỹ cũng phát triển các loại vũ khí mới nhằm đối phó với Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương.
Cuộc chạy đua này dẫn tới việc các nước khác buộc phải mua sắm hoặc tự phát triển tên lửa, về lý thuyết là ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và đồng thời giảm sự lệ thuộc vào Mỹ.
Vì lẽ đó, các nhà phân tích trong bài viết của Reuters cho rằng trước khi kết thúc thập niên này, châu Á sẽ "bùng nổ" với các tên lửa thông thường có tầm bắn xa hơn, tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn, tinh vi hơn bao giờ hết.
Đây là nhận định chung của các nhà ngoại giao, quan chức quân sự, nhà phân tích… Và theo ông David Santoro, chủ tịch Pacific Forum: "Bức tranh về tình hình tên lửa đang thay đổi ở châu Á, và thay đổi rất nhanh".
Trong quan hệ quốc tế và quốc phòng, tên lửa có vai trò quan trọng trong lợi ích chiến lược, như ngăn chặn kẻ thù, tăng cường vị thế với các đồng minh, và cũng có thể là một món hàng xuất khẩu đắt giá.
Nhưng những người như ông Santoro lại hoài nghi về khả năng các loại vũ khí này có thể giúp căng thẳng được "cân bằng", hoặc giúp duy trì hòa bình. Thay vào đó, đây có thể là dấu hiệu làm nảy sinh tâm lý chạy đua vũ trang, khiến căng thẳng bùng phát.
Hiện nay, theo một biên bản Reuters tiếp cận được từ Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ, Lầu Năm Góc có kế hoạch triển khai các loại vũ khí tầm xa mới ở chuỗi đảo thứ nhất, tức chuỗi đảo gồm Nhật Bản, Đài Loan, và các nước Thái Bình Dương.
Dù vậy, đến nay phía Mỹ chưa có quyết định về việc sẽ triển khai ở đâu. Đa số đồng minh Mỹ trong khu vực cũng chưa cam kết sẽ đồng ý triển khai. Việc cho phép tên lửa Mỹ triển khai cũng là động thái nhiều khả năng chọc giận Trung Quốc.
Một số đồng minh Mỹ vì vậy đang phát triển vũ khí riêng. Gần đây, Úc công bố việc chi 100 tỉ USD trong 20 năm tới để phát triển tên lửa tiên tiến.
Michael Shoebridge (Viện Chính sách chiến lược Úc) cho rằng đại dịch COVID-19 và Trung Quốc đã cho thấy việc lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong những thời điểm khủng hoảng là sai lầm, mà trong chiến tranh, việc lệ thuộc vào tên lửa cũng là vấn đề tương tự.
Nhật Bản thực tế cũng chi hàng triệu USD vào vũ khí tầm xa, và đang phát triển một phiên bản mới của tên lửa chống tàu gắn trên xe tải.
Hàn Quốc trong khi đó cũng đầu tư vào chương trình tên lửa đạn đạo nội địa, được thúc đẩy thông qua một thỏa thuận gần đây cho phép Mỹ tháo gỡ các giới hạn song phương liên quan tới khả năng phát triển của Hàn Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận