Cửa hàng xăng dầu trên tuyến quốc lộ 91, đoạn xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang chỉ đổ cho khách tối đa 30.000 đồng tiền xăng (ảnh chụp sáng 14-2) - Ảnh: BỬU ĐẤU
Nguồn xăng khan hiếm, bán ‘nhỏ giọt’
Ngày 14-2, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại cửa hàng xăng dầu nằm cặp quốc lộ 91, đoạn xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang, nhiều người chạy xe vào đổ xăng nhưng các nhân viên cây xăng này chỉ đổ tối đa 30.000 đồng/xe máy. Để có xăng đầy bình, nhiều khách phải chấp nhận tìm đến nơi khác đổ tiếp.
"Mấy anh thông cảm, xăng chưa về kịp nên tụi em chỉ đổ được như vậy thôi", nhân viên cây xăng này nói.
Một lãnh đạo xã Phú An, huyện Phú Tân, An Giang cho hay một số cây xăng trên địa bàn hiện nay chỉ bán dầu, một số khác bán xăng có giới hạn cho bà con. "Các cây xăng này đã được huyện và tỉnh kiểm tra kỹ, một số hết xăng, một số khác họ còn ít nên mở bán có giới hạn để nông dân mua sử dụng", lãnh đạo xã Phú An nói thêm.
Nói về việc này, ông Phan Nguyễn Sa Trúc - giám đốc Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông (công ty con của PVOIL - PV) - chi nhánh An Giang - khẳng định hiện nay nguồn nguyên liệu xăng dầu chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ nước ngoài nên đôi lúc về chậm.
"Dự kiến đến hết tháng 2, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định. Lúc đó, nguồn cung xăng dầu mới dồi dào được, còn hiện nay chúng tôi chỉ cung cấp khoảng 30% sản lượng cho các cây xăng bán phục vụ xem như 'cầm chừng', chưa thể cung cấp bình thường được.
Tôi yêu cầu họ không được đóng cửa. Do lượng xăng dầu nhập khẩu phụ thuộc tàu, bè quốc tế và việc di chuyển về đến các địa phương nên sẽ chậm hơn là nguyên liệu tại chỗ", ông Trúc nói thêm.
Nhiều người đi đường bức xúc vì các cây xăng đổ nhỏ giọt nên họ phải đến các cây xăng khác đổ thêm - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
Còn tại Sóc Trăng, ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng - cho biết trên 400 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Sóc Trăng đã hoạt động, không còn cửa hàng nào đóng cửa. "Hệ thống phân phối xăng dầu cũng đảm bảo cung ứng. Hiện hoạt động xăng dầu tại Sóc Trăng đã trở lại bình thường", ông Chiêu cho biết.
Trước và sau Tết, có 8 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, trong đó có 4 cửa hàng làm đơn xin tạm ngưng bán và 4 cửa hàng tự ý tạm ngưng không đúng quy định.
Liên quan đến biên bản làm việc của đoàn kiểm tra của Bộ Công thương với chi nhánh xăng dầu Trương Thanh Hoàng thuộc Công ty TNHH Hữu Lộc (xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, Sóc Trăng), ngày 13-2, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã xác minh lại. Kết quả làm việc, xác định cửa hàng kinh doanh xăng dầu Trương Thanh Hoàng không có việc treo bảng hết xăng nghỉ bán và ngưng hoạt động.
Còn ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã ký công văn gửi các sở, ngành và các doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, tổng đại lý, doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện nghiêm hoạt động cung ứng xăng dầu trong tỉnh.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp và thương nhân đầu mối, tổng đại lý, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung như: doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, tổng đại lý, doanh nghiệp và thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, có kế hoạch đảm bảo ổn định dự trữ xăng dầu bắt buộc (đầu mối tối thiểu 20 ngày cung ứng; kênh phân phối tối thiểu 5 ngày cung ứng) cho hệ thống của đơn vị, tổ chức theo quy định tại nghị định số 83 và nghị định số 95 của Chính phủ.
"Các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống, trước khi ngừng bán hàng 5 ngày (ngày làm việc) đơn vị phải gửi thông báo đến Sở Công thương; chỉ được ngừng bán hàng sau khi được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Kiên quyết xử lý các trường hợp đóng cửa không đúng quy định, găm hàng chờ tăng giá", văn bản nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận