17/11/2013 10:43 GMT+7

Nhiều nơi ở Miền Trung vẫn ngập trong nước, 31 người chết

VĂN MỊNH
VĂN MỊNH

TTO - Đến chiều 17-11, hàng ngàn ha hoa màu và nhiều địa phương tại huyện Tây Sơn (Bình Định) vẫn còn ngập trong nước.

WXtZ4LMk.jpgPhóng to
Ngôi nhà của bà Võ Thị Hoa, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, Bình Định bị sập sau lũ - Ảnh: Tiến Thành
ppcsOIRQ.jpgPhóng to
Hơn 3.000 con gà với vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa chết sạch do lũ - Ảnh: Tiến Thành
j6MMqL1G.jpgPhóng to
Một đoạn mép quốc lộ 19 đoạn qua xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, Bình Định bị sạt lở sau lũ - Ảnh: Tiến Thành
uiJ1PF3U.jpgPhóng to
Người dân phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn chung tay khắc phục hậu quả sau lũ dữ - Ảnh: Tiến Thành
YfmrgY8x.jpgPhóng to
Một người dân ở làng mai Hảo Đức, thị xã An Nhơn lội nước rửa từng chậu mai bị lũ dâng ngập - Ảnh: Tiến Thành

Cơn lũ bất ngờ đổ về được xem lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây đã cuốn trôi 20 căn nhà, hàng ngàn ngôi nhà dân bị ngập. Ông Tạ Xuân Chánh - chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, thiệt hại đến bây giờ chưa thể thống kê chính xác.

Hơn một ngày vật lộn với lũ, nhiều người dân tại xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) đã kiệt sức. Đi vào các ngôi làng đâu cũng thấy cảnh người dân cọ rửa nhà cửa, cố vớt vát lại đám lúa, gạo đã bị nước lũ kéo vào làm hư hại.

Ông Đỗ Văn Sỹ - phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn nói nguyên nhân khiến lũ về bất ngờ và lên nhanh là do lượng mưa quá lớn, nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt khiến các xã phía dưới bị ngập nặng. Ông Sỹ cũng nói việc ngập lụt ở Tây Sơn loại trừ nguyên nhân do thủy điện An Khê - Kanak và hồ thuỷ lợi Định Bình xả lũ.

Đêm 16-11, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa trong 12 giờ phổ biến từ 30 - 80mm. Đến 7g ngày 17-11, mưa lũ miền Trung đã làm 31 người chết.

wSQEUELT.jpgPhóng to
Nước vẫn còn ngập sâu tại khu vực gần Chùa Cầu - Ảnh: Thanh Ba
rZ4553Ta.jpgPhóng to
Người dân qua bên An Hội phải đi lại bằng ghe - Ảnh: Thanh Ba
wePNI3QE.jpgPhóng to
Công ty môi trường thành phố ra quân thu gom bèo tây, khơi thông dòng chảy tại cầu An Hội - Ảnh: Thanh Ba
Ita6ywP8.jpgPhóng to
Khối An Hội vẫn còn chìm ngập trong nước - Ảnh: Thanh Ba

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định lên lại; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và Phú Yên đang xuống chậm và còn ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, một số nơi trên báo động 2.

Lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định tiếp tục lên; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và Phú Yên tiếp tục xuống chậm.

Đến trưa, chiều 17-11, lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định sẽ đạt đỉnh, riêng sông Kôn tại Thạch Hòa đạt đỉnh vào tối nay.

Hội An: nước rút chậm

Trong khi đó, từ giữa khuya đến sáng 17-11, lũ ở TP Hội An (Quảng Nam) bắt đầu xuống chậm. Dù vậy, nhiều nơi ở phố cổ vẫn còn chìm ngập trong biển nước.

Tại một số tuyến đường trong phố cổ như: Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, nước đã rút gần hết. Riêng 2 tuyến đường nằm ven sông Hoài là Bạch Đằng và Nguyễn Thị Minh Khai, nước vẫn còn ngập lênh láng.

Cụ thể, đoạn đường Bạch Đằng gần chợ Hội An, nước còn ngập sâu đến 1,5m khiến khu chợ chưa thể hoạt động trở lại. Nhiều hộ dân ngụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai vẫn phải bì bõm lội nước ra bên ngoài bởi mực nước còn cao xấp xỉ ngang đầu gối.

“Lũ bắt đầu rút chậm kể từ 12g tối hôm qua. Đến bây giờ nước chỉ còn ngấp nghé ở bậc thang cấp ngoài hiên. 4 năm kể từ năm 2009, người dân trong phố cổ mới hứng chịu trận lũ lớn đến vậy. Lũ lên nhanh khiến nhiều hộ kinh doanh quà lưu niệm không kịp trở tay, hàng hóa bị ngấm nước”, chị Nguyễn Thị Ngọc Châu, ngụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết.

Trong sáng 17-11, Công ty môi trường thành phố Hội An cử lực lượng xuống khu vực cầu An Hội phối hợp với người dân sinh sống gần Chùa Cầu tiến hành thu gom lục bình, rác rưới. Cả tấn lục bình theo con nước lũ từ thượng nguồn trôi dạt về bủa vây trên mặt nước sông Hoài, sau đó ứ đọng tại cầu An Hội.

Một chiếc xe múc loại lớn đã được điều động đến chuyên chở nhằm nhanh chóng làm sạch dòng sông, khơi thông dòng chảy.

Còn ở khối An Hội (phường Minh An), đến 9g30 sáng nay vẫn chưa thoát khỏi cảnh ngập nặng. Tại nhiều điểm ngập sâu 1,5m. Các hộ dân đi sơ tán lũ đến thời điểm này mới quay trở về nhà dọn dẹp nhà cửa, tống khứ rác thải ứ đọng suốt 2 ngày qua.

34 người chết, mất tích

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, theo thống kê sơ bộ, tính đến 7g sáng 17-11, mưa lũ đã làm 31 người chết (Bình Định 13 người, Quảng Ngãi 13 người, Quảng Nam 2 người, Phú Yên 1 người, Gia Lai 1 người, Kon Tum 1 người); 2 người mất tích tại Quảng Nam và Gia Lai do lũ cuốn trôi; 3 người bị thương ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Theo Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây nguyên hồ chứa vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên (từ Kon Tum đến Đắk Nông): Các hồ đang vận hành bình thường. Dung tích hồ đang ở mức cao, nhiều hồ đã đầy nước.

Hiện ở Quảng Nam, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An ngập trên diện rộng. Hiện vùng ngập đã giảm khá, còn ngập những vùng thấp trũng hạ du sông Thu Bồn.

Quảng Ngãi hiện hơn 40 xã tại lưu vực các sông: Sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu, Trà Bồng trên địa bàn các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bình Sơn đã bị ngập sâu, nhiều địa phương bị cô lập.

Hiện tại hạ du sông Vệ, sông Trà Câu còn ngập, các khu vực khác giao thông đã trở lại bình thường.

Bình Định đang bị ngập trên diện rộng. Toàn tỉnh có 98.094 nhà (trên 41 xã/10 huyện) bị ngập.

Mua mì tôm chống đói, một học sinh bị lũ dữ cuốn trôi

Suốt ngày 17-11, hàng trăm người dân cùng lực lượng chức năng huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) vẫn tiếp tục tìm kiếm Nguyễn Minh Tâm (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Công Trứ, thị trấn Mộ Đức), bị dòng lũ dữ cuốn trôi từ sáng 16-11 khi đang chèo thuyền đi mua mì tôm cho ông bà ngoại.

Người dân địa phương cho biết do một ngày đêm bị lũ ngập sâu nên nhà Tâm không còn lương thực, nước uống. Lo ông bà ngoại đói, sáng 16-11, Tâm tự chèo thuyền của gia đình đi mua mì tôm. Ít phút sau, ông bà nghe tiếng kêu cứu giữa dòng nước đang chảy xiết.

Nghe tiếng kêu, dù đã ở tuổi 60 nhưng bà Trần Thị Hồng (bà ngoại Tâm) vẫn lao ra giữa dòng nước dữ để cứu cháu nhưng do kiệt sức nên khi bà bơi ra đến nơi cũng là lúc Tâm đã bị dòng nước cuốn trôi, mất tích.

Huyện Mộ Đức đã huy động lực lượng và phương tiện tìm kiếm trên diện rộng nhưng đến 17g chiều nay vẫn chưa tìm thấy Tâm.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

VĂN MỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp