17/08/2016 11:23 GMT+7

Nhiều nơi muốn dừng nạo vét luồng lạch

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Trước thực tế sông bị sâu thêm bất thường, một số tỉnh ven sông Tiền đã đề nghị Bộ GTVT dừng các dự án nạo vét luồng và cũng tính tới việc đóng cửa các mỏ cát.

*** Error ***
Khai thác cát trên sông Tiền, gần khu vực cầu Mỹ Thuận - Ảnh: N.TÀI

Do nhu cầu sử dụng cát sông rất lớn trong khi số lượng mỏ được cấp phép ít đi, nên nạn cát “tặc” tiếp tục lộng hành khiến chính quyền lẫn người dân lo ngại.

Không cần nạo vét

Ông Phạm Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc dừng thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải và đường thủy nội địa trên sông Tiền.

Trong khi tỉnh Tiền Giang không cấp phép bất cứ mỏ khai thác cát nào trên sông Tiền, nhưng lại có ba doanh nghiệp được Bộ GTVT cấp phép nạo vét luồng. Ngoài ba dự án nạo vét đang tiến hành, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Bộ GTVT chưa xem xét cấp phép dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa trên đoạn tuyến từ km137+500 đến km141 sông Tiền.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT giữ nguyên hiện trạng, không cấp phép nạo vét luồng sông Tiền đoạn thuộc địa phận xã An Hiệp (huyện Châu Thành) và xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh). Dự án này nằm gần làng bè Bình Thạnh nên tỉnh lo ngại quá trình nạo vét sẽ gây sạt lở, thiệt hại cho làng bè. Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có ba dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa sông Tiền đã được cấp phép.

Ông Lê Văn Hoàng, giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre, cho biết tại kỳ họp HĐND tỉnh đầu tháng 8-2016, Ủy ban MTTQ VN tỉnh đã nêu ý kiến của cử tri phản đối dự án nạo vét luồng dự kiến thực hiện trên sông Tiền tại khu vực huyện Chợ Lách và Châu Thành. Nguyên nhân cử tri không đồng tình cũng vì sông đã quá sâu và việc nạo vét sẽ gây sạt lở hai bên bờ sông.

Lần lượt đóng cửa các mỏ cát

Hai tỉnh hiện đang có số lượng mỏ cát được cấp phép khai thác nhiều là Đồng Tháp và Vĩnh Long. Ông Phạm Tấn Xiếu (chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp) xác nhận hiện có 17 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực với tổng trữ lượng được cấp để khai thác là 8,8 triệu m3/năm. Theo quy hoạch thăm dò, trữ lượng cát sông còn lại của tỉnh Đồng Tháp dự kiến khai thác đến năm 2020 gần 64 triệu m3. Sau năm 2020, Đồng Tháp sẽ giảm bớt sản lượng khai thác do tình hình suy giảm lượng cát bồi lắng và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tại tỉnh Vĩnh Long hiện có 25 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực. Từ nay đến cuối năm 2017, lần lượt các giấy phép này sẽ hết hạn. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã có chủ trương tạm ngừng cấp mới hoặc gia hạn giấy phép.

Còn tại Bến Tre hiện có 10 mỏ cát giấy phép khai thác hết hạn nhưng UBND tỉnh không gia hạn, 6 giấy phép khai thác cát còn lại sẽ hết hạn cuối năm 2017. UBND tỉnh cũng chủ trương tạm ngưng cấp phép mới.

Địa phương quyết liệt nhất trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên ít ỏi còn lại là tỉnh Tiền Giang. Tỉnh đã ngưng cấp phép khai thác cát sông từ năm 2013. Từ tháng 6-2016, toàn bộ giấy phép trước đó cũng đã hết hạn. Nếu Bộ GTVT đồng ý ngừng các dự án nạo vét luồng sông Tiền thì tại tỉnh Tiền Giang sẽ không còn khai thác cát sông hợp pháp.

Nhiều nước cấm khai thác cát

PGS.TS Lê Mạnh Hùng (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT) cho biết ở một số nước như Pháp, Ý, Ba Lan... đã hạn chế hoặc cấm hẳn việc khai thác vật liệu đáy sông trong những thập kỷ gần đây do những tác động bất lợi đối với môi trường.

Trung Quốc đã cấm khai thác cát bằng mọi hình thức trong vòng ba năm ở sông Dương Tử. Còn tại Sri Lanka đã phải ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc khai thác cát trên các con sông ở miền nam, do những hậu quả nặng nề về khai thác cát gây ra.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp