Sau năm tháng điều tra, nhà báo Mara Hvistendahl cùng hai đồng nghiệp người Trung Quốc đã vén màn bí mật một thị trường khá nhộn nhịp: chỉ cần bỏ 90.000 nhân dân tệ (14.700 USD) để tên mình xuất hiện trong các nghiên cứu mà không cần tham gia quá trình nghiên cứu.
Giả danh nhà khoa học để tìm hiểu, Hvistendahl phát hiện nhiều công ty vô đạo đức chuyên phụ trách việc mua bán nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, trang Passeur des Sciences trích lời rao bán huỵch toẹt của một công ty: “Chúng tôi có hẳn một danh mục các nghiên cứu đang được một số tạp chí khoa học xem xét. Bạn chỉ cần trả tiền thì tên bạn sẽ được ghi chung với các tác giả nghiên cứu”. Tùy theo số tiền chi trả, “các nhà khoa học không tên tuổi” có thể được xuất hiện dưới danh nghĩa “đồng tác giả” trong báo cáo nghiên cứu hoặc chỉ là một trong các thành viên trong nhóm nghiên cứu.
Thực tế cho thấy các công ty này đã mua lại một số nghiên cứu nghiêm túc hoặc ít nghiêm túc của những sinh viên ngành y hoặc của hãng dược với giá 1.600 - 26.000 USD. Số tiền này hơn hẳn tiền lương mà một vài giáo sư Trung Quốc phải làm việc cật lực trong vòng một năm. Tuy nhiên, báo Le Monde của Pháp dẫn lời Hvistendahl cho biết một số nghiên cứu không có thật hoặc không đủ độ tin cậy dù chúng có xuất hiện trên các tạp chí khoa học có uy tín.
Từ năm 2002-2012, số báo cáo nghiên cứu ở Trung Quốc tăng chóng mặt: từ 41.417 lên 193.733 nghiên cứu! Nước này được xếp thứ hai trên thế giới sau Mỹ về việc xuất bản nhiều bài báo khoa học. Theo Hvistendahl, nguyên nhân của tình trạng bùng nổ thị trường chợ đen “báo cáo khoa học” chủ yếu đến từ áp lực mà các nhà khoa học Trung Quốc tự đặt ra cho mình: phải có danh nhanh chóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận