Người dân sống tại khu vực hoa thị của ngã tư Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) trong ô nhiễm và nỗi lo tai nạn - Ảnh: Ngọc Dương |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sâu khoảng 2m so với mặt đường dẫn lên cầu vượt Gò Dưa trong một ngày oi bức tháng 5, ông Lê Minh Liên (tỉnh lộ 43, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM), sống trong khu quy hoạch “treo” nút giao thông Gò Dưa, than thở: “Ban đêm, xe chạy nhiều tôi cứ ngủ chập chờn vì tiếng ồn và nỗi ám ảnh tai nạn thép rơi vào nhà cách đây gần 2 năm”.
Nằm trên giường mà có xe tải nặng chạy qua là giường rung bần bật. Tiếng xe tải ầm ì sát tai cứ như sắp lao vô nhà mình |
Ông LÊ MINH LIÊN (một người dân sống trong khu quy hoạch treo nút giao thông Gò Dưa) |
Chịu không nổi phải bỏ nhà đi
Nút giao thông Gò Dưa (nút giao giữa quốc lộ 1 và tỉnh lộ 43) khánh thành từ tháng 1-2012, nhưng theo các lãnh đạo TP thì đây là một dự án chưa hoàn chỉnh bởi chỉ mới làm xong phần đường và cầu để giải quyết giao thông.
Phần đất nằm trong hoa thị (được bao bọc bởi những đường vòng quanh nút giao) đáng ra phải được giải tỏa để trồng cây xanh, vừa bảo đảm an toàn cho xe lưu thông và người dân thì chưa được giải tỏa. Nhà của ông Liên là một trong số 174 hộ dân nằm trong tám lõi của hoa thị này.
Mặt đường dẫn lên cầu vượt Gò Dưa cao hơn nền nhà khoảng 2m, ngang với sàn gác nhà ông Liên. Người lạ không dám chạy xe từ đường xuống sân nhà vì dốc quá cao. Còn người dân ở đây ngày đêm hồi hộp sợ xe tải lao vào nhà...
Mặc dù đã ở đây 20 năm nhưng gia đình ông Liên và hàng xóm vẫn không được đăng ký hộ khẩu vì nằm trong khu quy hoạch “treo”.
Theo quy định, người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn và cam kết không yêu cầu bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch, nhưng gần như không ai dám xây nhà vì nghĩ xây nhà rồi bị đập bỏ rất phí...
Còn các lõi phía nam quốc lộ 1, người dân cũng sống trong tình trạng mệt mỏi bị ô nhiễm tiếng ồn khi đường chạy vòng quanh nhà. Căn nhà số 57 Gò Dưa nằm sát góc ngã tư đường từ cầu vượt xuống và đường Gò Dưa đã bị bỏ trống gần một năm nay.
Chủ nhà cho biết vì nhà quá gần đường nên ở trong nhà cũng bị ngửi mùi khói xe, bụi đường, chưa kể nhiều đêm thức trắng vì tiếng ồn của xe cộ. Chủ nhà đã liên hệ với chính quyền yêu cầu bồi thường để tìm chỗ ở khác, nhưng được trả lời là Nhà nước chưa có tiền để bồi thường nên cả nhà phải đi ở nhờ, bỏ hoang nhà cửa.
Đại diện UBND Q.Thủ Đức cho biết ngay từ khi khánh thành nút giao thông Gò Dưa, lãnh đạo quận đã kiến nghị với UBND TP về việc triển khai giải tỏa tám lõi trong các hoa thị của nút giao thông. Tuy nhiên, đến năm 2017 vẫn chưa có kế hoạch giải phóng mặt bằng khu vực này.
Hiện Nhà nước cũng không có chính sách mua lại nhà, đất của người dân trong khu quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất vì chưa có nguồn vốn.
Khổ với dự án “treo” 22 năm
Ngay từ những ngày đầu rà soát các dự án chậm triển khai vào đầu năm 2013, các cơ quan chức năng và UBND H.Bình Chánh nhắc nhiều đến dự án các khu B, C, D, E thuộc khu đô thị Nam TP.
Khu vực này đã có quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ vào năm 1994, nhưng đến nay phần lớn diện tích đất của người dân vẫn chưa được bồi thường.
Hơn 22 năm, người dân nơi đây gần như bị “nói không” trước các nhu cầu về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng, mở rộng nhà cửa, tách thửa cho con cái ra riêng, bán nhà hợp pháp...
Ông Nguyễn Văn Bá - ấp 1A, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh - cho biết ông muốn xây một căn phòng cho người con có chỗ riêng tư nhưng cũng bị chính quyền yêu cầu ngưng thi công. Tình cảnh của ông Bá cũng là tình cảnh chung của phần lớn người dân có đất trong các khu B, C, D, E (hơn 2.000ha) trải dài qua nhiều xã ở Bình Chánh.
Phó chủ tịch UBND một xã ở H.Bình Chánh có đất trong khu Nam TP chưa được thu hồi tâm sự rằng mỗi lần xử lý người dân xây dựng trái phép, cán bộ xã lâm vào tình trạng rất khó xử. Một bên là người dân bức xúc vì dự án “treo” hàng chục năm trời trong khi họ có nhu cầu chỗ ở cho con cái, một bên là trách nhiệm giữ trật tự xây dựng trên địa bàn.
“Đòi hỏi của người dân là chính đáng. Dự án “treo” lâu quá rồi, phải trả lời cho dân khi nào triển khai, khi nào bồi thường, nhưng những nội dung này ngoài thẩm quyền của UBND xã thì làm sao chúng tôi trả lời được?” - vị này nói.
vị này, nhiều lần địa phương kiến nghị UBND H.Bình Chánh kiến nghị UBND TP hủy quyết định thu hồi đất hoặc sớm tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng cho phần đất còn lại.
Tương tự Bình Chánh, đại diện UBND H.Củ Chi cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị UBND TP trình Chính phủ hủy bỏ quyết định phê duyệt dự án viện trường y tế tại ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp của huyện.
Đây là một dự án do Sở Y tế TP.HCM làm chủ đầu tư, được cơ quan chức năng phê duyệt dự án vào năm 2005, có quyết định thu hồi đất năm 2007. Tuy nhiên, đến nay chưa một người dân nào trong 250 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án rộng gần 106ha này nhận được tiền bồi thường.
Trong phạm vi dự án, ruộng đồng bị bỏ hoang gần 10 năm nay, kênh mương cạn kiệt, thiệt hại không thể đo đếm được...
Đã xóa 571 dự án “treo” Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, từ năm 2012 đến nay UBND TP đã xóa 571 dự án “treo” với tổng diện tích 5.905ha. Trong đó chấm dứt hiệu lực của văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư 469 dự án với diện tích 4.382ha; hủy bỏ quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 102 dự án với diện tích 1.542ha. Ngoài ra còn điều chỉnh cắt giảm 137ha của 9 dự án. Hiện nay đã cơ bản xử lý xong các dự án chậm triển khai. Hiện Sở Tài nguyên - môi trường TP đã thành lập một tổ công tác tiếp tục rà soát các dự án từ năm 2011 đến tháng 9-2015. Dự kiến trong quý 2 sẽ có báo cáo đề xuất xử lý các dự án còn lại. Những khu vực đã xóa “treo” Quy hoạch khu đô thị thanh niên Văn Thánh: cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch khu vực P.17, 19 và 22, Q.Bình Thạnh, xóa quy hoạch “treo” kéo dài trên 20 năm ở khu vực này. Người dân đã được cấp giấy chủ quyền nhà, xây dựng nhà và mua bán, chuyển nhượng hợp pháp. Tháng 10-2012, UBND TP thu hồi dự án “treo” 650ha An Phú Hưng ở xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn. Hơn 1.300 hộ được xóa “treo”, thực hiện các quyền về nhà, đất. Năm 2015, UBND TP đã duyệt quy hoạch phân khu 1/2.000, quy hoạch khu vực này thành khu đô thị hiện đại, thông minh. Tuy nhiên, theo quy định mới của Nhà nước, người dân trong quy hoạch vẫn thực hiện các quyền về xây dựng, mua bán, sửa chữa nhà. Dự án khu dân cư thương mại Bình Hòa, cụm dân cư Ao Sen (P.13, Q.Bình Thạnh), khu dân cư Rạch Miễu... đã được Nhà nước giảm diện tích, cắt phần đất chủ đầu tư chưa thực hiện ra khỏi dự án, trả lại quyền lợi về nhà, đất cho dân… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận