Trong khi suy thận là căn bệnh sẽ phải điều trị suốt đời, chi phí điều trị lớn và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Bị suy thận lúc nào không hay, biết được đã đến giai đoạn cuối
Là đầu bếp tại một nhà hàng ở TP.HCM và là trụ cột gia đình, anh L.V.L. (34 tuổi, ngụ TP.HCM) không thể tin được rằng mình bị suy thận mạn giai đoạn cuối, sau khi có triệu chứng bủn rủn chân tay, cơ thể đổ mồ hôi, mặt chuyển sắc...
Anh L. kể sau xin phép nghỉ việc, anh đến một bệnh viện tuyến quận thăm khám. Sau khi thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, bác sĩ tại đây thông báo anh bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
Để chắc chắn, anh L. đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) và kết quả không có gì thay đổi. "Cả hai bệnh viện đều thông báo tôi bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
Nhận kết quả này, tôi không tin, không nói nên lời. Tôi trước giờ cũng khỏe mạnh, đi làm bình thường. Tự dưng bây giờ đã suy thận mạn giai đoạn cuối mà trước đó không có dấu hiệu nào cảnh báo trước", anh L. nói.
Anh L. chia sẻ bản thân mình đã mắc bệnh đái tháo đường 7 năm (hiện đang ở giai đoạn đái tháo đường type 2), cao huyết áp 2 năm.
Dù được vợ nhắc nhở nhưng anh vẫn chủ quan ăn uống thoải mái, bỏ điều trị đái tháo đường (chỉ uống nước lá), ăn tối muộn, tắm khuya, lướt điện thoại đến 2h - 3h sáng mới ngủ. "Mỗi ngày tôi làm 12 tiếng đồng hồ, từ 11h - 23h.
Đi làm về muộn nên thời gian ăn và tắm đã quá khuya. Khi lên giường, tôi không ngủ liền mà có thói quen lướt điện thoại, xem hết video này đến video khác cho đến 2h - 3h sáng. Tôi nghĩ đây là những lý do làm bệnh thận tiến triển nhanh đến giai đoạn cuối", anh L. bộc bạch.
Ở tuổi 39, bệnh nhân C.P. (ngụ tỉnh Sóc Trăng) cũng bất ngờ khi bị suy thận giai đoạn cuối.
Theo đánh giá của bác sĩ, trước khi anh P. bị suy thận mạn giai đoạn cuối thì đã mắc bệnh viêm cầu thận ít nhất 10 năm, nhưng trong suốt khoảng thời gian dài này lại không có dấu hiệu nào cảnh báo, khiến bệnh cứ âm thầm tiến triển và chuyển nặng.
Tại khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất còn có nhiều bệnh nhân dưới 60 tuổi bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Đa phần bệnh nhân đều nghĩ mình chỉ suy thận cấp tính (giai đoạn đầu) và đặt câu hỏi tại sao lại không có dấu hiệu cảnh báo trước, cho đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Bệnh không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng, phải làm sao?
Ở nước ta, mỗi năm có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có hàng triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo, bệnh nhân trẻ tăng 5-10% so với trước. Nhiều người không có biểu hiện bệnh, đi khám thì đã ở giai đoạn cuối.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Bách - trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất - cho biết số người dưới 60 tuổi mắc bệnh thận ngày càng tăng, chưa kể còn nhiều bệnh nhân trong cộng đồng chưa phát hiện.
Lý do bệnh càng tăng là vì người dân ngày càng tiếp cận thông tin y tế nhiều hơn, có cơ hội khám và phát hiện sớm hơn.
Đáng báo động một nguyên nhân khiến nhiều người trẻ mắc bệnh thận là thói quen tự dùng các loại thuốc, chế phẩm, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc, trong đó có thể chứa kim loại nặng, rồi gây độc cho thận.
Hiện thị trường thuốc vô cùng phong phú, nhưng kể đến những loại thuốc gây hại cho thận hàng đầu là các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh...
"Nguyên lý quan trọng nhất là bất kể sản phẩm thuốc nào từ đông dược hay tân dược, hay cả thức ăn hằng ngày, khi vào cơ thể thì ruột sẽ hấp thu, gan là nơi chuyển hóa, còn thận sẽ thải trừ.
Do vậy thận là cơ quan lãnh đủ tất cả những sản phẩm có hại. Do đó, trước khi dùng thuốc, hóa chất, thực phẩm nào cần xem thành phần là gì, nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem chúng có hại cho sức khỏe không", bác sĩ Bách khuyến cáo.
Lý giải vì sao nhiều người đột ngột phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối, không có dấu hiệu cảnh báo trước đó, bác sĩ Bách cho biết bệnh thận có 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, 2, 3 và 4 thường không có triệu chứng, cho đến khi đã chuyển giai đoạn 5 có các dấu hiệu lâm sàng thì đã trễ.
Đây cũng là lý do vì sao nhiều bệnh nhân nghĩ mình bị suy thận cấp tính, nhưng thực chất đã chuyển sang giai đoạn mạn.
Việc phát hiện sớm bệnh thận hoàn toàn dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó xét nghiệm nước tiểu quan trọng nhất, là "cửa sổ" phát hiện bệnh sớm nhất. Thực tế có 80% bệnh nhân mắc bệnh lý thận có nước tiểu bất thường.
Bên cạnh đó người bệnh cũng có thể tự nhận biết sớm qua các dấu hiệu: giảm thể tích nước tiểu, người hay mệt mỏi, chán ăn, đau lưng, đặc biệt là tiểu nhiều về đêm (3-4 lần/đêm), nước tiểu sậm màu, không trong - vàng như trước.
Khi có những dấu hiệu này, nếu không điều trị kịp thời thì nguy cơ rất cao sẽ sớm chuyển sang giai đoạn mạn.
Khi đã mắc bệnh thận, người bệnh cần chú ý không nên ăn thức ăn chứa nhiều muối, thực phẩm nhiều chất đạm và kali (có nhiều ở trái cây và rau quả như chuối, mãng cầu, nước dừa), không uống nhiều nước... Với những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo, còn cần phải tuân thủ đúng số lần đến bệnh viện chạy thận, không bỏ bất kỳ lượt nào.
Tại sao đái tháo đường có thể gây suy thận?
Bác sĩ Vũ Thị Minh Hoa, trưởng khoa thận - lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho hay đái tháo đường nếu không được kiểm soát sẽ gây ra các biến chứng cấp và mạn đến các cơ quan như da, bàn chân, tim...
Trong đó có biến chứng vi mạch thận, bệnh thận ở người đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy thận mạn tiến triển.
Nếu tổn thương thận đi kèm bệnh lý đái tháo đường, người bệnh có thể làm chậm quá trình thận bị tổn hại bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu, kiểm soát huyết áp, hạn chế muối trong ăn uống, không uống các loại thuốc có thể gây hại cho thận, tốt nhất dùng thuốc theo toa của bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận