Phóng to |
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa -Ảnh: Hà Bình |
- Mỗi kỳ thi, chúng ta lại chứng kiến và cảm nhận những tình cảm sâu nặng của các gia đình VN với việc học con em mình. Mong muốn con học cao hơn là hoàn toàn chính đáng. Có điều xã hội chỉ chú trọng con đường vào ĐH mà chưa chú trọng những hướng đi khác.
"Thực tế, nhiều thanh niên VN khi tốt nghiệp THPT vóc dáng còn nhỏ. Cha mẹ nghĩ con 18 tuổi vẫn còn nhỏ, rất thương con nên tâm lý phổ biến là phụ huynh vẫn muốn con mình tiếp tục học và tốt nhất là học ĐH" TS Nguyễn Đức Nghĩa |
- Câu hỏi này là một tâm tình của bậc cha mẹ. Hằng năm, có 1,3-1,4 triệu người có nguyện vọng học ĐH, CĐ nhưng chỉ tiêu tuyển (cụ thể năm 2012) khoảng 580.000. Chỗ học chắc chắn sẽ thiếu so với nhu cầu, nên việc phân luồng người học vào các bậc học khác là điều cần thiết.
Phụ huynh và học sinh hãy yên lòng vì còn nhiều hệ đào tạo khác như CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp cũng lớn, hiện nhiều trường không tuyển đủ học sinh. Nếu người học chấp nhận học trung cấp, các trường trung cấp gần như đủ chỗ đón những người không trúng tuyển ĐH, CĐ. Cũng có thể đi làm sau một khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, có không ít vị trí tuyển dụng không cần bằng ĐH, CĐ; có nhiều người thành đạt giàu có trong xã hội cũng không cần bằng ĐH.
* Đỗ Huấn (phụ huynh Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An, Quảng Nam): Điều tôi quan tâm nhất là những chuyện vất vả, tốn kém về ăn ở, đi lại trong kỳ thi ĐH hằng năm. Con tôi dự thi hai trường ĐH tại TP.HCM. Theo quy định, cháu sẽ thi tại cụm Quy Nhơn. Quy định thi cụm góp phần giảm tốn kém xã hội nhưng những học sinh như con tôi vẫn phải vượt 300km đi thi, vẫn phải vất vả tìm nơi ở trọ... Nếu học sinh Quảng Nam, Đà Nẵng được thi cụm tại Đà Nẵng sẽ thuận lợi hơn. Ban chỉ đạo thi tuyển sinh có tính đến việc phát huy hơn nữa việc thi cụm, làm thế nào để hạn chế tối đa tốn kém, vất vả trong mùa thi ĐH?
- Để giảm vất vả hơn cho thí sinh trong việc đi lại ở kỳ thi ĐH, nhiều năm qua bộ có quy định thi cụm tại Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ. Việc quy định thi cụm tại các địa phương căn cứ theo số lượng thí sinh và điều kiện tổ chức tại cụm. Rất tiếc, đến nay vẫn chưa thể tổ chức thi cụm tại Đà Nẵng vì các điểm trường ở Đà Nẵng chỉ đủ tổ chức kỳ thi vào các trường tại đây. Kể cả Hà Nội cũng chưa thể là cụm cho thí sinh các tỉnh phía Bắc có nguyện vọng thi vào các trường tại TP.HCM.
* Nguyễn Phương Khanh (phụ huynh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, Hóc Môn, TP.HCM): Con tôi thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đăng ký ngành sư phạm cơ khí ôtô nhưng khi nhận giấy báo thi thì lại ghi theo mã ngành cơ khí ôtô. Hiện tôi và con rất băn khoăn vì hai ngành khác nhau về cách đào tạo và điểm chuẩn mọi năm cũng khác. Điều chúng tôi muốn hỏi là con tôi có được hưởng chính sách miễn học phí cho SV sư phạm hay không?
- Theo quy định chung, từ năm 2012 các ngành tuyển sinh phải có tên trong danh mục các ngành đào tạo cấp nhà nước. Trước đây, do việc mở ngành không theo danh mục này nên nhiều ngành được cấp phép nhưng chưa có mã ngành. Trước mắt, dù ghép các ngành chưa có mã ngành vào các ngành có tên trong danh mục thì khi xét tuyển các trường vẫn tách riêng và có thể có điểm chuẩn riêng từng ngành.
* Đỗ Huấn: Từ vụ clip ở Đồi Ngô (Bắc Giang), tôi cho rằng cần có những quy định cụ thể để phát huy quyền tố giác tiêu cực thi cử của thí sinh. Nếu phát hiện tiêu cực, muốn báo cáo ngay phải báo cáo cho ai, quy trình xử lý như thế nào và liệu người tố giác tiêu cực có được đảm bảo an toàn?
- Hiện Bộ GD-ĐT đã bổ sung quy định theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện cho người tố giác những hành động tiêu cực trong thi cử. Người tố cáo chính xác không bị xem là vi phạm quy chế. Thí sinh có thể tố cáo cho người có trách nhiệm cao nhất tại điểm thi hoặc cấp cao hơn trong thời gian ngắn nhất. Khi đang dự thi, thí sinh cũng có thể yêu cầu cán bộ giám sát ghi nhận sự việc.
Trong thi cử có hai vấn đề: sai sót và tiêu cực. Tất cả sai sót trong khâu coi thi hoặc chấm thi, bất kể sai sót của giám thị hay thí sinh, đều có quy định hình thức xử lý trong quy chế. Một kỳ thi có nhiều khâu, không riêng gì thí sinh, bất kỳ ai (kể cả những người dân bình thường) nếu phát hiện tiêu cực đều có quyền tố giác. Người có trách nhiệm phải xử lý ngay hoặc báo lên cấp trên.
* Nguyễn Phương Khanh: Thí dụ con tôi thi xong, thiếu 1-2 điểm để đậu ĐH nhưng lại đủ điểm xét vào trường CĐ. Theo thầy, cháu nên đi học CĐ hay luyện thêm một năm rồi thi lại ĐH. Nên căn cứ vào đâu để quyết định lựa chọn giữa hai hướng này?
- Việc chọn học CĐ hay luyện thi lại tùy thuộc nhiều vào nguyện vọng và năng lực từng người. Tôi chỉ chia sẻ mấy số liệu: trong số thí sinh tự do (thi lại lần 2, lần 3), tỉ lệ đậu ĐH, CĐ chỉ khoảng 30%. Trong khi tỉ lệ này ở đối tượng học sinh vừa tốt nghiệp THPT khoảng 70%. Học CĐ, tốt nghiệp CĐ cũng có rất nhiều hướng liên thông lên ĐH sau này.
* Nguyễn Thị Thanh Tâm (phụ huynh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM): Quá trình xét tuyển các nguyện vọng sẽ như thế nào? Làm thế nào để chọn được một trường xét tuyển phù hợp nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1?
- Việc xét tuyển các nguyện vọng 2, 3... do các trường chủ động xác định thời gian và số lượng xét tuyển. Chỉ lưu ý, chỉ tiêu xét tuyển sau nguyện vọng 1 không nhiều.
* Trần Thị Hương (phụ huynh Trường THPT Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM): Đối với thí sinh thì 0,5 điểm cũng rất quan trọng nhưng theo tôi nghĩ, nếu người chấm thi quá khắt khe hoặc người chấm hơi châm chước thì điểm số có thể thay đổi từ 0,5-2 điểm so với khung đáp án. Có phải như vậy không? Nếu như vậy thì ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của thí sinh, có thể làm một em từ rớt thành đậu hoặc đậu thành rớt?
- Các môn trắc nghiệm, điểm chấm sẽ chính xác tuyệt đối. Các môn tự luận, thang điểm chia nhỏ đến 0,25. Việc làm tròn điểm trước đây làm tròn từng môn trước khi cộng vào điểm tổng. Hiện nay chỉ làm tròn một lần sau khi cộng điểm ba môn, điều này sẽ hạn chế bất công trong việc làm tròn điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận