Hình ảnh bà Phùng Thị Nghệ (36 tuổi, ở Q.7, TP.HCM) bị nạn nhân trên khắp cả nước truy tìm trên mạng xã hội - Ảnh: QUANG THẾ chụp lại
Sau khi phát hiện trụ sở công ty của vợ chồng bà Nghệ không còn hoạt động, nạn nhân đã lập vi bằng, trình báo vụ việc tới cơ quan công an.
Từ rủ mua bán xăng dầu đến lập ngân hàng ngàn tỉ
Chiều 22-1, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết sau khi nhận được đơn của một số người cùng tố cáo Phùng Thị Nghệ, Nguyễn Trần Minh Quân gian dối chiếm đoạt tiền, xảy ra tại TP.HCM, ngày 30-7-2021, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án hình sự nói trên và xét việc đề nghị gia hạn thời hạn điều tra của Cơ quan CSĐT, ngày 23-11-2021, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM gia hạn điều tra vụ án hình sự lần thứ nhất, thời hạn 4 tháng kể từ ngày 30-11-2021 đến ngày 30-3-2022.
Bà Tuyết "đứng ngồi không yên" vì tìm mọi cách nhưng không liên lạc được với vợ chồng bà Nghệ - Ảnh: TIẾN LONG
Bằng cách tạo ra hình ảnh doanh nhân thành đạt, giàu có và tạo mối quan hệ thân thiết từ việc nhờ kết nối trung gian giữa những người chơi thân hoặc làm ăn với nhau lâu năm, vợ chồng bà Nghệ khiến nhiều người "sập bẫy".
Những ngày gần Tết, bà Trương Bạch Tuyết (ngụ Q.7, TP.HCM) thất thần khi 260 tỉ đồng, trong đó hơn hai phần vay mượn từ bạn bè, người thân, bà đã chuyển hết cho vợ chồng bà Nghệ nhưng gần năm nay không liên lạc được với vợ chồng bà Nghệ.
Bà Tuyết kể quen biết vợ chồng bà Nghệ qua một người bạn chơi thân và cũng là hàng xóm với bà hơn 20 năm nay. Ban đầu người bạn này giới thiệu đang làm ăn với vợ chồng bà Nghệ mảng xăng dầu và thu đổi ngoại tệ cần 50 tỉ đồng ôm lô hàng xăng giá rẻ và rủ bà Tuyết góp tiền. Tin tưởng bạn bè nên bà Tuyết đồng ý góp vốn.
Sau đó, bà Nghệ hai lần đề xuất và bà Tuyết đồng ý góp thêm 40 tỉ đồng và 16 tỉ đồng mua lô hàng xăng dầu thứ hai. Để tạo tin tưởng, bà Nghệ chuyển một phần lợi nhuận của các lô hàng cho bà Tuyết, với tổng số tiền 23,7 tỉ đồng.
Khi "con mồi" đã dính câu, mối quan hệ trở nên thân thiết, bà Nghệ vẽ ra việc mở ngân hàng và mời bà Tuyết tham gia góp vốn để trở thành cổ đông sáng lập, với cổ phần khoảng 10%. Bà Tuyết tiếp tục huy động, vay mượn bạn bè, người thân và nhiều lần chuyển cho bà Nghệ với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng để thành lập "ngân hàng ngoại hối Việt Nam".
Bà Nghệ tạo thêm niềm tin bằng cách lập nhóm chat trên Viber và liên tục nhắn tin cập nhật việc lập ngân hàng. Bà Nghệ còn mời gia đình bà Tuyết khai hồ sơ để đứng tên làm chủ tịch hội đồng quản trị và gửi con của bà Tuyết sang "học việc" ở một ngân hàng lớn tại TP.HCM.
Mọi việc lừa dối của bà Nghệ chỉ bị lộ khi bà Tuyết nghi ngờ do nhiều lần bà Nghệ hứa hẹn nhưng mãi không thấy giấy phép thành lập. Việc bà Nghệ huy động tiền để bảo chứng thành lập ngân hàng là bịa đặt.
"Phát hiện mình bị lừa, tôi đã tố cáo Nghệ và chồng Nghệ là Nguyễn Trần Minh Quân (36 tuổi). Toàn bộ số tiền tích góp cả đời từ nghề buôn bán nhà đất của tôi coi như giờ mất trắng. Nhưng đau hơn từ người làm ăn uy tín trong lĩnh vực bất động sản ở phía Nam có bao nhiêu bạn bè, người thân tin tưởng cho vay mượn giờ tôi thành con nợ…", bà Tuyết chia sẻ.
Trong vi bằng được Văn phòng thừa phát lại TP.HCM lập ngày 15-3-2021, bà Nghệ xác nhận với bà Tuyết: "Vợ chồng tôi đã vay và nhận số tiền của bà Tuyết 260 tỉ đồng".
Trụ sở, nhà riêng đóng, người không liên lạc được
Cùng chiêu thức trên, bà Nghệ đã khiến nhiều gia đình khác có nguy cơ mất cả trăm tỉ đồng. Thông qua mối quan hệ từ trước nên bà Phạm Thị Hoàng Hà (ngụ đường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, Hải Dương) quen biết bà Nghệ.
Ban đầu bà Nghệ rủ bà cùng đầu tư xăng dầu, thu đổi ngoại tệ và chi trả lợi nhuận sòng phẳng. Sau đó do tin tưởng nên bà Hà rủ cả người thân gom tiền, bán đất, bán nhà, bán xe chuyển cho bà Nghệ tổng cộng 170 tỉ đồng để mở ngân hàng.
Bà Hà (bìa phải) và mẹ là bà Phạm Thị Loan (TP Hải Dương) mất hết tài sản, lâm cảnh nợ đầm đìa - Ảnh: QUANG THẾ
Nhưng đến nay bà Nghệ đã cao chạy xa bay. Bà Hà tìm hiểu thì "kế hoạch" hoành tráng mở ngân hàng là bịa đặt. Ôm đống nợ, vợ chồng bà Hà bị chủ nợ lùng sục khắp nơi, chồng bà phải vào TP.HCM chạy xe ôm.
"Để đánh bóng tên tuổi Nghệ đưa chúng tôi đến cả nhà riêng, trụ sở công ty ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (tại Q.7), giới thiệu có cả hàng chục chiếc siêu xe, ăn chơi sang chảnh. Nhìn thấy cơ ngơi hoành tráng nên hoàn toàn không có một chút nghi ngờ gì cả. Đến lúc phát hiện đã quá muộn vì tất cả chỉ là bình phong", bà Hà hối tiếc.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, trên địa bàn TP Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM có nhiều người rơi vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất, gia đình ly tán do tin lời góp vốn cùng mở ngân hàng với bà Nghệ. Không liên lạc được với vợ chồng bà Nghệ, các nạn nhân chỉ biết trông chờ vào việc điều tra của cơ quan công an mới hy vọng lấy lại được tiền.
Hiện nay trụ sở công ty của bà Nghệ đã từng đưa nhiều nạn nhân đến "tham quan" không còn hoạt động. Phóng viên tìm đến nhà riêng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng không có người ra vào, liên lạc tới số điện thoại của bà Nghệ nhiều lần cũng không bắt máy.
Trụ sở công ty của vợ chồng bà Nghệ ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) không còn hoạt động - Ảnh: V.ĐỨC
Cần phải có biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản kịp thời
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Phạm Kim Anh (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định giai đoạn đầu bà Nghệ mượn tiền để kinh doanh xăng dầu, trả phần trăm lợi nhuận nhưng sau đó không thực hiện theo lời hứa, không trả hết số tiền này thì là dấu hiệu tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Tuy nhiên, khi các nạn nhân đã tin tưởng, bà Nghệ đưa ra thông tin không có thật về việc thành lập ngân hàng mục đích để lừa tiền nạn nhân lại có dấu hiệu của tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo luật sư Kim Anh, vụ án đã khởi tố từ tháng 7-2021, có nhiều bị hại nhưng ban đầu chỉ cần một bị hại đầy đủ chứng cứ như trường hợp của bà Tuyết đã có thể khởi tố bị can được ngay.
"Cần khởi tố bị can để có các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản kịp thời. Vụ án càng kéo dài, khả năng lấy lại tiền của các nạn nhân trên khắp cả nước trở nên xa vời", luật sư Kim Anh nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng khoảng 10 năm nay chưa có ngân hàng nào được thành lập mới. Trên trang web chính thức của Ngân hàng Nhà nước công khai các ngân hàng được cấp phép hoạt động, trong danh sách này không có ngân hàng nào mang tên Ngân hàng ngoại hối Việt Nam. Như vậy việc bà Nghệ nói chuẩn bị được cấp phép ngân hàng là không có căn cứ.
"Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng vì theo trình báo có nạn nhân đã thiệt hại lên đến mấy trăm tỉ đồng. Để có điều kiện xử lý vụ việc một cách triệt để những người có liên quan, quan hệ thân thiết với vợ chồng bà Nghệ cũng cần cấm xuất cảnh để ngăn chặn nguy cơ tẩu tán tài sản bất cứ lúc nào", luật sư Cường nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận