16/07/2019 11:43 GMT+7

'Nhiều người hỏi tôi làm kịch thiếu nhi lấy gì mà ăn?'

ĐỨC TRIẾT - LINH ĐOAN
ĐỨC TRIẾT - LINH ĐOAN

TTO - Ấy là tâm sự của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn khi mà kịch thiếu nhi gặp khó. Như ở Hà Nội, sân khấu dành cho thiếu nhi chỉ rộ lên chừng một tuần dịp 1-6, vài ngày sau lại lắng xuống.

Nhiều người hỏi tôi làm kịch thiếu nhi lấy gì mà ăn? - Ảnh 1.

Con chim xanh - vở kịch dành cho tuổi teen - suốt 3 mùa hè qua liên tục sáng đèn - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Trong khi đó, chiếm thế gần như "độc quyền" kịch thiếu nhi ở Sài Gòn những mùa hè gần đây chỉ còn mỗi Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf.

Dịp hè cách đây vài năm, cũng có vài sân khấu mạnh dạn đứng ra làm kịch thiếu nhi. Thế rồi, rơi rụng dần.

“Muốn dựng kịch thiếu nhi, trước hết phải yêu trẻ, tìm hiểu xem trẻ muốn thấy gì trên sân khấu. Còn phải có cái nhìn của phụ huynh, để muốn đem điều gì tốt đẹp đến cho con mình.

Đình Toàn (đạo diễn, diễn viên của Ngày xửa ngày xưa)

Hẫng liền... 2 tháng

Nhấc điện thoại gọi tới Nhà hát Tuổi Trẻ - nhà hát "giàu" chương trình dành cho thiếu nhi bậc nhất ở Hà Nội - để mua vé cho con trẻ đi xem trong ngày hè, chúng tôi nhận được lời hẹn: đợt này rạp bận phục vụ liên hoan múa nên chưa có lịch biểu diễn. 

Hỏi đến tuần sau, tuần sau nữa thì nhân viên bán vé của nhà hát chỉ có thể áng chừng mấy suất diễn cuối tuần nhưng là chương trình hài kịch, ca nhạc. Quay sang điện thoại tới Nhà hát Kịch Việt Nam, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời: Không, dịp này nhà hát không có lịch diễn dành cho thiếu nhi.

Cách đây chừng dăm năm, thời điểm các nhà hát mới để ý và khai thác sân khấu thiếu nhi (khoảng từ 2011 đến 2014), nếu thích xem kịch trong 3 tháng hè, khán giả nhí có thể tìm đến rạp 11 Ngô Thì Nhậm của Nhà hát Tuổi Trẻ xem Ông Ba Bị, Dế Mèn phiêu lưu ký, Hoàng tử gấu và hạt đậu thần, Ông lão đánh cá và con cá vàng... 

Hoặc các em có thể sang rạp Đại Nam của Nhà hát Chèo Hà Nội xem Ăn khế trả vàng, Cây sáo thần, Khắc nhập khắc xuất...

Nhưng mấy mùa hè trở lại đây, các em nhỏ ngày càng ít cơ hội thưởng thức kịch trong suốt dịp hè. Có chăng, các em được dịp "bơi" trong các chương trình tạp kỹ vào dịp 1-6. "Cố gắng" lắm thì như Nhà hát Tuổi Trẻ, lóc cóc có đôi ba suất diễn cuối tuần trong các dự án nghệ thuật dành cho thiếu nhi như: Chắp cánh niềm tin - Kết nối tương lai, Thiên đường tuổi thơ, Bay lên ước mơ... (bởi nếu rạp được thuê thì sẽ không có suất diễn đó, hoặc ưu tiên các chương trình bán được vé). 

Theo NSƯT Chí Trung - giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, để duy trì các suất diễn cho thiếu nhi dịp hè không dễ. Đấy là sự nỗ lực rất lớn của nhà hát trong việc tìm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp.

Nhiều người hỏi tôi làm kịch thiếu nhi lấy gì mà ăn? - Ảnh 3.

Truy tìm Thủy Long kiếm của kịch IDECAF ra mắt khán giả dịp hè năm nay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Một mình một chợ

Khán giả nhí ở Sài Gòn cho tới giờ vẫn còn một điểm hẹn quen thuộc là sân khấu kịch Idecaf.

Không ít người quen lâu năm gặp lại vẫn hết sức ngạc nhiên hỏi ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf: Ủa, vẫn còn làm kịch thiếu nhi à? Ông Tuấn chặc lưỡi bởi lỡ mê múa rối, lỡ mê con nít, thích nhìn con nít coi biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu rồi nên dẫu làm kịch thiếu nhi ngày càng khó nhưng vẫn bền bỉ tới ngày hôm nay.

Ông nhớ cái không khí như "thời hoàng kim" của kịch thiếu nhi ngày xưa: "Khoảng năm 1990 - 1993, cứ đến dịp Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 thành phố lại tổ chức Liên hoan sân khấu thiếu nhi, yêu cầu các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp từ kịch nói, cải lương đến hát bội đều phải dựng một vở diễn thiếu nhi. 

Hồi đó Đoàn kịch Kim Cương có dựng vở Hoàng tử học nghề, Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ dựng Phù Đổng thiên vương... Con nít có quá trời lựa chọn, có nhiều vở hay để xem. 

Sau giai đoạn đó rộ lên video cải lương, rồi tự nhiên phong trào mất tiêu. Các đoàn chuyên nghiệp không còn dựng vở thiếu nhi nữa mà trao vai trò lại cho sân khấu quần chúng, các trung tâm văn hóa".

Vốn mát tay tổ chức các suất diễn cho đội múa rối Nụ Cười, ông Tuấn được nghệ sĩ Thành Lộc, đạo diễn Đoàn Khoa, tác giả Minh Ngọc "xúi" làm sân khấu thiếu nhi. 

Tháng 8-1997 sân khấu Thế Giới Nhỏ diễn kịch thiếu nhi chuyên nghiệp hằng tuần tại sân khấu Idecaf ra đời. "Lúc đó, nhiều người hỏi tôi làm kịch thiếu nhi lấy gì mà ăn?" - ông Tuấn kể. "Tôi có khả năng về khâu tổ chức nhưng để duy trì sân khấu thiếu nhi sau hơn 20 năm phải kể đến sự đóng góp tích cực của Thành Lộc, Đoàn Khoa, Minh Ngọc. 

Đoàn Khoa là đạo diễn có tài, anh thổi sự tươi mới vào những câu chuyện dành cho các bạn nhỏ. Còn công lớn nhất là Thành Lộc. Lộc không chỉ là diễn viên giỏi nghề, thông minh mà còn rất giỏi nắm bắt tâm lý diễn viên, tâm lý khán giả".

Khoảng năm 2000, thấy mảng ca nhạc có chương trình Tuổi thần tiên rầm rộ ở Nhà hát Hòa Bình, những người thực hiện sân khấu lại mơ ước sao không đưa kịch thiếu nhi ra nhà hát lớn để con nít coi cho sướng. 

Suy nghĩ vậy mà làm liều, gầy dựng nên thương hiệu Ngày xửa ngày xưa diễn 1-6, Trung thu, Noel ở Nhà hát Bến Thành với sân khấu, ghế ngồi, cảnh trí, phục trang, catxê diễn viên... tăng gần gấp 3 so với vở diễn quy mô nhỏ ở Idecaf. Vở đầu tiên là Tấm Cám bất ngờ thắng lớn ngoài mong đợi.

Cứ vậy gần 20 năm qua, Ngày xửa ngày xưa miệt mài đi được 32 số và ngày càng... độc hành trong sân chơi nghệ thuật dành cho các bạn nhỏ.

Khoảng trống mênh mang

Không chỉ là kịch thiếu nhi đang đìu hiu, các bạn trẻ tuổi teen cũng đang thiếu các vở diễn dành riêng cho mình.

Như dịp Tết thiếu nhi năm nay, các nhà hát ở Hà Nội bung ra hơn 10 chương trình nghệ thuật thì trong đó chỉ có 3 vở kịch là Anh hùng Sờn Zách (Nhà hát Kịch Việt Nam), Tấm Cám (Sân khấu Lệ Ngọc) và Con chim xanh (Nhà hát Tuổi Trẻ). Trong đó, trừ Con chim xanh là vở dành cho tuổi teen, hai vở kịch còn lại đều mượn kịch để "pha" tạp kỹ, chỉ phù hợp với khán giả dưới 9 tuổi.

Thực ra, Con chim xanh được công diễn từ năm 2017 và rất may mắn khi là "hàng hiếm" dành cho tuổi teen, nên suốt 3 mùa hè qua vở liên tục sáng đèn. Thế nhưng theo ông Trương Nhuận - cựu giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, một mình Con chim xanh không đủ sức để bù đắp sự thiếu hụt này.

Đầy trăn trở cho khoảng trống kịch tuổi teen, NSƯT Sĩ Tiến - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - thừa nhận hiện nay các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội đang bỏ lỡ một phân khúc khán giả rất quan trọng: khán giả tuổi teen. 

Biết là bỏ lỡ nhưng "lực bất tòng tâm". Cũng vì tuổi teen - cái tuổi "dở dở ương ương" - là một đối tượng khán giả rất khó để lựa chọn đề tài, kịch bản phù hợp. Giữa lúc khan hiếm kịch bản hay nói chung, để tìm ra kịch bản dành cho tuổi teen lại càng không dễ.

Những năm gần đây, nhà hát có kết hợp với sân khấu kịch Idecaf dựng phiên bản mới cho vở Hoàng tử gấu và hạt đậu thần, mời đạo diễn Vũ Minh dàn dựng vở Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến... Tuy nhiên, do "gu" thưởng thức của thiếu nhi Sài Gòn và Hà Nội khác nhau nên sự hợp tác này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Cũng theo đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, muốn cạnh tranh với các game show truyền hình, phim ảnh, các vở kịch phải thực sự làm cho trẻ em thích. "Chắc chắn rằng các em vẫn có nhu cầu xem kịch, nhưng các đơn vị nghệ thuật chưa tìm được giải pháp tốt để dàn dựng được nhiều tác phẩm hay và phối hợp tổ chức đưa kịch đến trường học" - đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến bày tỏ.

NSND Lệ Ngọc (Sân khấu Lệ Ngọc):

Chúng ta cần đánh hồi chuông báo động để các nhà lãnh đạo, quản lý và hoạch định chiến lược văn hóa hiểu rằng họ đang rất thiếu tinh thần trách nhiệm với con trẻ - đặc biệt trẻ vị thành niên. Bangladesh là đất nước nghèo hơn Việt Nam mà sao ở đấy các hoạt động văn hóa rất phát triển?

Khi chúng tôi biểu diễn vở Tấm Cám, ngài trợ lý số 1 của thủ tướng Bangladesh đã trực tiếp đến xem và chia sẻ rằng đất nước Bangladesh dành nhiều nguồn đầu tư cho sân khấu thiếu nhi, mang đến cho lứa tuổi ấy những không gian thưởng thức và sáng tạo cùng nghệ thuật.

Cô giáo Nguyễn Hoa My (một giáo viên dạy kịch ở Trung tâm nghệ thuật ATH):

Sân khấu thiếu nhi hiện tại chưa có sự phân loại theo độ tuổi rõ ràng. Điều này có thể do tại Việt Nam chưa có nghiên cứu chuyên ngành về sân khấu dành cho thiếu nhi, cũng không có nghệ sĩ, đạo diễn thực hành chuyên về sân khấu thiếu nhi.

Con chim xanh: phép lạ của niềm tin

TTO - Con chim xanh ở đâu? Muốn cứu người bạn nhỏ bị ốm nặng, Tintin và Mintin cùng những người bạn cứ mải miết đi tìm... Thế là phép lạ của niềm tin được mở ra...

ĐỨC TRIẾT - LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp