
Người mua muốn đầu tư vào những thứ có tính thanh khoản cao hơn, hoặc có thể tạo ra thu nhập, thay vì nghệ thuật - Ảnh: REUTERS
Theo The New York Times, căng thẳng địa chính trị, biến động kinh tế và phân mảnh thương mại là những yếu tố kéo thị trường nghệ thuật toàn cầu đi xuống.
Doanh số nghệ thuật toàn cầu giảm 12%
Doanh số của thị trường nghệ thuật quốc tế đã giảm 12% trong năm 2024, theo Báo cáo thị trường nghệ thuật toàn cầu của Art Basel và UBS vừa được công bố. Doanh số đã giảm năm thứ hai liên tiếp.
"Sự sụt giảm chủ yếu đến từ phân khúc cao cấp", và năm 2024 là "một năm tiếp tục chứng kiến căng thẳng địa chính trị, biến động kinh tế và phân mảnh thương mại".
Doanh số đấu giá các tác phẩm đơn lẻ có giá bán trên 10 triệu USD đã giảm 39%. Các phòng tranh có doanh thu hơn 10 triệu USD cũng chứng kiến mức giảm doanh số 9%.
"Mọi người thận trọng hơn với rủi ro", Clare McAndrew, nhà kinh tế học phụ trách soạn thảo báo cáo, cho biết.
"Về phía cung, nhiều người chờ đợi xem tình hình thế nào và giữ lại tác phẩm. Điều đó ảnh hưởng đến lượng hàng có mặt trên thị trường".
"Người mua nhìn vào bức tranh thế giới bất ổn và đầy biến động, rồi muốn đầu tư vào những thứ có tính thanh khoản cao hơn, hoặc có thể tạo ra thu nhập", McAndrew nói thêm.
Báo cáo thị trường nghệ thuật toàn cầu là khảo sát được trích dẫn rộng rãi nhất về hoạt động của thị trường nghệ thuật quốc tế - vốn hay bị xem là mờ ám.
Theo báo cáo, doanh số đã đạt đỉnh vào năm 2014 với 68,2 tỉ USD. Tuy nhiên, từ đó đến nay doanh số hầu như đi ngang hoặc giảm, dù tài sản của giới tỉ phú đã hơn gấp đôi trong 10 năm qua, đạt kỷ lục 15,6 nghìn tỉ USD.
Trong cùng khoảng thời gian đó, doanh số của các mặt hàng xa xỉ khác tăng vọt. LVMH - tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới - ghi nhận doanh thu khoảng 88 tỉ USD trong năm ngoái.
"Có rất nhiều của cải ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng hiện tại lại không đổ vào nghệ thuật", McAndrew nhận định.
Tương lai cho ngành nghệ thuật sẽ ra sao?
Năm ngoái, doanh số đã giảm ở tất cả các khu vực địa lý trọng yếu của ngành thương mại nghệ thuật. Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí thị trường chủ đạo nhưng doanh thu giảm 9%, một phần do "sự bất ổn chính trị liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống".
Bất chấp "những thách thức liên quan đến Brexit", Anh đã giành lại vị trí thứ hai với doanh số 10,4 tỉ USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Trung Quốc, doanh số nghệ thuật giảm mạnh 31% xuống còn 8,4 tỉ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Nguyên nhân do "tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc và các thách thức kinh tế khác", báo cáo cho biết.
80% đại lý kỳ vọng doanh số sẽ ổn định hoặc cải thiện. Tuy nhiên, khảo sát được thực hiện trước khi Tổng thống Trump công bố việc áp thuế mạnh tay lên hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Giờ đây, các đại lý lo lắng việc áp thuế và tình trạng hỗn loạn kinh tế sẽ tiếp tục làm tổn hại đến thương mại nghệ thuật quốc tế.
Đại lý nhỏ giúp tiếp cận công chúng
Một điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo là sự gia tăng hoạt động ở phân khúc giá thấp và các giao dịch trực tuyến sau đại dịch.
Doanh số đấu giá các tác phẩm có giá dưới 5.000 USD tăng 7%. Các đại lý nhỏ với doanh thu dưới 250.000 USD báo cáo mức tăng trưởng 17% trong kinh doanh. Các đại lý nhỏ nhất thu hút tỉ lệ người mua mới cao nhất.
Điều này "nhấn mạnh vai trò quan trọng của các phòng tranh quy mô nhỏ trong việc mở rộng thị trường đến đông đảo công chúng hơn", theo Art Basel và UBS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận