Ông Nguyễn Ngọc Lanh, quê Bình Thuận, đang điều trị bệnh u tủy, thường ra ngoài ăn do cảm thấy vừa miệng hơn - Ảnh: Duyên Phan |
“Giá như các tiệm bán thức ăn xung quanh bệnh viện che đậy, bảo quản thực phẩm trong tủ kính hoặc màng nilông để bảo đảm vệ sinh cho người mua”, ông Trần Minh Khanh (45 tuổi, Bến Tre) đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, than thở.
Thức ăn bày lộ thiên
Trên đường Lý Thái Tổ, đối diện cổng Bệnh viện Nhi Đồng 1, có nhiều hàng quán. Tuy nhiên, nhiều tiệm bán cơm đựng tôm, thịt kho, thịt nướng, trứng, cá, rau xào trong khay “lộ thiên” lấn ra tận vỉa hè mà không hề che đậy bằng bất cứ dụng cụ gì. Mỗi phần ăn có giá dao động từ 20.000-30.000 đồng. Nhiều người bán lấy thức ăn cho khách mà không đeo bao tay.
Tương tự, trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) có nhiều quán, xe đẩy bán thức ăn. Một số quán cố định có bàn ghế ngồi, còn các quán di động thức ăn che đậy sơ sài, mọi người ăn ngay trên vỉa hè.
Đang ngồi ăn bánh cuốn, ông N.Q.D., quê Tây Ninh, cho biết ông đưa con lên điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ba năm nay. Bệnh viện có phát suất ăn ba bữa cho bệnh nhân, nhưng thức ăn nhạt, con ông chán nên bỏ ăn. Ông D. phải ra ngoài mua thức ăn cho con.
“Người khỏe nhiều khi không ăn nhạt được. Thức ăn ngoài rẻ mà nấu đậm nên ăn dễ hơn”, ông D. chia sẻ.
Xung quanh một số bệnh viện khác như Nhân dân 115, Ung bướu... đều tập trung nhiều quán xá, xe hàng rong bán thức ăn. Một con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh bên Viện Tim TP.HCM, dài khoảng 30m trở thành “phố” ăn uống cho nhiều bệnh nhân của Bệnh viện Nhân dân 115 và Viện Tim.
Bà Trần Thị Côi đưa chồng bị suy tim lên điều trị tại Viện Tim. Bà Côi kể chồng bà thường xuyên lên TP điều trị. Ở căngtin bệnh viện có bán thức ăn, mỗi suất 25.000 đồng nhưng ăn không đủ nên ông bà ra ngoài ăn. Bà thường chọn quán nhìn sạch sẽ, thức ăn nấu vừa khẩu vị. “Biết không đảm bảo nhưng biết ăn gì bây giờ”, bà Côi nói.
Cẩn trọng lựa chọn những bữa ăn
Bác sĩ Lưu Ngân Tâm - trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết từ năm 1998, Bệnh viện Chợ Rẫy yêu cầu bệnh nhân ăn theo chế độ bệnh lý. Khảo sát của bệnh viện cho thấy trên 50% bệnh nhân ăn hết suất, 82% bệnh nhân có ăn suất ăn. Số bệnh nhân còn lại không ăn hoặc ăn thêm thức ăn mua ngoài.
Theo bác sĩ Tâm, thức ăn bệnh viện hạn chế bỏ muối, nước mắm, không dùng bột ngọt, hạt nêm và các loại gia vị tăng thêm khẩu vị cho bệnh nhân, dẫn đến nhiều bệnh nhân cảm thấy nhạt, khó ăn.
Nhưng bác sĩ Tâm cho rằng thức ăn bên ngoài rất nghèo năng lượng, không đảm bảo vệ sinh. Bệnh nhân ăn không đủ chất dễ dẫn đến biến chứng, suy dinh dưỡng, kéo dài thời gian điều trị. Chính vì vậy, bác sĩ Tâm khuyến cáo bệnh nhân nên ăn theo chế độ bệnh viện phát mỗi ngày.
Bác sĩ Tâm cũng nêu ý kiến “bảo hiểm y tế nên thanh toán chi phí dinh dưỡng cho bệnh nhân để chất lượng bữa ăn của bệnh nhân được tăng lên”.
Là một bệnh viện có phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nhưng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chưa phát được suất ăn theo chế độ bệnh lý đối với bệnh nhân bị các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, gan, thận... Song, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho hay các bác sĩ có tư vấn bệnh nhân cách tự cân bằng chế độ ăn.
Còn việc ra ăn bên ngoài, theo bác sĩ Tuấn, mỗi bệnh nhân có mỗi khẩu vị riêng, nhiều khi suất ăn bệnh viện phát không hợp khẩu vị.
Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, hiện nay vấn đề kinh doanh dịch vụ ăn uống được giao cho UBND các cấp quản lý.
“Thức ăn đường phố, hàng quán vỉa hè giải quyết được nhu cầu gấp, nhanh, rẻ đối với nhiều người, nhất là những người lao động nghèo. Người ăn cần chọn nơi bán hàng sạch sẽ, hợp vệ sinh, không chọn những cơ sở kinh doanh bẩn, gần bãi rác hay bán hàng ngay trên mặt cống rãnh, những nơi không có vật dụng che chắn thức ăn” - bác sĩ Huỳnh Mai khuyến cáo.
Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM), cảnh báo việc không che đậy làm thức ăn tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh có nhiều khói bụi, nắng nóng. Thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu hoặc biến chất, nhiễm độc do vi khuẩn hoặc nấm. Ngoài ra, ruồi nhặng có thể đậu vào thức ăn, truyền nhiễm nhiều bệnh qua đường tiêu hóa.
Bảo hiểm chưa chi trả tiền ăn điều trị Ông Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho hay bệnh viện này là một trong số ít bệnh viện ở VN đang áp dụng điều trị cho bệnh nhân nặng theo nhóm, trong đó mỗi nhóm gồm một bác sĩ lâm sàng, một chuyên gia dinh dưỡng và một dược sĩ. Theo ông Bình, hiệu quả của biện pháp này rất rõ rệt và cứu được nhiều bệnh nhân nặng. “Mỗi ngày bệnh nhân có thể cần được cung cấp năng lượng ở mức khác nhau. Nếu chăm sóc dinh dưỡng tốt thì bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, thời gian ra viện cũng nhanh hơn, chi phí điều trị giảm chứ không phải tăng, nên chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chi trả chi phí ăn điều trị, vì có những giai đoạn bệnh chi phí ăn lên tới 800.000- 1.000.000 đồng/ngày/bệnh nhân”- ông Bình cho biết. Trao đổi về những đề xuất phí ăn được bảo hiểm chi trả, ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN, cho hay khi làm Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đã có nhiều ý kiến đề nghị đưa chi phí ăn điều trị vào, nhưng sau đó phải bỏ ra vì chưa có trong danh mục để chi trả. Ngoài ra, cũng theo ông Sơn, tuy nhìn vào phần kết dư Quỹ bảo hiểm y tế (khoảng 35.000 tỉ đồng) có thể là nhiều, nhưng riêng chi trả cho bệnh nhân bảo hiểm y tế phần chênh lệch do tăng viện phí riêng năm 2016 là 10.000 tỉ. “Nếu chi trả mọi chi phí thì chẳng mấy chốc quỹ lại mất khả năng chi trả”- ông Sơn nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận