Ông Dennis Muilenburg - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Boeing, đã chi nhiều triệu USD để thiết lập quan hệ với Nhà Trắng - Ảnh: SEATTLE TIMES
Hãng Boeing đang chịu một cú giáng mạnh khi Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) tiếp bước các quốc gia khác ra lệnh dừng khai thác dòng máy bay 737 MAX sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng với nhiều điểm tương đồng của Lion Air và Ethiopian Airlines.
Không dừng lại ở đó, bản thân FAA cũng bị Bộ Giao thông Mỹ (USDOT) điều tra. Cả quy trình dài hơi cấp phép cho 737 MAX sẽ bị xới tung lên để làm rõ FAA đã thực hiện trách nhiệm của mình đến đâu, và tại sao cơ quan này trì hoãn ra lệnh dừng khai thác 737 MAX dù hàng loạt quốc gia khác đã làm điều đó.
Theo báo USA Today, Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ đang lên kế hoạch nghe Boeing điều trần, trong khi các thành viên chủ chốt của Đảng Dân chủ thề sẽ đi đến tận cùng sự việc...
Tại Washington, không ai không biết ngân sách "vận động hành lang" nhiều triệu đô của Boeing và mối quan hệ của họ với các nhân vật quyền lực. Sức ảnh hưởng này giờ đây trở thành con dao hai lưỡi.
Giống như các tập đoàn lớn khác của Mỹ, Boeing chi hàng triệu đô mỗi năm để vận động hành lang Nhà Trắng và quyên góp cho các chiến dịch tranh cử. Công ty này bỏ ra 15 triệu USD cho mục đích này trong năm 2018, nhiều hơn cả Amazon và Facebook.
Các nhà điều tra vận chuyển hộp đen của chuyến bay Ethiopian Airlines đến Pháp - Ảnh: REUTERS
Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử liên bang, Boeing quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, và khoảng 5 triệu USD cho các chiến dịch vận động trong đợt bầu cử giữa kỳ năm 2018.
"Thực tế này không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho dân Mỹ đi máy bay... Boeing quyên góp cho Nhà Trắng, và Mỹ là nước cuối cùng ra lệnh ngừng khai thác Boeing 737 MAX" - ông Walter Shaub, cố vấn cấp cao của tổ chức Công dân vì trách nhiệm và đạo đức (Washington), bình luận trên Twitter.
Tất cả công ty lớn của Mỹ đều chi tiền vận động chính trị, nhưng điều khiến Boeing khác với họ là mối quan hệ riêng của chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Dennis Muilenburg với Tổng thống Donald Trump.
Muilenburg đã đích thân xuất hiện tại Trump Tower vài ngày trước lễ nhậm chức của ông Trump. Và ở chuyến công tác trong nước đầu tiên, tân tổng thống Mỹ đã chọn một nhà máy Boeing ở South Carolina để ca ngợi sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Sau lần đó, Boeing trúng thầu đóng 2 chiếc Air Force One trị giá 3,9 tỉ USD. Cũng cần lưu ý thêm là một thành viên trong nội các ông Trump - quyền bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan - từng làm việc cho Boeing trong hơn 3 thập kỷ.
Boeing 737 MAX 8 của Southwest Airlines đậu ở sân bay quốc tế Midway, Chicago - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến nói cuộc chơi chính trị của Boeing ở Washington đã có từ rất lâu, và hiện chưa có bằng chứng để kết luận hãng này tác động lên FAA nhằm trì hoãn quyết định ngưng khai thác dòng máy bay 737 MAX.
"Họ (Boeing) rất giỏi trong chuyện giành các hợp đồng quốc phòng, nhưng tuyệt đối chưa có bằng chứng cho thấy có sự tác động lên quyết định của FAA" - nhà phân tích Richard Aboulafia thuộc Công ty tư vấn hàng không Teal Group nhận định.
Ông Mike Slack - phi công kiêm luật sư đại diện cho hành khách và gia đình họ trong các vụ tai nạn, bình luận rằng Tổng thống Trump không có lựa chọn nào ngoài quyết định ngừng khai thác Boeing 737 MAX 8 và 9, nếu không ông sẽ mang công ăn việc làm và sinh mạng con người ra đánh cược, chưa kể gây thắc mắc về mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Hãng Boeing.
"Điều đó (việc trì hoãn dừng 737 MAX) nhằm bảo vệ Boeing trước đối thủ cạnh tranh chính Airbus? Và tại sao CEO của Boeing gọi điện cho Tổng thống Mỹ? Nó không hay chút nào khi đã có những chỉ trích rằng FAA không chịu hành động" - chuyên gia Slack đặt vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận