
Ngân hàng ráo riết xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu, nhưng việc này cũng gặp không ít khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo dữ liệu thống kê dựa trên báo cáo tài chính 27 ngân hàng niêm yết, tổng nợ xấu cuối năm 2024 là hơn 227.100 tỉ đồng, giảm gần 10% so với cuối 2023.
Cùng với xu hướng tăng trưởng tín dụng tích cực vào cuối năm, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng niêm yết đã giảm về mức 1,9%, sau khi vọt lên 2,2% ở các quý trước đó.
Dữ liệu: BCTC 2024
Nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao ở nhiều ngân hàng
Cơ cấu nợ xấu (nhóm 3-5) các ngân hàng năm 2024 có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) chiếm hơn 42.300 tỉ đồng, tăng nhẹ gần 2% so với cuối 2023.
Ngược lại, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) lại giảm 8%, chiếm hơn 53.500 tỉ đồng. Riêng nhóm nợ có khả năng mất vốn tăng 45% so với quý 4-2023, chiếm 131.249 tỉ đồng. Nếu tính thêm cả Agribank, nợ có khả năng mất vốn của 28 ngân hàng gần 154.000 tỉ đồng.
Tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn trên tổng dư nợ cho vay - Dữ liệu: BCTC 2024
Trong nhóm "Big4", tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo quy định, và đều là những ngân hàng cho vay chặt chẽ hơn mặt bằng chung, nhưng nợ có khả năng mất vốn vẫn tăng nhanh.
Tại Agribank, cuối năm ngoái nợ xấu đạt 29.007 tỉ đồng, giảm hơn 400 tỉ đồng so với năm trước. Từ đó kéo tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,89% còn 1,68%.
Song nợ có khả năng mất vốn của Agribank lại tăng gần 2.900 tỉ đồng sau một năm, lên 22.637 tỉ đồng.
Tương tự ở Vietcombank (VCB), tỉ lệ nợ xấu giảm 0,99% còn 0,97% cuối năm 2024. Song nợ có khả năng mất vốn lại từ 7.975 tỉ đồng lên 10.292 tỉ đồng, tương ứng tăng 29% sau một năm.
Dữ liệu: BCTC hợp nhất 2024
Tổng nợ xấu của BIDV (BID) cũng tăng lên 29.034 tỉ đồng, chiếm khoảng 1,41% tổng dư nợ. Tỉ lệ này dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định, nhưng cũng đã tăng cao hơn mức 1,25% cuối năm 2023.
Chưa kể, nợ có khả năng mất vốn của BIDV đạt 19.801 tỉ đồng, tăng 52% so với 2023 và chiếm 0,96% tổng dư nợ.
VietinBank (CTG) không nằm ngoài xu hướng chung. Cụ thể, tổng nợ xấu của ngân hàng quốc doanh này là 20.989 tỉ đồng, tăng gần 1.380 tỉ đồng so với cuối năm 2023. Tỉ lệ nợ xấu ước tính ở mức thấp, chỉ khoảng 1,22%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của CTG chiếm 13.348 tỉ đồng, tăng hơn 42% so với đầu năm.
Hầu hết các ngân hàng niêm yết đều ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng, trừ NCB giảm và TPB đi ngang - Dữ liệu: BCTC 2024
Ở Sacombank (STB), nợ xấu cuối năm ngoái 12.955 tỉ đồng, tăng gần 18% so với mức 10.983 tỉ đồng hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,27% lên 2,4%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này là 8.869 tỉ đồng, tăng gần 4.000 tỉ đồng so với cuối 2023.
Còn tại VPBank, nợ xấu đến cuối năm 2024 là 29.069 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ 4,2%, giảm đáng kể với mức 5% đầu năm. Tuy nhiên, tính riêng nợ có khả năng mất vốn lại tăng mạnh tới 40%, lên mức 6.119 tỉ đồng.
Còn tổng nợ xấu của VietBank ở mức gần 2.580 tỉ đồng cuối năm ngoái, tăng 24% sau 1 năm. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng do vậy tăng từ mức 2,56% đầu năm lên 2,75% cuối 2024. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đạt gần 1.500 tỉ đồng, tăng 5% và chiếm 58% tổng nợ xấu của ngân hàng này.
Nợ xấu có thể tăng nhẹ trước khi tiếp tục xu hướng giảm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết, nếu so với cuối năm 2023, tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn tại các ngân hàng cao hơn đáng kể, khi chiếm 1,1% trên tổng dư nợ cho vay. Song cần lưu ý, con số này cũng đã giảm nhẹ so với mức đỉnh của quý 3-2024 (1,13%).
"Tất cả các dự báo về nợ xấu, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng được đưa ra trước thời điểm tháng 4, khi Mỹ chưa công bố thuế quan đối ứng, tôi cho rằng không còn sát với thực tế nữa. Việc dự báo cần phải dựa trên nhiều kịch bản", vị giám đốc nhận định.
Theo bộ phận phân tích Chứng khoán Mirae Asset, so với giai đoạn trước 2020, chỉ một số ít ngân hàng có thể đưa các chỉ tiêu chất lượng tài sản về vùng cũ.
Mirae Asset cho rằng, tỉ lệ nợ xấu các ngân hàng niêm yết cũng chỉ có thể cải thiện nhẹ trong giai đoạn nửa sau 2025. Bởi thực tế lãi suất cao hơn có thể gia tăng phần nào tốc độ hình thành nợ xấu.
Ngoài ra, phân khúc khách hàng doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng chậm lại, đặc biệt sau mức mở rộng tín dụng mạnh mẽ trong quý 4-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận