Từ lúc Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10 công lập, Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn trở nên nhộn nhịp hơn với hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn từ phía phụ huynh có nguyện vọng được tư vấn.
Mở cửa đến 21h đón phụ huynh
Ông Lâm Gia Huy - giám đốc trung tâm - cho biết sự quan tâm của phụ huynh, học sinh tăng vọt kể từ 14h ngày 3-7 khi có điểm chuẩn vào các trường THPT công lập. Do đó, trung tâm sáng đèn đến hơn 21h để đón những phụ huynh đến trực tiếp trường tìm hiểu.
Có mặt tại trường cùng con trai để được tư vấn vào sáng 4-7, chị Trịnh Phương (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết con chị dù điểm thi gần 20 nhưng trượt hết cả ba nguyện vọng, một phần vì đặt nguyện vọng hơi cao. Dù hơi buồn nhưng mối quan tâm lớn hơn bây giờ của chị và con là tìm hướng đi khác. Chị đang nhắm đến các trường nghề, cho con theo học chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa.
"Hai băn khoăn lớn của tôi là chương trình học và học phí. Về chương trình học, tôi muốn có sự cân bằng giữa học nghề và học văn hóa. Về học phí, tôi đang phân vân không biết có nên dành thêm tiền cho con học trường nghề tư thục hay học trường nghề công lập" - chị Phương nói.
Trong khi đó, Lê Phạm Nhật (ngụ quận Gò Vấp) đã nhập học hệ 9+ tại Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn từ ngày 1-7, trước khi biết điểm chuẩn vào lớp 10 công lập. Nhật n thi tuyển sinh lớp 10 được 19,25 điểm, dù trượt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Công Trứ (lấy 20,25) nhưng vẫn đậu các nguyện vọng 2, 3.
"Nhưng tôi xác định từ đầu là sẽ học theo chương trình 9+ vì chương trình nhẹ, ít áp lực hơn, vừa có thêm nghề. Sau này mình vẫn có thể thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển đại học nếu muốn" - n chia sẻ.
Nhiều ưu đãi cho người học
Rẽ sang học các trường nghề (cao đẳng, trung cấp) hệ 9+ là một trong những hướng đi khác ngoài vào lớp 10 công lập, bên cạnh các hướng đăng ký vào các trường THPT tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo chuyên gia, mỗi hướng đều có những lợi thế riêng, giúp con đường học tập và phát triển của các thí sinh không may trượt lớp 10 công lập vẫn rất rộng mở.
ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM - cho biết năm nay trường triển khai chương trình học bổng INTENSE hợp tác với những đối tác Đài Loan, dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Cụ thể, học sinh sẽ học song song văn hóa bảy môn và chương trình nghề về các ngành công nghệ ô tô, điện công nghiệp, lập trình máy tính, quản trị mạng máy tính và kế toán. Học phí được hỗ trợ theo nghị định 97 của Chính phủ và thông tư 05 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Lý cho biết thêm sau khi hoàn thành chương trình học tại Việt Nam, học sinh chương trình INTENSE sẽ chuyển tiếp sang Đài Loan hai năm để lấy bằng đại học chính quy. Các em được đối tác Đài Loan miễn học phí, miễn phí ký túc xá, hỗ trợ sinh hoạt phí và được đảm bảo việc làm tại Đài Loan lúc tốt nghiệp. "Các doanh nghiệp tuyển dụng tại Đài Loan đều đang rất cần lao động trong lĩnh vực bán dẫn", ông Lý nói.
Cô Hà Thị Kim Sa - hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (TP.HCM) - nhìn nhận các trường phổ thông tư thục đã chứng kiến sự "thay da đổi thịt" rất lớn trong những năm gần đây.
Các trường đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là việc tổ chức được gần như đầy đủ tổ hợp môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều trường THPT công lập không có đủ điều kiện tổ chức một số môn như âm nhạc, mỹ thuật, còn trường THPT tư thục đáp ứng được các nhu cầu này của học sinh.
Ngoài học thuật, nhiều trường phổ thông tư thục đang triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động, câu lạc bộ giúp học sinh phát triển toàn diện cả về học tập, thể chất và tinh thần.
Theo cô Sa, đây là những điều kiện giúp nhiều trường tư thục dần thoát khỏi "mác" chỉ dành cho học sinh "dở", và học sinh không may trượt lớp 10 hoàn toàn có thể nghĩ đến hướng cân nhắc vào các trường phổ thông tư thục.
Góc nhìn khác về giáo dục thường xuyên
Trong khi đó, bà Lê Thị Trúc - phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú - chia sẻ năm 2024, trung tâm dự kiến tuyển 630 học sinh cho 14 lớp. Từ hôm qua sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn lớp 10, số lượng phụ huynh liên hệ bộ phận tuyển sinh để tìm hiểu về trường gia tăng nhanh chóng. Với tốc độ đăng ký hiện tại, bà Trúc cho biết trung tâm có thể ngưng tuyển sinh sớm.
Theo bà Trúc, nhiều phụ huynh tại TP.HCM đã có cái nhìn khác về các trung tâm giáo dục thường xuyên, không xem đây là lựa chọn khi các cánh cửa khác đã đóng hết.
Thứ nhất là nhờ chương trình học vừa khá nhẹ nhàng, vừa giúp học sinh có thể tham gia các kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Chưa kể, nhiều trường đại học hiện vẫn đang có lựa chọn dùng học bạ của chương trình giáo dục thường xuyên xét tuyển.
Vì vậy trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đây, nhiều học viên của các trung tâm giáo dục thường xuyên bước vào kỳ thi trong khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm đại học.
Bên cạnh đó, bà Trúc cho rằng môi trường học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện không khác biệt nhiều so với các trường THPT công lập.
"Chi phí học tập khá tiết kiệm vì nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước. Từ sau dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều gia đình thì cũng có nhiều em lựa chọn theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hơn", bà Trúc nói.
21.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 công
Năm 2024, TP.HCM có tổng cộng 98.681 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm nay là 77.355 học sinh. Do đó, sẽ có hơn 21.000 thí sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận