Ngày 20-3, ông Nguyễn Vũ Linh, giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, cho biết cán bộ của rừng vừa qua đã may mắn bắt gặp một con lửng lợn tại khu vực rừng do vườn quản lý.
Theo đó chú lửng lợn mà nhân viên của rừng bắt gặp khá lớn, đang đi thong dong trên một tuyến đường tuần tra của kiểm lâm để kiếm ăn. Nó không hoảng sợ mà còn lững thững tiến lại khá gần nhân viên của Vườn quốc gia Bạch Mã.
Nhân viên này đã dùng điện thoại quay lại con lửng lợn và báo cho anh em của vườn.
Ông Linh cho biết sau khi xem clip, mọi người ở Vườn quốc gia Bạch Mã đều mừng rỡ.
"Mấy chục năm làm việc ở vườn, đây là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy được loài lửng lợn quý hiếm ngoài đời thật. Khỏi phải nói chúng tôi vui cỡ nào khi tưởng chừng không còn con nào ở rừng", ông Linh nói.
Theo ông Linh, việc lửng lợn xuất hiện ở rừng Bạch Mã chứng minh độ đa dạng sinh học của rừng nơi đây đang dần phục hồi.
Không chỉ lửng lợn, tần suất các loài thú quý hiếm xuất hiện trước bẫy ảnh, ống kính của du khách đã nhiều hơn. Điều thú vị là những loài thú này phần lớn đều tỏ vẻ thân thiện, không bỏ chạy khi thấy người như trước.
Mới đây, một đoàn khách du lịch đã chụp được bức ảnh một đàn gà lôi trắng đi kiếm ăn ở rừng Bạch Mã. Một nhóm khách khác chụp được ảnh của loài mang Trường Sơn - loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ.
"Việc du khách tình cờ gặp những loài thú quý hiếm khi đang tham quan ở rừng Bạch Mã và may mắn chụp được ảnh chúng là kỷ niệm rất khó quên với họ", ông Linh kể.
Theo ông Linh, trong thời gian tới, lực lượng của Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, ngăn chặn nạn săn bắt thú rừng.
Lửng lợn là loài thú duy nhất còn tồn tại trong chi Arctonyx thuộc họ chồn, sống trên cạn, tập trung tại Trung và Đông Nam Á. Chúng có bộ lông màu nâu dài trung bình, cơ thể chắc, họng màu trắng, hai sọc màu đen trên một khuôn mặt trắng kéo dài và một cái mõm màu hồng như mõm lợn.
Loài này chủ yếu ăn trái cây, động vật nhỏ và có đặc tính khá hiền lành. Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp loài này vào loài sắp bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ IUCN năm 2008 do nạn săn bắt quá mức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận