15/12/2012 06:11 GMT+7

Nhiều lãnh đạo ngành nhận khuyết điểm

V.TRƯỜNG - N.TÀI
V.TRƯỜNG - N.TÀI

TT - Ngày 14-12, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang, hầu hết các lãnh đạo sở, ngành đều nhận khuyết điểm về những vấn đề còn tồn tại mà cử tri và đại biểu đặt ra.

5hW4Gi9U.jpgPhóng to
Một cơ sở tái chế nhựa ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: THANH TÚ

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, giám đốc Sở NN&PTNT, thừa nhận nội dung chất vấn của đại biểu Phương Châu (thị xã Gò Công) về chất lượng nước sạch cấp cho dân thị xã Gò Công có thời điểm không đạt tiêu chuẩn và rất nhiều đồng hồ nước chạy sai. Ông Cẩn dẫn chứng số liệu của cơ quan chức năng cho thấy đúng là có tới 60% đồng hồ nước được kiểm tra chạy sai. Trong đó, tới 60% đồng hồ chạy nhanh, gây thiệt hại cho người sử dụng nước.

Ông Cẩn đề nghị Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tăng cường kiểm định đồng hồ nước, nếu phát hiện vi phạm thì phạt vi phạm hành chính đơn vị cung cấp là Công ty Khai thác và cấp nước sinh hoạt nông thôn. Riêng kiến nghị của dân về việc hòa mạng nước sạch đô thị vào hệ thống nước nông thôn để dân không phải bỏ tiền mua nước bẩn nữa, ông Cẩn cho biết đang xúc tiến việc này.

Ông Trần Xuân Thành, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh, thừa nhận do chưa phối hợp tốt với địa phương nên đã để xuất hiện một số cơ sở tái chế nhựa trong khu dân cư ở huyện Cai Lậy gây ô nhiễm môi trường như đại biểu Võ Thị Búp chất vấn. Theo ông Thành, do để “lọt” việc này nên biện pháp xử lý tiếp theo là lấy mẫu phân tích làm cơ sở xử lý theo quy định. Còn tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày càng tăng, ông Thành cũng nhận khuyết điểm là chưa kiểm tra, xử lý tốt và hứa sẽ khắc phục.

Một trong những vấn đề “nóng” lần thứ hai liên tiếp được đặt ra tại kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang năm nay là chuyện dạy thêm, học thêm. Ông Trần Thanh Đức, giám đốc Sở GD-ĐT, thừa nhận việc học sinh ồ ạt đi học thêm như hiện nay là bất thường. Ông Đức cho biết sở đã có nhiều biện pháp cả trước mắt và lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề này. Biện pháp trước mắt chỉ cho phép giáo viên giỏi và đạo đức tốt dạy thêm, tuyệt đối cấm dạy thêm trước chương trình và không để giáo viên ra đề thi, đề kiểm tra mà nhà trường dựa vào ngân hàng đề thi của sở để ra đề. Việc này đã hạn chế tối đa tình trạng giáo viên bắt ép học sinh học thêm để... biết trước đề kiểm tra nhằm có điểm cao. Biện pháp lâu dài là chỉ đạo các trường xây dựng nội dung chương trình giảng dạy cung cấp đủ kiến thức cho học sinh thi đại học từ chương trình chính khóa. Ngoài ra sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp cho học sinh học hai buổi/ngày.

“Một khi đã cung cấp đủ kiến thức thì học sinh không cần phải đi học thêm nhiều như vậy nữa. Còn phía giáo viên cũng là công dân, nếu vi phạm và bị lập biên bản xử lý về việc dạy thêm thì nên chấp hành chứ đừng kêu ca đối xử với nhà giáo thế này, thế kia” - ông Đức nói.

Cũng giống như các kỳ họp trước, lần này lãnh đạo Sở Y tế tỉnh phải đăng đàn trả lời nhiều vấn đề “cũ mèm” nhưng do chưa giải quyết đến nơi đến chốn nên cử tri vẫn còn bức xúc. Đó là tình trạng bệnh viện quá tải, chất lượng khám chữa bệnh chưa cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Linh - phó giám đốc Sở Y tế, toàn tỉnh thiếu tới 124 bác sĩ (bệnh viện nào cũng thiếu). Ngoài ra, cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị thiếu nên khắc phục những tồn tại trên cần có thời gian và có liên quan đến việc thiếu vốn.

Đáp lại, đại biểu Trần Văn Dũng (Sở Kế hoạch - đầu tư) đứng lên không đồng ý: “Ngành y tế cho rằng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng không có kế hoạch, lộ trình cụ thể nói rõ chỗ nào cần đầu tư khẩn cấp để tỉnh xem xét bố trí vốn. Nói chung chung như vậy không biết bao giờ mới giải quyết được...”.

V.TRƯỜNG - N.TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp