Các bạn trẻ tham khảo các mặt hàng trực tuyến - Ảnh: Thanh Tùng |
Ngoài tâm lý không biết giá có thực giảm hay không, điều mà người tiêu dùng lo lắng nhất sau khi click chuột mua hàng là chất lượng sản phẩm khi đến tay. Và phải đợi sau vài ngày nữa mới biết kết quả.
Băn khoăn về giá, e ngại về chất lượng
Ngay từ sáng sớm 4-12, một số khách hàng đã gặp khó khăn khi truy cập vào mạng bán hàng, có lúc phải chờ rất lâu mới chọn được món hàng để mua.
“Mình mở máy lên lúc 8g, nhưng load (tải) mãi website cũng chỉ có màn hình trắng, đến gần 10g mới vào lại được để xem hàng” - Phạm Xuân Sơn, sinh viên Đại học Ngoại ngữ tin học (Q.10, TP.HCM), cho biết.
Trong khi đó, nhiều người cho biết tình trạng nâng giá hàng lên quá cao rồi khuyến mãi xuống bằng giá bán ngoài thị trường vẫn còn tồn tại.
“Mình vào tìm mua một sản phẩm thì rất bất ngờ khi giá đã khuyến mãi là 569.000 đồng/hộp sau khi giảm 53%. Tuy nhiên, giá sản phẩm này ngoài thị trường chỉ hơn 600.000 đồng/hộp. Như vậy chẳng khác nào lừa người tiêu dùng”, Sơn băn khoăn.
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Nga (Q.11) cho biết xem thấy voucher ẩm thực một nhà hàng hải sản tại Q.1 với mức giá giảm 67% còn hơn 100.000 đồng, giá gốc là hơn 300.000 đồng.
“Hôm trước mình mới mua voucher cũng tại nhà hàng này, giá gốc chỉ khoảng 200.000 đồng và giảm xuống còn hơn 100.000 đồng. Như vậy, nhà hàng này đã nâng “giá gốc” lên hơn 300.000 đồng, rồi lại giảm xuống bằng giá cũ, không trung thực với người tiêu dùng” - chị Nga chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng cho biết một số trang web bán mỹ phẩm giá rất rẻ, không biết thực hư thế nào.
“Tôi thấy họ bán nước hoa H. giá 179.000 đồng/chai 100ml, giảm 64% so với giá gốc. Tôi đi mua nhiều nước hoa nên biết không thể có giá đó cho 1 chai nước hoa chất lượng tốt” - anh Nguyễn Quang Huy (đường Lãnh Bình Thăng, Q.11) cho biết.
Có ý định mua chiếc tủ lạnh giá 12,9 triệu đồng, giảm giá còn 10,9 triệu nhưng sau khi khảo sát, chị Hồng Nga (đường Trường Chinh, Q.12) vẫn chưa quyết định mua. Theo chị Nga, nhiều cửa hàng bán loại tủ lạnh này với giá tương đương, thậm chí còn thấp hơn.
“Có lẽ tôi sẽ chọn phương án ra ngoài mua để được xem trực tiếp sản phẩm và còn được tư vấn nữa, thay vì mua qua mạng” - chị Nga phân tích.
Nhưng doanh số tăng mạnh
Mặc dù vậy, theo nhiều đơn vị, ngày mua sắm trực tuyến cũng giúp lượng người mua sắm tăng mạnh so với ngày thường. Đại diện Hotdeal cho biết tính đến 17g ngày 4-12, từ cổng Online Friday, đơn vị này đã bán ra hơn 18.000 đơn hàng thuộc các lĩnh vực ăn uống, thời trang, gia dụng, làm đẹp, du lịch...
Trong đó, 40% số lượng đến từ nhóm mặt hàng ăn uống, hơn 20% đến từ các sản phẩm gia dụng, 15% thuộc nhóm hàng thời trang - làm đẹp và 25% còn lại thuộc các lĩnh vực khác. Doanh thu đạt mốc hơn 3 tỉ đồng, tăng mạnh so với ngày thường.
Trong khi đó, đại diện trang bán hàng tiki.vn cũng cho biết doanh số đã tăng gấp 2,5 lần so với ngày thường. Phần lớn những mặt hàng bán chạy là các loại phụ kiện điện tử, máy tính bảng, điện thoại...
Sở dĩ ngay từ sớm các mặt hàng của chúng tôi không còn để bán là do chủ động thực hiện giảm giá đúng như tiêu chí, yêu cầu của ngày bán hàng giảm giá nên số lượng hàng giảm giá bán hết rất nhanh” - vị đại diện này nói.
Ông Jose Finch, tổng giám đốc Zalora VN, cho biết lượng khách truy cập trong chương trình Online Friday trên trang Zalora đã tăng 20-50%, đặc biệt là vào thời điểm 5g sáng và từ sau 13g. Dự đoán lượng truy cập sẽ tiếp tục tăng mạnh thêm một lần nữa từ 20g đến nửa đêm. Theo ông Jose Finch, lượng truy cập chiếm hơn 40% đến từ TP.HCM, 20-30% đến từ Hà Nội và phần còn lại trải dài cả nước.
Còn đại diện hệ thống Thế giới di động cho biết kết sổ vào lúc chiều tối, đã có gần 1.500 đơn hàng được đặt qua hệ thống online của thegioididong.com và dienmayxanh.com, doanh số ước trên 4,5 tỉ đồng.
Điện thoại, máy tính bảng, tivi và máy lạnh là những sản phẩm được đặt mua nhiều nhất, trong khung giờ sau 10g trở đi. “So với sự kiện diễn ra năm ngoái, doanh thu tăng 25-30%, một con số khá bất ngờ so với dự kiến của chúng tôi”, một lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Trả lại tiền nếu sản phẩm không đúng Ông Nguyễn Hữu Phúc, giám đốc trung tâm thẻ Ngân hàng Sacombank - một trong những đối tác thanh toán của chương trình Online Friday, cho biết đối với các trường hợp người tiêu dùng đã giao dịch mua hàng, thanh toán tiền qua thẻ, nhưng đến khi nhận được sản phẩm lại không đúng với sản phẩm mình đã mua thì vẫn có thể lấy lại tiền đã chuyển khoản. Chẳng hạn, nếu người mua không đạt được các thỏa thuận với bên bán về những sai sót của sản phẩm đã mua, ví dụ đặt mua áo size M nhưng khi nhận hàng thì áo lại size S, và bên bán không chịu hoàn tiền, người mua hàng chỉ cần giữ lại các hóa đơn đã giao dịch. “Sau khi kiểm tra đối chiếu, nếu đúng như phản ảnh của khách hàng, ngân hàng sẽ hoàn lại số tiền đã thanh toán cho chủ thẻ”, ông Phúc khẳng định. |
26 doanh nghiệp bán được 165 tỉ đồng tiền hàng Tối 4-12, đại diện Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho biết tính đến 14g cùng ngày, thống kê từ 26 doanh nghiệp thương mại điện tử lớn tham gia chương trình, tổng doanh thu đã đạt được ước khoảng 165 tỉ đồng, với 230.000 giao dịch đã được thực hiện. Đây là doanh số cao kỷ lục vì tổng doanh số năm ngoái chỉ đạt được 154 tỉ đồng, nhưng từ 1.000 doanh nghiệp bán hàng. Ban tổ chức cũng ghi nhận tổng lượng truy cập vào website onlinefriday.vn tính đến 18g đã đạt 1 triệu lượt, trên 8 triệu lượt xem sản phẩm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận