28/10/2016 08:32 GMT+7

Nhiều khuất tất trong việc thanh lý cây cao su

TTO - Hằng năm, có hàng chục ngàn hecta cao su thuộc sở hữu nhà nước được thanh lý để tái canh hoặc bàn giao đất để làm khu công nghiệp.

Các lô cao su được thanh lý qua phân bổ thay vì tổ chức bán đấu giá - Ảnh: B.SƠN
Các lô cao su được thanh lý qua phân bổ thay vì tổ chức bán đấu giá - Ảnh: B.SƠN

Những khuất tất trong các đợt bán cao su thanh lý, dân trong ngành gỗ xì xào lâu nay. Tuổi Trẻ vào cuộc tìm hiểu câu chuyện thanh lý cây cao su - khối tài sản nhà nước khổng lồ đang được giao cho các công ty cao su quản lý.

Theo quy định, ít nhất 30% số cao su thanh lý phải được đưa ra bán đấu giá công khai. Thế nhưng không phải lúc nào quy định này cũng được thực hiện.

Trúng đấu giá rồi... bỏ!

Điển hình là đợt thanh lý hơn 621ha cao su của Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su VN) đang được triển khai từ tháng 9-2016.

Vào ngày 12-9, Công ty cao su Dầu Tiếng ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương để bán đấu giá hơn 188ha cao su (tương đương 30% lượng cao su thanh lý đợt này).

75 doanh nghiệp tham gia buổi đấu giá diễn ra ngày 22-9 tại trụ sở Công ty cao su Dầu Tiếng. Kết quả: Công ty TNHH xây dựng Tiến Phát trả giá cao nhất đã trúng cả hai gói (gói 1: 89,9ha với 35.200 cây cao su; gói 2: 98,2ha với 39.100 cây) có tổng giá trị hơn 40 tỉ đồng.

Thế nhưng sau khi trúng đấu giá, Công ty Tiến Phát đã bỏ lô hàng, từ chối đến ký hợp đồng, chấp nhận mất tiền đặt cọc tương đương 15% giá trị giá khởi điểm (khoảng 3,5 tỉ đồng).

Việc người trúng đấu giá từ chối ký hợp đồng, chịu mất tiền cọc không phải là hiếm trong các cuộc đấu giá cao su.

Theo nghị định về bán đấu giá, tài sản nhà nước bán đấu giá không thành sẽ phải đấu giá lại. Ngày 27-9, Công ty cao su Dầu Tiếng (chủ sở hữu tài sản) đã có công văn yêu cầu Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Dương tổ chức đấu giá lần 2.

Một số doanh nghiệp dự trong đợt đấu giá trước chuẩn bị hồ sơ để tham gia đấu giá lại. Thế nhưng, bẵng đi một thời gian, dù trung tâm bán đấu giá có công văn hỏi nhưng chủ sở hữu tài sản là Công ty cao su Dầu Tiếng “ngó lơ” không trả lời về các bước chuẩn bị để thực hiện đấu giá lần 2.

Trong khi đó, theo ghi nhận trên hiện trường, tại các lô cao su được đấu giá, cưa máy, xe tải... đã được đưa vào để đốn hạ cao su rầm rộ ngày này qua ngày khác.

Phải tới gần một tháng sau, ngày 24-10, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Dương mới nhận được văn bản đề ngày 12-10 của Công ty cao su Dầu Tiếng trả lời không đấu giá lần 2 nữa.

Văn bản này lý giải việc không tổ chức đấu giá lần 2 vì “sẽ mất thời gian và không kịp giao đất theo yêu cầu để thi công Khu công nghiệp Bàu Bàng (mở rộng)”.

Lúc này, các doanh nghiệp đã nộp đơn xin đấu giá cao su mới tá hỏa khi biết số cao su đáng ra phải đấu giá đã được ngấm ngầm phân chia cho các công ty cổ phần là: Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu gỗ Tây Ninh (89,9ha) và Công ty cổ phần gỗ Dầu Tiếng (98,2ha).

Điều đáng nói, các công ty này được giao cưa chặt gỗ dù chưa biết giá trị phải thanh toán lại cho Nhà nước là bao nhiêu.

Cây cao su tại Nông trường Long Nguyên (Công ty Cao su Dầu Tiếng) là tài sản nhà nước, theo quy định phải đấu giá nhưng đã được phân bổ cho các công ty cổ phần - Ảnh: BÁ SƠN
Cây cao su tại Nông trường Long Nguyên (Công ty Cao su Dầu Tiếng) là tài sản nhà nước, theo quy định phải đấu giá nhưng đã được phân bổ cho các công ty cổ phần - Ảnh: BÁ SƠN

Phải đấu giá nhưng lại chỉ định

Việc 188ha cao su thanh lý của Công ty cao su Dầu Tiếng không được đấu giá mà bán chỉ định là có dấu hiệu bất thường, theo một số người am hiểu.

Theo quy định hiện hành, khi thanh lý, đối với cao su của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su VN thì có khoảng 30% được đấu giá, 70% được phân bổ cho các công ty chế biến gỗ trong hệ thống.

Đối với phần cao su đấu giá, việc đấu giá sẽ phải áp dụng trình tự, thủ tục theo nghị định 17/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Theo điều 49 của nghị định này, trong trường hợp bán đấu giá không thành phải đấu giá lại. Quy chế bán gỗ cao su thanh lý được hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su VN ban hành năm 2014 cũng quy định: việc bán đấu giá cao su tại các công ty thành viên phải áp dụng theo nghị định 17/2010.

Trường hợp đặc biệt, có thể bán chỉ định cao su không qua đấu giá nhưng diện tích không được vượt quá 10ha. Trường hợp tại Công ty cao su Dầu Tiếng, diện tích cao su đáng ra phải bán đấu giá lên tới 188ha, gấp nhiều lần hạn mức cho phép được chỉ định, tại sao vẫn không được đấu giá lại?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Hưng - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng - lý giải: việc ngưng bán đấu giá, bán chỉ định cao su cho các công ty cổ phần là từ chỉ đạo của tập đoàn.

Theo đó, tổng giám đốc tập đoàn có văn bản yêu cầu bán phân bổ (không qua đấu giá) cho hai công ty nói trên.

Tại văn bản 3036 ngày 5-10-2016 của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN về việc bán chỉ định không qua đấu giá 188ha cao su tại Công ty cao su Dầu Tiếng, phần căn cứ để ra quyết định không thấy nêu dựa vào quy định nào của pháp luật.

Nhiều mâu thuẫn

Theo nhiều người am hiểu, điểm mấu chốt mà Công ty cao su Dầu Tiếng không đưa lô hàng ra đấu giá lần 2 với lý do nhằm “kịp thời bàn giao mặt bằng cho khu công nghiệp” là không hợp lý và có nhiều khuất tất.

Cụ thể, theo phụ lục hợp đồng số 02 giữa chủ đầu tư Khu công nghiệp Bàu Bàng và Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng được ký ngày 12-9-2016 nêu lộ trình bàn giao “mặt bằng sạch” để làm khu công nghiệp như sau: cắt cây và bàn giao 270ha (giai đoạn 1b) trước 30-9-2016, cắt cây và bàn giao 320ha (giai đoạn 1c) trước 30-10-2016.

Hai giai đoạn này chỉ cách nhau chưa đầy hai tháng, thế nhưng giao kèo phải cắt hết cả trăm ngàn cây cao su trên tổng diện tích gần 600ha. Nếu làm được quả là điều thần kỳ(!).

Trên thực tế, theo khảo sát của Tuổi Trẻ, cho đến ngày 27-10, nghĩa là chỉ còn vài ngày là đến thời hạn cuối trong hợp đồng (30-10-2016), nhiều diện tích cao su vẫn còn nguyên vẹn, chắc chắn không thể bàn giao mặt bằng theo tiến độ nêu trong hợp đồng. Những người am hiểu đặt vấn đề liệu mốc thời gian trong hợp đồng có phải là cớ cho việc khác(!?).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện chủ đầu tư Khu công nghiệp Bàu Bàng cho biết họ chỉ thỏa thuận về việc nhận bàn giao “mặt bằng sạch” từ Công ty cao su Dầu Tiếng, còn việc thanh lý cây cao su như thế nào là do công ty này tự quyết định.

Ông Nguyễn Tất Thắng, giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Dương, cho biết: theo quy định thì chỉ cần khoảng 10 ngày là có thể tổ chức xong một cuộc đấu giá.

Trong đợt đấu giá 188ha cao su của Công ty cao su Dầu Tiếng, ngay sau khi các công ty từ chối mua tài sản thì ngày 28-9, trung tâm đã ra thông báo đấu giá không thành và đề nghị chủ sở hữu cho ý kiến về việc đấu giá lại.

“Thế nhưng dù chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hợp đồng nhưng chờ hoài không thấy trả lời” - ông Thắng nói.

Trung tâm dịch vụ đấu giá tỉnh Bình Dương cho biết phải tới ngày 24-10 họ mới nhận được công văn không tổ chức đấu giá lần 2 của Công ty cao su Dầu Tiếng, trong khi thực tế 188ha cao su đã được phân bổ từ ngày 5-10.

Hiện Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cũng đã nhận được khiếu nại của nhiều doanh nghiệp liên quan tới những bất thường trong vụ bán đấu giá 188ha cao su tại Công ty cao su Dầu Tiếng.

Ông Nguyễn Quốc Việt, phó tổng giám đốc Công ty cao su Dầu Tiếng, cho biết công ty đang làm giải trình gửi Sở Tư pháp và sẽ gửi văn bản trả lời cho các doanh nghiệp đăng ký mua đấu giá có khiếu nại.

Cây cao su tại Nông trường Long Nguyên (Công ty Cao su Dầu Tiếng) là tài sản nhà nước, theo quy định phải đấu giá nhưng đã được phân bổ cho các công ty cổ phần - Ảnh: BÁ SƠN
Cây cao su tại Nông trường Long Nguyên (Công ty Cao su Dầu Tiếng) là tài sản nhà nước, theo quy định phải đấu giá nhưng đã được phân bổ cho các công ty cổ phần - Ảnh: BÁ SƠN

Chiêu trò trong đấu giá

Theo nhiều người có kinh nghiệm trong ngành, các cuộc bán đấu giá cao su từ trước tới nay đều diễn ra khá nóng.

Các chiêu trò để thao túng việc đấu giá thường thấy như: nhiều người tham gia đấu trả giá rất cao và trúng đấu giá, nhưng sau đó lại chấp nhận bỏ cọc để phải đấu giá lại (lần đấu giá sau sẽ ít người biết hơn nên sẽ dễ “làm giá” hơn).

Hoặc các “chân gỗ” là những người chỉ tham dự “cho có” chứ không có nhu cầu mua nên họ thường chỉ trả bằng giá khởi điểm.

Điều đáng nói là kết quả đấu giá sẽ là cơ sở để áp giá cho 70% cao su phân bổ còn lại. Vì vậy, nếu việc đấu giá không minh bạch, bán không sát với giá thị trường sẽ làm thất thoát tài sản nhà nước.

Sao không đấu giá 100%?

Với khối lượng cao su thanh lý hằng năm số lượng rất lớn, năm 2016 là gần 14.000ha, năm 2017 dự kiến là 11.700ha, gỗ cao su thanh lý có nguồn gốc từ các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp VN hiện là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho thị trường chế biến gỗ.

Tuy nhiên, với cơ chế 70% số gỗ thanh lý được phân bổ cho nội bộ các công ty mà tập đoàn có góp vốn, thị trường chế biến gỗ phải phụ thuộc theo nên nhiều khi các doanh nghiệp có nhu cầu phải mua lại gỗ với giá cao hơn.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương có văn bản kiến nghị đối với gỗ thuộc sở hữu nhà nước cần mang 100% ra đấu giá công khai để đảm bảo sự minh bạch, công bằng của thị trường.

BÁ SƠN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp