20/01/2018 14:35 GMT+7

‘Nhiều khi muốn xây dựng trái phép vì thủ tục quá nhiêu khê’

LĨNH HỒNG
LĨNH HỒNG

TTO - Hòa thượng Thích Đại Tâm – phó ban trị sự Phật giáo huyện Hóc Môn bày tỏ trăn trở về vấn đề xin giấy phép xây dựng cho các cơ sở tôn giáo tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri là chức sắc, chức việc các tôn giáo của Thường trực HĐND TP sáng 20-1.

‘Nhiều khi muốn xây dựng trái phép vì thủ tục quá nhiêu khê’ - Ảnh 1.

Hòa thượng Thích Đại Tâm – phó ban trị sự Phật giáo huyện Hóc Môn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND TP - Ảnh: LĨNH HỒNG

"Nói đến vấn đề đi xin giấy phép xây dựng, nhiều người đều lắc đầu và thở dài, thậm chí đôi khi đành phải chấp nhận xây dựng trái phép rồi nộp phạt, lý do là gặp quá nhiều rắc rồi nhiêu khê trong quá trình làm thủ tục" – Hòa thượng Thích Đại Tâm nói.

Theo Hòa thượng Thích Đại Tâm, thời gian xin được giấy phép xây dựng cơ sở tôn giáo có khi phải kéo dài một đến hai năm.

"Và có lúc chúng tôi không biết làm sao để có thể hoàn thành được các thủ tục mà cơ quan chức năng đưa ra bởi chẳng biết "con gà có trước hay quả trứng có trước".

Giả sử xin gia nhập giáo hội và bổ nhiệm trụ trì cho các cơ sở mới, chạy lên Sở Tài nguyên và môi trường TP thì họ yêu cầu phải có giấy quyết định bổ nhiệm trụ trì mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chúng tôi tất tả trở về huyện thì lại nhận được yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được bổ nhiệm trụ trì" – Hòa thượng Thích Đại Tâm băn khoăn.

Đồng tình ý kiến này, Sư cô Thích Nữ Huệ Khánh – phó ban trị sự Phật Giáo Q.12 cũng góp ý thêm rằng luật Tín ngưỡng tôn giáo vừa mới ban hành dường như có hơi mâu thuẫn với Luật xây dựng.

‘Nhiều khi muốn xây dựng trái phép vì thủ tục quá nhiêu khê’ - Ảnh 2.

Sư cô Thích Nữ Huệ Khánh – phó ban trị sự Phật Giáo Q.12 nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: TỰ TRUNG

"Chúng tôi vui mừng vì Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mới ban hành quy định các tổ chức hoạt động ổn định, liên tục đủ từ 5 năm trở lên là được công nhận tổ chức tôn giáo.

Khi được công nhận là tổ chức tôn giáo thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ đứng tên một cá nhân.

Nhưng để xin giấy phép xây dựng thì lại rất khó khăn vì điều này. Tôi nghĩ cần có sự điều chỉnh ở Luật xây dựng để có sự đồng bộ hơn" – sư cô Thích Nữ Huệ Khánh trình bày.

Trao đổi với các chức sắc tôn giáo, đại diện Sở xây dựng TP.HCM cho biết, để cấp được giấy phép xây dựng bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được ý kiến chấp thuận của Ban Tôn giáo TP. Đồng thời Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM sẽ chủ trì báo cáo lên UBND TP về các chỉ tiêu kiến trúc. "Các cơ sở tôn giáo được coi là công trình công cộng nên mật độ xây dựng đối với quy hoạch cải tạo là 60%. Nếu vị trí công trình tôn giáo thuộc quy hoạch xây mới thì mật độ xây dựng chỉ được 40%" – vị đại diện này nói.

Đại diện Sở xây dựng cũng cho biết hiện tại đối với các công trình tôn giáo có thể thực hiện thủ tục theo cơ chế cấp phép điện tử liên thông 1 cửa tại sở này. Nhờ đó sẽ rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 50 ngày xuống còn hơn 40 ngày.

‘Nhiều khi muốn xây dựng trái phép vì thủ tục quá nhiêu khê’ - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP trao đổi với các chức sắc, chức việc tôn giáo - Ảnh: TỰ TRUNG

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – chủ tịch HĐND TP khẳng định sẽ tập hợp tất cả những phản ánh, bức xúc của các chức sắc tôn giáo gửi đến từng đơn vị có liên quan.

"Chúng tôi sẽ theo dõi sát quá trình phản hồi, xử lý, khắc phục của các cơ quan liên quan đối với những phản ảnh mà cử tri đã nêu. Đồng thời sẽ hỗ trợ những vấn đề cần thiết để các có sở tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi nhất" – bà Tâm nói.

LĨNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp