Dịch tái bùng phát lần thứ tư ngay tại thời điểm khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã ảnh hưởng tới các dịch vụ kinh doanh lưu trú và hội nghị - Ảnh: N.BÌNH
Sự tái bùng phát dịch lần thứ tư ngay tại thời điểm khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã trở thành một đòn giáng mạnh vào ngành nghỉ dưỡng vốn đã gặp nhiều khó khăn. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú.
Thêm vào đó, các hội nghị buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương trong việc tạm ngưng các hoạt động sự kiện, lễ hội và một số doanh nghiệp cũng khuyến cáo hạn chế nhân viên tham gia các hoạt động tập trung đông người.
Phó tổng giám đốc một chuỗi khách sạn 4-5 sao ở TP.HCM cho biết ngay khi dịch bùng phát, 90% sự kiện của các doanh nghiệp bị hoãn. Chỉ một vài tiệc cưới vẫn tổ chức nhưng thu gọn lại quy mô và đến nay để tuân thủ quy định chống dịch, các tiệc, hoạt động hội nghị đã tạm dừng trong tháng 5 này.
Trước khi dịch quay lại, nhiều khách sạn trong hệ thống này phải chịu lỗ 2-4 tỉ đồng/tháng để duy trì mở cửa.
Ngày 13-5, ông Mauro Gasparotti, giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, cho biết báo cáo của doanh nghiệp cho thấy ngành dịch vụ lưu trú tiếp tục bị tác động nặng nề, một số khách sạn thậm chí phải tạm ngưng phục vụ một số tiện ích. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú.
Thêm vào đó, hoạt động MICE (du lịch kết hợp sự kiện) và kinh doanh sự kiện của các khách sạn tại khu vực TP.HCM và Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, khi các hội nghị buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng khuyến cáo hạn chế nhân viên tham gia các hoạt động tập trung đông người.
Đây thực sự là một đòn giáng vào các khách sạn khi từ tháng 4 trở đi thị trường sẽ vào mùa cao điểm của sự kiện, hội nghị và hầu hết khách sạn đều rất kỳ vọng vào mảng kinh doanh này trong bối cảnh hiện tại để phần nào bù đắp doanh thu phòng.
Khảo sát của Savills cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh của các resort cũng chịu chung tác động khi ghi nhận hơn 50%, một số resort thậm chí lên đến gần 80% số lượng đặt phòng hiện tại đã được yêu cầu hủy, chủ yếu đến từ nhóm khách đoàn và khách doanh nghiệp.
Một số khách sạn thậm chí đã quyết định đóng cửa tạm thời cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định.
"Bất ngờ" hơn cả khi trong lần bùng phát dịch lần này, vài khách sạn đã đưa ra thông báo khách lưu trú cần xuất trình giấy xác nhận âm tính với COVID-19 để có thể sử dụng dịch vụ. Đây là điều chưa có tiền lệ trước đó với mục đích nhằm đảm bảo yếu tố an toàn cũng như giảm thiểu rủi ro bị phong tỏa, cách ly.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong những ngày qua thanh tra sở vẫn phối hợp với cơ quan ban ngành tiếp tục đi rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở lưu trú du lịch không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Cơ quan chức năng chỉ cho phép những cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo an toàn COVID-19 được đón và phục vụ khách.
Theo yêu cầu của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, tất cả cơ sở lưu trú du lịch phải đăng ký, thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia. Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch tạm ngừng hoạt động, không kinh doanh vẫn phải đăng ký và đánh dấu vào mục "Cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động" trên hệ thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận