Bà Nguyễn Thị Trung Hoa (bìa phải), kiều bào tại Đức, cùng các kiều bào mỗi người một bông vạn thọ thành kính tưởng niệm các chiến sĩ nhà giàn DK1 hi sinh - Ảnh: N.T.U. |
Ông bà cũng mang theo món quà được chắt chiu từ tiền lương hưu nhiều năm: tặng mỗi điểm đảo một máy lọc nước
Từ hơn 40 năm trước, ông bà rời Việt Nam qua Đài Loan sinh sống, sau đó chuyển sang Nhật, sang Úc và bây giờ định cư ở Mỹ.
Hai người con của ông bà sinh ra ở nước ngoài, bây giờ một người ở Úc, một người ở Nhật, luôn được ông bà khuyên rằng “Hễ có thời gian rảnh, các con hãy về thăm Việt Nam”.
Bên mái nhà chung
Hôm đến đảo chìm Đá Lớn B, xúc động quá, ông bà nước mắt rưng rưng: “Bấy lâu nay tôi chỉ thấy Trường Sa là những chấm trên bản đồ, không ngờ bây giờ mình có diễm phúc được đặt chân lên những hòn đảo tiền tiêu này.
Tôi muốn hai đứa con mình trong tương lai cũng có dịp được đến đây để hiểu thêm về đất nước. Chính giới trẻ như con tôi sẽ là người thay chúng ta nói chuyện với thế giới về chủ quyền biển đảo Việt Nam” - bà Tuyết nói.
Từng tham gia đóng góp cho chương trình “” và “” do báo Tuổi Trẻ phát động, ông bà đề nghị báo Tuổi Trẻ triển khai tiếp chương trình mới để bà con kiều bào như ông bà có thêm dịp góp sức cùng quê nhà hướng về Trường Sa thân yêu.
Với ông Nguyễn Thanh Tòng - kiều bào ở Pháp, nguyên phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, về với Trường Sa là về bên một mái nhà chung.
Ông qua Pháp từ năm 1965 lúc 19 tuổi, tưởng đã xa Việt Nam mãi mãi sau sự kiện tháng 4-1975, không ngờ năm 1978 ông có dịp trở về. Ra Hà Nội ở trong một khách sạn, thấy bức màn bị dơ, một kiều bào Pháp đi cùng ông đã tự tháo màn mang đi giặt.
Khách sạn hỏi tại sao làm vậy, kiều bào ấy nói rằng chị nghĩ khách sạn như nhà mình vậy, thấy dơ thì tự tay giặt giũ. Hình ảnh “nhà mình” đó lại trở về với ông Tòng trong chuyến đi này, khi 70 kiều bào từ khắp nơi tề tựu về đây, ở vùng đảo phên giậu Trường Sa.
“Khi nghe tin chúng tôi về Trường Sa, các bạn du học sinh Việt Nam và kiều bào ở Singapore đã góp sức cùng chúng tôi, ai cũng mong làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho Trường Sa” - Tạ Thùy Liên, trưởng ban điều hành Ban liên lạc cộng đồng người Việt tại Singapore, cho biết.
Điều thật ý nghĩa đó là gì? Là xếp hình 800 trái tim, trên mỗi trái tim là một lời nhắn thiết tha kết thành một lá cờ đỏ sao vàng rộng 2mx1,5m để mang về tặng các chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn.
Doanh nhân Phạm Trung Kiên đã phối hợp cùng các bạn trẻ người Việt tại Singapore đợt này tặng 10 bộ tập thể dục đa năng ngoài trời và một bộ nội thất văn phòng có in hình bản đồ Việt Nam cho các chiến sĩ Trường Sa.
Nói chuyện với các chiến sĩ Trường Sa ở đảo Sinh Tồn, ông Kiên phát một video, trong đó con gái ông nói “Tôi yêu Việt Nam” bằng tiếng Trung Quốc.
Học tiếng Trung Quốc là nhiệm vụ mà ông giao cho con gái để hiểu được Trung Quốc đang nói gì và đang đăng tin tức gì liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Kiều bào tặng sách vở cho học sinh tiểu học ở đảo Sinh Tồn - Ảnh: N.T.U. |
Hãy là những hạt cát Trường Sa
Đã có một Trường Sa rất khác, cụ thể hơn, chân thực hơn, đúng đắn hơn trong mắt các kiều bào khi có mặt ở đây, khác với một Trường Sa có phần phiến diện trong những thông tin chưa đầy đủ mà họ có được trước đây.
Bà Trương Kim Anh, Việt kiều tại Texas (Mỹ), nói ở Mỹ bà nghe tin mất đảo này nọ, nhưng về đi Trường Sa mới thấy không như vậy. “Có thể đó là thông tin của những người chưa đến tận nơi, chưa hiểu rõ tình hình” - bà nói.
Rời Việt Nam từ mấy chục năm trước, nhưng đến nay các con của bà chưa một lần trở về quê hương, bà mong sau chuyến đi của mình, các con sẽ có dịp trở về như bà hôm nay để hiểu hơn quê hương của mình.
Đã có những cam kết, những ý tưởng vì Trường Sa ra đời ngay tại Trường Sa. Ông Tòng rất ấn tượng với những việc làm của các bạn trẻ đoàn Hàn Quốc mang đến Trường Sa lần này.
Ông thảo luận với các nhà khoa học đi trong đoàn để khi về nước vận động tài chính mua thêm máy hút ẩm không khí thành nước ngọt cho các điểm đảo còn lại ở Trường Sa.
Còn ông Huỳnh Công Minh - từng sống và làm việc 45 năm ở Nhật - đã mất ngủ mấy đêm vì hồi hộp trước khi khởi hành đi Trường Sa, thì bây giờ ông lại mất ngủ vì thao thức cần làm điều gì đó cho Trường Sa.
Ông nói: “Với tôi, được ra Trường Sa là một ân huệ. Giờ đây tôi có trách nhiệm phải làm điều gì đó để cảm ơn Trường Sa, cảm ơn những chiến sĩ bảo vệ biên cương”.
Ngoài việc sẽ thông tin nhiều hơn về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trên trang mạng người Việt Nam tại Nhật, vận động người Nhật và báo chí Nhật sát cánh cùng Việt Nam, ông Minh nói sẽ vận động các nhà khoa học Nhật vào cuộc tìm giải pháp cứu san hô đang chết để bảo vệ môi trường sinh thái Trường Sa.
Nhà báo Nguyễn Phương Hùng, tổng biên tập mạng KBC Hải Ngoại, cho rằng 41 năm đã qua từ tháng 4-1975, nếu có sự đồng lòng từ trong ra ngoài, nếu 4,5 triệu kiều bào cùng hướng về Trường Sa - Hoàng Sa như 70 kiều bào trong hải trình đến với Trường Sa lần này thì dù kẻ thù nào, có hung hăng đến đâu cũng không thể lấy được thêm một tấc đất nào của Việt Nam.
Tặng 23 triệu đồng cho các chiến sĩ, ông Hùng nói số tiền này chỉ là hạt cát giữa Trường Sa rộng lớn, và ông mong mỏi kiều bào hãy cùng làm dày thêm những hạt cát đó cho Trường Sa thân yêu.
Gọi tên Gạc Ma Ông Thiều Văn Quang - nhà báo, phó chủ tịch Chi hội người Việt tại Trung tâm thương mại Sa Pa, Praha (Cộng hòa Czech) - vui mừng khôn xiết khi được vào Cô Lin. Ông kể: “Bao nhiêu năm qua đọc báo về Gạc Ma thấy thương lắm. Từ đầu chuyến đi cứ nôn nao đến lúc này để được thấy tận mắt Gạc Ma”. Đến Cô Lin buổi chiều thủy triều lên, những bãi đá san hô lộ dần lên giữa nước trong vắt màu ngọc bích, những tấm lòng xa xứ thấy rằng chủ quyền đảo vẫn được giữ vững, dù cách trước mặt 4 hải lý là Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Không kiều bào nào trong đoàn có thể tưởng tượng được người lính hải quân Việt Nam có thể giữ đảo Cô Lin trong hoàn cảnh như thế. Đảo chỉ là bãi đá nhỏ, một nhà cộng đồng được xây trên đó là nơi làm việc của những người lính hải quân trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt. Trong khi đó, Gạc Ma sau 28 năm bị Trung Quốc chiếm đóng bây giờ đã được bồi đắp thành đảo quy mô, có nhà cao sáu tầng, những công trình hiện đại, quanh đảo là ba tàu chiến bao quanh. Thế là giữa không gian nhỏ bé của đảo Cô Lin, các kiều bào cùng các chiến sĩ của đảo hòa nhịp hát bài “Tổ quốc gọi tên mình...” rồi cùng nhau hô to “Việt Nam! Trường Sa! Gạc Ma!”. Họ như muốn nói với những người lính Trung Quốc đang đóng quân trái phép ở Gạc Ma rằng Gạc Ma vẫn là của Việt Nam, vẫn luôn ở trong tim họ. |
Các kỳ trước: >> Kỳ 1: >> Kỳ 2: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận