Người dân tộc thiểu số ở Hà Giang chăn nuôi gia súc - Ảnh: T.ĐIỂU
Thông tin được TS Hoàng Xuân Lương - giám đốc Trung tâm Quyền con người vùng dân tộc và miền núi - cung cấp tại buổi hội thảo "Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Một số tồn tại, hạn chế và những khuyến nghị".
Hội thảo do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 5-11 tại Hà Nội.
TS Lương - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - giải thích rõ rằng tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số là do nghèo đói nên người dân chuyển nhượng, cầm cố đất đai.
Rồi sau đó họ không có khả năng mua, chuộc lại, hoặc nghèo đói cũng do bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Một nguyên nhân quan trọng khác là các hộ dân chuyển nhượng đất cho người khác vì đất đai được giao quá cằn cỗi không thể canh tác.
Chính phủ có chủ trương rà soát, thu hồi đất các nông lâm trường sử dụng không hiệu quả để giao cho dân, nhưng thực tế chỉ có các nông lâm trường do địa phương quản lý mới thực hiện được việc thu hồi để giao cho dân.
Còn các nông lâm trường do các bộ, ngành ở trung ương quản lý thì 3 năm qua hầu như không thu hồi được để giao cho dân do đất đai này đã được giao về cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý.
Được địa phương giao đất, nhưng tình trạng người dân tộc thiểu số được giao đất đai cằn cỗi những năm qua khá phổ biến do bệnh thành tích khiến các địa phương đua nhau chạy theo số lượng giao đất cho người dân, cố có đất bất kể đất tốt xấu để giao cho dân.
Để trị "căn bệnh" này, TS Lương đề nghị nên xem lại mục tiêu của chính sách giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện. Theo ông, mục tiêu của chính sách này không thể là chăm chăm tìm đất giao cho dân khiến các địa phương cố có đất giao dân bằng mọi cách, mà phải là tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
"Người dân tộc thiểu số được giao đất nhưng bán đi là có phần do lỗi của chúng ta chứ không chỉ lỗi của đồng bào, bởi chạy theo thành tích, giao đất đai cằn cỗi không thể sản xuất thì buộc lòng phải chuyển nhượng", ông Lương giải thích.
Cũng trong chiều 5-11, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV đã ký kết chương trình hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, giúp hai bên thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao liên quan tới các vấn đề về người dân tộc thiểu số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận