02/06/2023 08:41 GMT+7

Nhiều hiến kế tiếp sức doanh nghiệp

Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với các giải pháp thực chất như tháo nghẽn dòng tiền, giảm mạnh thuế và tạo môi trường thông thoáng hơn... là các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra.

Nhiều hiến kế tiếp sức doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải giảm thuế, tăng ưu đãi... để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 1-6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường gặp khó, thủ tục gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh...

Cho vay theo dòng tiền, được không?

Là người trực tiếp gắn bó với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Nguyễn Văn Thân - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho rằng ngoài khó khăn về đơn hàng, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu dòng tiền hoạt động. Do đó, ngay cả khi có đơn hàng, doanh nghiệp cũng không có vốn, thiếu tiền để đầu tư, khôi phục hoạt động sản xuất.

Cơ chế và thủ tục hành chính, theo ông Thân, là những lý do khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều không có tài sản đảm bảo, nhưng đây là điều kiện mà ngân hàng yêu cầu để cho vay vốn, nên doanh nghiệp... lực bất tòng tâm. 

"Tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều, ngân hàng cần xem xét, có cơ chế cho vay tín chấp" - ông Thân đề xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) gợi ý rằng có những doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp, nhưng có hợp đồng, kế hoạch kinh doanh khả thi, có đơn hàng, ngân hàng cần phải mạnh dạn chuyển hướng sang cho vay theo hình thức kiểm soát dòng tiền. 

Ngân hàng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp, đánh giá tính khả thi của kế hoạch kinh doanh, kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp... mà không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo.

Với các dự án bất động sản, ông Cường cho rằng cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từng dự án, chứ không phải siết vốn đồng loạt. Chẳng hạn, với dự án có tính thanh khoản cao, có thể bổ sung thêm nguồn vốn để cho các dự án đó được hoàn thành, giúp giải phóng nguồn tiền ứ đọng từ dự án. 

Với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, đã có gói 120.000 tỉ đồng, cần sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để khi có dự án là rót vốn, triển khai.

"Ngân hàng cần thay đổi phương thức giám sát với khoản vay, dòng tiền để không phải lúc nào cũng yêu cầu tài sản thế chấp. Đây là sự đồng hành giữa nhà băng cấp vốn và nhà sản xuất. Ngân hàng có làm được như vậy mới gỡ khó khăn thực sự. 

Nếu ngân hàng chỉ là người đi buôn tiền mà không hỗ trợ tài chính, song hành với doanh nghiệp sẽ không thể có hiệu quả bền vững" - ông Cường nói.

Trong khi đó, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, một số quy định mới được ban hành lại làm gia tăng thêm chi phí. Dẫn thông tin 14 hiệp hội vừa gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng về cách tính định mức về tái chế các sản phẩm bao bì sản xuất nhập khẩu, số tiền phải nộp cho quỹ bảo vệ môi trường..., ông Hiếu cho rằng "các quy định như vậy làm cho doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn".

Thời điểm thích hợp để "khoan sức dân"

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại biểu Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thừa nhận kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm nay rất khó khăn. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm, niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp.

Tính chung, 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt con số 95.000, giảm 3,7% so với cùng kỳ, còn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88.000, tăng đến 22,6%.

Phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Ngoài lý do nhu cầu tiêu dùng tại các nước thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, còn do thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước bị đóng băng, gây tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ nần gia tăng, sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút...

Do đó, theo nhiều đại biểu, Chính phủ cần cấp bách đưa ra những giải pháp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập và khó khăn của doanh nghiệp. Các chính sách này cần đi vào thực chất và thực thi hiệu quả. 

Cụ thể, theo ông Lộc, cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn, bởi lạm phát tại Việt Nam đang giảm nhanh, cán cân thương mại đang thặng dư lớn, còn nợ công mới ở mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do Quốc hội quy định.

"Dư địa của các chính sách tài khóa - tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khóa của chúng ta còn lớn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, hỗ trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào" - ông Lộc nói và cho rằng các đề xuất như tăng giá điện, tăng thuế mặt hàng nước uống có đường, áp chi phí tái chế bao bì cho các ngành sản xuất nên dừng lại...

"Việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới nên mở rộng ra tất cả các ngành hàng, và kéo dài ít nhất 1 năm, không nên chỉ bó gọn trong vài ngành hàng và thực hiện trong 6 tháng", ông Lộc đề xuất và yêu cầu giải quyết nhanh chóng hơn các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.

Đại biểu Hiếu cũng cho rằng Chính phủ cần kiểm soát chặt việc ban hành các văn bản làm gia tăng gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp, hoãn ngay các văn bản đã ban hành gây khó cho doanh nghiệp. 

"Với vấn đề chưa nguy cấp, không bắt buộc phải ban hành ngay thì không nên ban hành. Trường hợp nếu ban hành phải tính toán đến hỗ trợ chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp trong tuân thủ quy định", ông Hiếu nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):

Phải mạnh dạn giảm thêm lãi suất

Khi lạm phát được kiểm soát tốt rồi, đã xuống 3,5% rồi, lúc đó chúng ta phải nhanh chóng hạ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục hạ lãi suất, phải chung sức, hy sinh lợi nhuận để mạnh dạn cắt giảm lãi suất nhiều hơn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Khi các quy định chưa được hoàn thiện, việc các thành viên Chính phủ xuống thực tiễn vừa gỡ điểm nghẽn, nhưng đồng thời cũng hỗ trợ các địa phương để giải quyết những vấn đề mà địa phương đang vướng là rất cần thiết.

Nhưng về lâu dài, chúng ta phải dành thời gian nhiều hơn để rà soát hệ thống pháp luật, đảm bảo có sự đồng bộ, dễ triển khai. Điều này cần phải có sự đồng bộ, các bộ, ngành phải tích cực hơn trong việc trả lời các văn bản của các địa phương.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM):

Dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp

Ngoài các chính sách miễn, giảm thuế, chính sách tiếp cận tín dụng của năm lĩnh vực ưu tiên, Chính phủ cần nghiên cứu triển khai thêm giải pháp linh hoạt hơn trong điều hành ngân sách nhà nước.

Theo đó, cần linh động điều chỉnh cơ cấu chi giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, dành nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mất việc làm, đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Cần điều chỉnh quy chế cho vay các đối tượng ưu tiên, tổ chức tín dụng cần xem xét đến tính khả thi của phương án kinh doanh, của dự án để xem xét việc hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp vay vốn hoặc có cơ chế bảo lãnh các đối tượng này khi xem xét, quyết định cho vay.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam):

Ưu đãi, cần chính sách căn cơ hơn

Đang có những yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi...

Do đó, cần nghiên cứu để có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.

NGỌC AN - T.LONG

Cấp bách tiếp sức cho doanh nghiệpCấp bách tiếp sức cho doanh nghiệp

Cần Quốc hội đưa ra những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực chất và hiệu quả hơn, mang tính dài hơn và bền vững để ngăn tình trạng giải thể, phá sản và làn sóng 'bán mình' của doanh nghiệp có nguy cơ lan rộng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp