27/04/2024 13:25 GMT+7

Nhiều hiến kế 'giải khát' cho Đồng bằng sông Cửu Long

Hàng loạt giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý hiến kế nhằm 'giải khát' cho Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt.

Các sông ở Cà Mau khô cạn nước đã gây ra hơn 600 điểm sạt lở, sụt lún đất làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng (ảnh chụp ngày 24-4) - Ảnh THANH HUYỀN

Các sông ở Cà Mau khô cạn nước đã gây ra hơn 600 điểm sạt lở, sụt lún đất làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng (ảnh chụp ngày 24-4) - Ảnh THANH HUYỀN

Đó là nội dung của hội thảo "Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Trường đại học Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 26-4.

Ông Nguyễn Hải Linh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Cửu Long Capital - cho rằng, hệ thống cấp nước từ các nhà máy cấp nước ở ĐBSCL được xây dựng theo công nghệ chỉ phù hợp với nguồn nước ngọt và không thể thích ứng với sự thay đổi về độ mặn của nguồn nước trong thời gian kéo dài.

Vì vậy, việc tìm ra giải pháp cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu trong mùa khô hạn là yêu cầu cấp bách của các tỉnh ĐBSCL.

Tìm mọi cách để trữ nước

Ông Nguyễn Hải Linh cho hay công ty đã nhiều năm xây dựng nhà máy thích ứng với hai đầu vào: nước ngọt và nước nhiễm mặn.

"Ở nhà máy, nếu nước đầu vào là nước ngọt thì sẽ xử lý an toàn rồi đưa đến các trạm cấp nước, trung tâm cấp nước sạch nông thôn, công ty cấp nước của tỉnh để dẫn đến cung cấp các hộ dân.

Còn nguồn vào là nước bị nhiễm mặn thì chúng tôi sẽ thực hiện chuyển đổi trạng thái hệ thống nước này qua hệ thống lọc mặn theo công nghệ châu Âu để lọc nước mặn và tạp chất gây ô nhiễm... và cuối cùng thành nước ngọt", ông Linh thông tin.

Chia sẻ thêm, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, góp thêm nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu nước hiện nay như trữ nước trong hệ thống kênh rạch thì có khả năng đạt 2,5 đến 3 tỉ m3; trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây và trữ nước trên ruộng (đối với lúa) trước thời điểm có đợt xâm nhập mặn.

Ông Quỳnh cho rằng ngoài các biện pháp trữ nước truyền thống cũng lưu ý trữ bằng thủy lợi nội đồng mà theo đó hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất.

Còn PGS.TS Lê Anh Tuấn (giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Trường đại học Cần Thơ) ví von ĐBSCL như cơ thể con người thì nguồn nước chính là mạch máu, do đó phải bảo vệ sự điều hòa, lưu thông của mạch máu của một con người.

Dẫn số liệu nghiên cứu vùng tứ giác Long Xuyên năm 2000 canh tác 53.000ha lúa thì còn giữ 9,2 tỉ m3 nước. Năm 2012, diện tích lúa canh tác ba vụ tăng lên với 403.000ha. Đến năm 2015, vùng này còn chứa 4,5 tỉ m3 nước, tức mất khoảng 4,7 tỉ m3.

Trong khi đó, một nghiên cứu cho thấy với 1m3 nước Việt Nam tạo ra giá trị trong trồng lúa là khoảng 2,37 USD, chỉ bằng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu (19,42 USD), thấp hơn cả Lào (2,53 USD), Campuchia (8,22 USD). "Đây là cái mà chúng ta cần suy nghĩ, sử dụng quá nhiều cho cây lúa có cần thiết không vì tạo ra giá trị quá thấp", ông Tuấn đặt vấn đề.

Do đó, ông Tuấn cho rằng cần khôi phục vùng ngập nước Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên vốn đã được vây kín bằng đê bao để làm lúa ba vụ, đồng thời với giải pháp tiết kiệm nước, sử dụng nước tuần hoàn và hướng tới các giải pháp thuận thiên để phù hợp với điều kiện của hiện nay.

Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan - đánh giá ĐBSCL đang đối diện nguy cơ rất lớn về thiếu hụt nguồn nước trong tương lai do vấn đề quản trị nguồn nước từ thượng nguồn và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ông Huy lại đưa ra những số liệu cho thấy vấn đề không phải là câu chuyện ĐBSCL thiếu nước mà là làm sao để giữ nước, trong đó có nước "trời cho". Cụ thể, ông Huy cho rằng với lượng mưa 2.100mm trong năm là rất lớn và có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL nhưng vì sao chưa được đưa vào kế hoạch, có quy hoạch để sử dụng nguồn nước này.

"Ở dưới sông thì có nước, ở trên trời thì có mưa, vấn đề là chúng ta chưa giữ được nước", ông Huy nói.

Ông Huy cho rằng nếu không có giải pháp đưa nguồn nước về, đến khi thiếu nước thì người dân khoan giếng lấy nước ngầm. Dẫn câu chuyện hạn mặn ở Long An gay gắt, địa phương đề xuất xả hồ Dầu Tiếng và thực tế đã xả 7 triệu m3 từ hồ này để cứu vùng hạ lưu nhưng do xả vào sông nên hiệu quả không cao.

Theo ông Huy, việc đầu tư đường ống kín hay xả nước vào sông là "bài toán cần tính tới". Giải quyết vấn đề nước cho vùng ĐBSCL không chỉ là vấn đề trước mắt mà cần có "tầm nhìn trăm năm" để có kế hoạch đầu tư.

Bên trong các cống ngăn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) với biển giờ đã khô cằn - Ảnh: SƠN LÂM

Bên trong các cống ngăn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) với biển giờ đã khô cằn - Ảnh: SƠN LÂM

Muốn sống chung phải hiểu hạn mặn

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng trước đây ĐBSCL chỉ có khái niệm "sống chung với lũ" thì sau nhiều đợt hạn hán, xâm nhập mặn trong một thập niên qua cho thấy đã đến lúc phải có giải pháp, mô hình thích ứng để "sống chung với hạn, mặn".

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng trước năm 2016 thì 100 năm hạn mặn khốc liệt mới xuất hiện một lần nhưng trong vòng 10 năm qua đã có ba lần hạn mặn khốc liệt lặp lại, do đó câu chuyện sống chung với hạn mặn là vấn đề không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Hiệp lưu ý rằng "sống chung với ai đó thì hiểu mới sống chung được". Theo ông Hiệp, muốn sống chung với hạn mặn thì ít nhất cần nhận thức chia ra năm loại nước để ứng xử khác nhau và ứng xử phù hợp.

Tán thành với vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, cho biết trước khi nói về giải pháp tìm nguồn nước thì phải thảo luận nhu cầu nước, từ đó mới có cơ sở tính toán, giữ nguồn nước, tạo nguồn nước cho đủ nhu cầu.

"Chẳng hạn như nước sạch cho sinh hoạt, cho công nghiệp, dịch vụ hay cho nông nghiệp, thủy sản. Chúng ta có quy hoạch phát triển bền vững ĐBSCL được Chính phủ thông qua năm 2022, trên cơ sở đó xác định nhu cầu nước. Không chỉ là nước ngọt mà còn có nước lợ, nước mặn từ biển. Từ nguồn nước đó, chúng ta xác định trữ lượng mà trữ lượng này biến động theo không gian, thời gian, nhu cầu sinh thái khác nhau", ông Trung nói.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ông Phạm Tấn Đạo (chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng):

Trữ nước và tưới tiết kiệm sao cho hiệu quả?

Ông Phạm Tấn Đạo

Ông Phạm Tấn Đạo

Đối với tỉnh Sóc Trăng năm nay hạn mặn tương đối gay gắt, tuy nhiên tỉnh có cảnh báo trước. Địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch và kịch bản để ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã áp dụng mô hình tích trữ nước và mô hình tưới tiết kiệm để vận động người dân thực hiện và chống mặn trong thời gian diễn ra hạn mặn.

Mô hình trữ nước được thực hiện ở những vùng nhạy cảm xâm nhập mặn như vùng Long Phú - Tiếp Nhựt và vùng Kế Sách.

Còn đối với vùng cây ăn trái như Kế Sách thì nông dân áp dụng mô hình tưới tiết kiệm để vượt qua thời gian hạn hán. Công ty TNHH một thành viên thủy lợi miền Nam phối hợp với các tỉnh như Hậu Giang, Bạc Liêu điều hành công trình thủy lợi hợp lý để chúng ta cấp nước ngăn mặn có hiệu quả trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp trong thời gian sắp tới.

Ông Dương Tấn Hiển (phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ):

Xây dựng các tuyến đê ngăn mặn, cổng hở điều tiết nguồn nước

Ông Dương Tấn Hiển

Ông Dương Tấn Hiển

TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp như quy hoạch tài nguyên nước, lập phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Điều tiết nước cho sản xuất, đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm an ninh nguồn nước.

Tích nước, trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý an ninh nguồn nước.

Tuy nhiên, nên tập trung xây dựng các tuyến đê ngăn mặn, cổng hở điều tiết nguồn nước, nạo vét kênh rạch để tăng cường khả năng tích trữ nguồn nước đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời phát triển hệ thống trữ nước quy mô vùng và phân tán để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô. Tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong trong quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mekong bền vững.

Ông Lê Văn Sử (phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau):

Thay đổi nhận thức sử dụng nước

Ông Lê Văn Sử

Ông Lê Văn Sử

Giải pháp ưu tiên trước mắt của tỉnh Cà Mau là tập trung những vùng vừa khó khăn về nước ngầm vừa khó khăn trong vận chuyển bằng cách hỗ trợ cho người dân phương tiện, thiết bị trữ nước.

Còn đối với các hộ dân ở vùng có thể kéo dài hệ thống cấp nước thì khẩn cấp kéo hệ thống cung cấp để người dân vượt qua mùa khô hạn.

Tuy nhiên về lâu về dài phải tính căn cơ hơn vì khó khăn nước ngầm đã hiển hiện và tần suất hạn hán dự báo sẽ nhiều hơn.

Giải pháp trước tiên làm cho người dân thay đổi nhận thức, phải hiểu rằng nguồn nước không phải là vô hạn và phải biết sử dụng tiết kiệm, tích trữ nước. Thực tế ở những vùng thiếu nước hiện nay thì lại thừa nước vào mùa mưa.

Tìm kiếm các mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất sử dụng ít nước hơn, sản xuất tích trữ lại nước nhiều hơn. Trồng lúa thì không có điều kiện trữ nước lại bằng nuôi cá, nếu như chúng ta chuyển sang nuôi cá sẽ trữ được nước.

Vì sao dân Trà Vinh ít thiệt hại bởi hạn mặn?

Nông dân Trà Vinh hồ hởi khoe việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại để cập nhật nhanh tình trạng mặn thông qua hệ thống quan trắc, nhiều chuyên gia từ Israel chia sẻ mong muốn khảo sát và giải quyết hạn mặn ở ĐBSCL... là những câu chuyện thú vị gây chú ý ở hội thảo.

Hội thảo đã tổ chức một tọa đàm ngắn về câu chuyện chống hạn, mặn của Trà Vinh. Đây là tỉnh nằm trong phạm vi ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, hạn mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiếu nước tưới.

Cống Rạch Ông ở xã Vân Khánh Đông (huyện An Minh) được Kiên Giang đầu tư bài bản, chắc chắn nhưng vẫn nằm im vì chưa có điện ba pha vận hành đóng ngăn mặn - Ảnh: CHÍ CÔNG

Cống Rạch Ông ở xã Vân Khánh Đông (huyện An Minh) được Kiên Giang đầu tư bài bản, chắc chắn nhưng vẫn nằm im vì chưa có điện ba pha vận hành đóng ngăn mặn - Ảnh: CHÍ CÔNG

Nhiều chuyện thú vị về giải quyết hạn mặn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đợt hạn mặn mùa khô 2019 - 2020 tỉnh này ước thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong đó, cây lúa bị thiệt hại nặng nhất với 919 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hàng chục ha hoa màu và hơn 271ha cây ăn trái trong tỉnh cũng bị thiệt hại trên 30% diện tích. Hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 làm hàng ngàn hộ dân nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt.

Tuy nhiên đến mùa khô 2024, dù nằm giáp biển và chịu ảnh hưởng khá sớm, mặn trên các nhánh sông Hậu và sông Cổ Chiên tăng cao từ tháng 3 và kéo dài đến nay, nhưng điều khiến người dân tại nhiều địa phương ở miền Tây bất ngờ là mùa khô năm nay hầu hết diện tích cây trồng và vật nuôi tại tỉnh Trà Vinh vẫn được bảo vệ an toàn.

Ông Diệp Như Bình - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh - chia sẻ hiện nay hệ thống cống thủy lợi tại tỉnh này đang phát huy hiệu quả giải quyết hạn mặn cho hơn 23.000ha lúa đông xuân, chiếm 37% diện tích lúa đông xuân của toàn tỉnh.

"Bên cạnh đó còn là cách vận hành hợp lý các công trình và các phương án mà địa phương đưa ra như kế hoạch phòng chống hạn mặn, lịch xuống giống đồng bộ phù hợp đến từng khu vực cụ thể", ông Bình chia sẻ.

Anh Dương Văn Tâm - nông dân ở cù lao Long Trị, tỉnh Trà Vinh - cho biết độ mặn của nước vào mùa khô luôn là nỗi lo của nông dân. "Có thời gian tui phải đi nếm thử độ mặn để tự xem nước có đưa vào sản xuất được không. Sau này, nhờ có ứng dụng Rynan Mekong tải về trên điện thoại nên tui theo dõi nguồn nước khỏe re", anh Tâm kể về lý do mình vẫn thành công với vụ lúa đông xuân vừa qua.

Xây nhà máy khử mặn và tái chế nước thải

Kết nối trực tiếp đến hội thảo "Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL", ông Ronny - phó chủ tịch, chuyên gia nước, kỹ thuật trưởng, giám đốc phát triển Tập đoàn P2W từ Israel - đã giới thiệu về công nghệ khử mặn tiên tiến mà đất nước này đang sử dụng. Hiện tại, Israel đã xây dựng 5 nhà máy khử nước biển với tổng công suất 786 triệu m3 mỗi năm, tương đương khoảng 85% nhu cầu của đất nước.

Ông Ronny cho biết công nghệ khử mặn tiên tiến của Israel sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và thu hồi năng lượng đặc biệt. "Với 2/3 diện tích là sa mạc, chúng tôi xử lý gần như toàn bộ nước thải và tái sử dụng cho mục đích công nghệ và tưới tiêu, thủy lợi. Bao gồm các phương án xử lý sinh học, vật lý, hóa học, điện... và các giải pháp xử lý tiên tiến khác có tỉ lệ thu hồi cao nhất", ông Ronny nói.

Chia sẻ thêm đến hội thảo, ông Palmach Zeenvy - chủ sở hữu Tập đoàn P2W - chia sẻ: "Chúng tôi khuyên các bạn nên xây dựng ngay các nhà máy khử mặn ở miền Nam Việt Nam và bổ sung khả năng tái chế nước thải để phục vụ nhu cầu nông nghiệp. Tôi sẵn sàng lập một phái đoàn có chuyên môn gồm các công ty tốt nhất Israel để đến đánh giá.

Chúng tôi có thể áp dụng bí quyết sâu rộng của Israel vào Việt Nam để giải quyết các vấn đề thiếu hụt nước uống, nước sinh hoạt cũng như nước cho tưới tiêu, sản xuất".

Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL: Vì sao càng chống, mặn càng gay gắt?Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL: Vì sao càng chống, mặn càng gay gắt?

Chiều 26-4, báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp