Nhiều nhà mạng vẫn phát sóng 2G trong khi hầu hết người dân TP đều sử dụng điện thoại 4G-5G - Ảnh: TỰ TRUNG
Tình trạng tin nhắn mạo danh thương hiệu và các loại hình lừa đảo khác qua tin nhắn SMS vẫn tấn công người dùng di động. Các nhà mạng vẫn "bó tay" và ngày càng nhiều người dùng tiếp tục có nguy cơ bị lừa đảo mất tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ mạng…
Nhiều tấn công qua sóng mạng 2G
Ngày 20-3, nhận được tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng vừa có biến động, đồng thời đề nghị truy cập vào đường liên kết cho sẵn để xác thực, anh Hoàng Thiên (TP Thủ Đức) bức xúc: "Tôi lại tiếp tục nhận được tin nhắn mạo danh ngân hàng. Đây không biết là lần thứ bao nhiêu rồi". Cũng như anh Thiên, nhiều người dùng khác vẫn bị tin nhắn mạo danh gửi đến hòng giăng bẫy.
Ngày 18-3, thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) chủ trì đã phát hiện 3 đối tượng lắp đặt, sử dụng trái phép trạm phát sóng di động BTS tại TP.HCM. Các đối tượng khai nhận được người Trung Quốc giao cho các trạm BTS và thuê phát tán tin nhắn rác tại khu vực có nhiều người qua lại ở quận Tân Bình và quận 12.
Theo cơ quan chức năng, thiết bị mà các đối tượng sử dụng ngoài việc gây can nhiễu tần số vô tuyến điện, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông, ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của người dân còn có thể thực hiện một số hành vi có tính chất nguy hiểm, có tác động ảnh hưởng lớn như: phát tán tin nhắn rác (trung bình đến 80.000 tin/ngày); có khả năng giả mạo tin nhắn từ cơ quan nhà nước, ngân hàng, giả mạo thuê bao di động của tổ chức, cá nhân… để lừa đảo người dân (như giả ngân hàng yêu cầu người dân cung cấp tài khoản, mật khẩu); quảng cáo dịch vụ, tin nhắn giới thiệu các trang web cờ bạc; phát tán tin nhắn chống phá Nhà nước, kích động bạo lực...
Đầu năm 2021, có nhiều tin nhắn mạo danh ngân hàng tấn công người dùng, đã có cảnh báo chiêu trò sử dụng thiết bị phát sóng di động giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster) để gửi tin nhắn rác mà không thông qua mạng viễn thông di động.
Các tin nhắn này bị các đối tượng thay đổi thông tin nguồn gửi (số điện thoại, đầu số hoặc tên định danh) nhằm mục đích tạo lòng tin, đánh lừa người dùng. Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo giống như các website chính thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin của người dùng như tài khoản, mật khẩu, mã OTP…
Rất nhiều người bị lừa do tin nhắn mạo danh ngân hàng. Cục An toàn thông tin khẳng định nguyên nhân của tình trạng mạo danh tin nhắn ngân hàng là do tội phạm mạng đã làm giả các trạm phát sóng BTS để gửi tin nhắn trực tiếp đến người dùng, không hề thông qua nhà mạng.
Nhiều hệ lụy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, kỹ sư mạng của một doanh nghiệp viễn thông (đề nghị không nêu tên) cho biết chiêu trò phát tán tin nhắn mạo danh nêu trên được tội phạm mạng thực hiện chủ yếu qua sóng mạng 2G.
Hầu hết điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay đều hỗ trợ sóng mạng 2G, kể cả smartphone cao cấp, trong khi "mạng 2G có thủ tục đăng nhập và kết nối đơn giản nên mọi điện thoại hỗ trợ đều có thể kết nối dễ dàng đến trạm hoặc thiết bị phát sóng giả mạo. Do đó, tội phạm chủ yếu phát tán tin nhắn đến thiết bị người dùng qua sóng mạng 2G", vị kỹ sư cho biết.
Theo nhiều nghiên cứu từ các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G đã được xem là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng giúp tội phạm mạng có thể xâm nhập, nghe lén cuộc gọi, chèn tin nhắn… Tại Việt Nam, ngoài thực trạng nêu trên, nhiều người dùng vẫn còn phải "điên đầu" bởi cước phí cao ngất khi chẳng may sử dụng dịch vụ kết nối dữ liệu GPRS trên mạng 2G.
Bên cạnh đó, về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm "chỗ" băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G, 6G… Do đó, việc "tắt" sóng 2G được xem là bắt buộc và được thực hiện sớm chừng nào tốt chừng đó.
Khó tắt sóng ngay trong năm 2022
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Bộ TT&TT đã đề xuất phương án dừng phát sóng 2G từ năm 2023, thậm chí là ngay từ năm 2022 nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển băng tần của 2G cho các công nghệ mạng tiên tiến hơn như 4G, 5G. Trong đó, một trong những việc quan trọng cần làm là giảm số lượng người dùng sử dụng điện thoại 2G.
Bộ này cũng ra quy định cấm nhập khẩu điện thoại 2G từ ngày 1-7-2021, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong nước sản xuất smartphone giá rẻ để bán, thậm chí tặng cho người đang chỉ sử dụng điện thoại 2G.
Bộ TT&TT đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là thúc đẩy chuyển đổi sử dụng smartphone và dừng công nghệ di động cũ. Mục tiêu đến tháng 12-2022 chỉ còn 5% dùng điện thoại 2G.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một nhà mạng di động cho biết "vẫn chưa nghe thông tin gì về kế hoạch tắt sóng 2G". Nhiều khả năng việc dừng phát sóng di động 2G sẽ chưa thể thực hiện ngay trong năm 2022.
Nhiều nhà mạng vẫn phát sóng 2G - Ảnh: TỰ TRUNG
Dùng 3G vẫn bị lừa qua 2G, vì sao?
Với tình trạng mạng 3G, 4G đang "tràn sóng" ở các khu vực đô thị, thành phố lớn, tội phạm mạng sẽ dùng "chiêu" để buộc điện thoại phải kết nối "xuống" băng tần 2G. Cụ thể, hầu hết thiết lập mặc định trên các smartphone hiện nay đều hỗ trợ nhiều sóng mạng theo thứ tự ưu tiên 4G/3G/2G khi kết nối.
Do đó, khi điện thoại đang kết nối vào các trạm phát sóng 3G, 4G, tội phạm mạng sẽ dùng thiết bị phát sóng cùng băng tần để làm nhiễu sóng 3G, 4G, khiến điện thoại người dùng tự động tìm đến trạm phát sóng gần nhất có thể kết nối để duy trì liên lạc.
Đây là lúc trạm phát sóng 2G giả mạo của tội phạm mạng đang chờ sẵn và kết nối nhanh chóng với thiết bị của người dùng. Từ đó, tội phạm mạng thoải mái phát tán tin nhắn đến các thuê bao kết nối vào trạm BTS do mình dựng lên.
Dễ bị lấy cắp thông tin
Mới đây, tại cuộc trao đổi trực tuyến giữa các ngân hàng và 3 nhà mạng di động lớn tại Việt Nam (Viettel, VNPT và MobiFone) về việc điều chỉnh tính phí dịch vụ SMS, các nhà mạng cũng khẳng định tin nhắn giả mạo ngân hàng không phải do lỗi của các nhà mạng mà do thiết bị phát sóng giả mạo của tội phạm mạng.
Đồng thời, do các điện thoại tại Việt Nam hiện vẫn chấp nhận giao thức công nghệ mạng 1G, 2G… có độ bảo mật thấp nên dễ bị lấy cắp thông tin.
Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt châu Á, đã tắt sóng 2G. Chẳng hạn, Nhật Bản đã tắt sóng 2G từ năm 2011. Tại Singapore, các nhà mạng M1, Singtel và StarHub hoàn thành việc tắt sóng 2G trong năm 2017. Tại Trung Quốc, nhà mạng China Unicom thông báo tắt 2G vào tháng 12-2021.
Lý giải chữ 2G, 3G
Chữ cái "G" là từ viết tắt của Generation, nghĩa là thế hệ. 2G là tiêu chuẩn mạng di động thế hệ thứ 2, 5G là thế hệ thứ 5. Thế hệ mạng 1G được sử dụng lần đầu tiên từ năm 1981.
Mạng 2G ra đời năm 1991. Mạng 3G bắt đầu hoạt động năm 2001. Mạng 4G ra đời vào năm 2009 và mạng 5G được sử dụng lần đầu vào năm 2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận