PGS.TS Trần Thị Mai Phương trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó là một trong nhiều câu chuyện được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia chủ đề "Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay" diễn ra sáng 8-6 tại TP.HCM.
"Thuyết trình: chỉ đọc các slide"
PGS.TS Trần Thị Mai Phương, khoa lý luận - chính trị Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng ngoài tình yêu nghề, yêu lớp trẻ, đạo đức của nhà giáo quan trọng còn nằm ở việc truyền đạt học thuật cho học sinh một cách tâm huyết và hiệu quả nhất.
"Một số người có lý tưởng nghề nghiệp không? Họ có. Có thương yêu học sinh không? Có. Nhưng họ lại dạy không ra gì. Chẳng hạn, bây giờ nhiều thầy cô mượn danh đổi mới phương pháp nhưng thật ra là chẳng làm gì!" - cô Phương nói.
Cô Phương đưa ví dụ: nhiều lớp học trước đây tổ chức theo hình thức "thầy nói từ đầu đến cuối", khi đổi mới thầy bắt học trò chia nhóm, lấy sách ra đọc dựa theo những câu hỏi cho sẵn. Đến 15 phút nữa hết giờ, thầy mới bắt đầu cho học sinh trả lời câu hỏi và nhận xét.
Hay một số thầy cô trước đây chưa bao giờ sử dụng máy chiếu, thì nay mở cho sinh viên xem hẳn một đoạn phim dài... 30 phút, thậm chí hơn.
Thầy tự xem đó là một sự đổi mới, nhưng mà sau tất cả phải xem học trò đạt được cái gì. Hóa ra khi đổi mới phương pháp, nhiều giáo viên quá nhàn mà học sinh chẳng biết gì?
PGS.TS Trần Thị Mai Phương
Một trong nhiều nguyên nhân là do thầy cô chưa nắm kỹ các phương pháp giảng dạy mới, không được trang bị các kỹ năng thực hiện các phương pháp ấy.
"Trước đây khi ngồi nghe phần giảng bài của các em giảng sinh, tôi chỉ sợ các em lố giờ, còn bây giờ 25 phút là thấy các em hết biết nói gì rồi" - cô Phương nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Tế - giảng viên cao cấp ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), chủ tọa buổi hội thảo - đồng tình: "Ở thời chúng chúng tôi, thuyết trình phải có một nền tảng kiến thức, giờ thuyết trình chỉ đọc các slide. Tôi thấy chuyện này tràn lan lắm".
Chuẩn đạo đức ở đâu?
TS Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, bày tỏ băn khoăn về chuẩn đạo đức nhà giáo ngày nay. Theo ông, không thể "bê" chuẩn đạo đức ngày xưa, hay không thể lấy cái chuẩn 3.0 về trước để đánh giá nhà giáo trong thời đại 4.0.
"Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có chuẩn nào thật sự để đánh giá. Bộ đưa ra các tiêu chuẩn cũng chung chung, chưa thể đáp ứng nhu cầu hiện tại" - TS Giang nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Hồ Quang Huy - giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu - cho rằng bộ vẫn kêu gọi "chuẩn đạo đức" một cách chung chung và khác xa với thực tiễn.
TS Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, tại buổi hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trong khi đó, TS Ngô Phan Anh Tuấn - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM - cho rằng đạo đức là phạm trù lịch sử, không phải phạm trù vĩnh viễn, do đó từng thời kỳ phải có một chuẩn đạo đức hợp lý.
Không chỉ thế, ranh giới chuẩn mực là mong manh, với các địa phương cũng có thể khác nhau.
Ông ví dụ cũng với vấn đề la mắng học sinh, những gia đình nông dân, những người đi làm xa thường nhắn gửi: "Cô ráng la mắng la rầy con em", còn những gia đình nhà giàu lại bao bọc con hơn và không chấp nhận được việc la mắng đó.
Còn theo TS Nguyễn Trúc Thuyên - Trường ĐH Ngoại ngữ ĐH Đà Nẵng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm về cơ bản bị xem nhẹ.
Nội dung này chỉ được tích hợp với các môn học như tâm lý học đại cương, giao tiếp sư phạm, giáo dục học, nhập môn nghề giáo…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận