15/03/2022 14:45 GMT+7

Nhiều F0 ra đường, nay quy định không cho, được không?

THÙY DƯƠNG - PHẠM TUẤN - LAN ANH
THÙY DƯƠNG - PHẠM TUẤN - LAN ANH

TTO - Ngày 14-3, Bộ Y tế có hướng dẫn cho F0 ra khỏi nhà, sau đó lại 'đính chính' F0 chỉ được ra khỏi phòng gây nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, dù Bộ Y tế có cho F0 ra khỏi nhà hay không thì trong thực tế nhiều F0 vẫn buộc phải ra đường.

Nhiều F0 ra đường, nay quy định không cho, được không? - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhi là F0 đến khu khám sàng lọc COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 1 khám bệnh - Ảnh: THÙY DƯƠNG

'F0 nhan nhản ngoài đường"

Chị P.T.T., 43 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM, biết mình là F0 nhưng vẫn buộc phải đeo khẩu trang ra khỏi nhà để đi khám bệnh.

Chị T. kể chị có nhiều triệu chứng như tức ngực, khó thở, sốt. Test nhanh thấy mình là F0, chị  liên hệ với trạm y tế nơi cư trú thì được hướng dẫn "tốt nhất chị nên đến bệnh viện để khám lại, khi có kết quả từ bệnh viện thì báo lại cho trạm y tế".

Chị T. đã đeo khẩu trang và đến bệnh viện gần nhà khám. Kết quả PCR của chị là dương tính với COVID-19, chỉ số CT 20, kết quả xét nghiệm máu và chụp X-quang phổi bình thường.

Không riêng chị T., nhiều trường hợp F0 cảm thấy lo lắng đều đến các bệnh viện để khám. Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết hiện mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhi là F0, đã test dương tính tại nhà hoặc có giấy xác nhận dương tính từ các cơ sở y tế khác đến khám.

Trong số 200 bệnh nhi F0, không ít ông bố bà mẹ đưa con đi khám cũng là F0.

Như vậy, chỉ riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 F0 từ nhiều nơi đến khám, chưa kể hàng chục bệnh viện, phòng khám khác trên địa bàn TP.HCM. Trong thực tế có rất nhiều F0 phải ra khỏi nhà để đi khám bệnh.

Ngoài ra, nhiều F0 không có triệu chứng cũng "vô tình" ra đường. Ông N.T.T., 56 tuổi, ngụ ở quận Tân Bình, TP.HCM, là một ví dụ.

Ông T. kể lúc đầu con ông bị F0, sau đó đến vợ ông, còn ông không có triệu chứng gì. Nghĩ mình không bị nhiễm bệnh, cách ly tốt, hằng ngày ông vẫn ra ngoài để mua đồ ăn về cho vợ con.

Con ông sau đó đã gọi xét nghiệm PCR cho cả nhà, kết quả ông cũng dương tính. Suốt những ngày sau đó ông đều không có triệu chứng gì nhưng vẫn tuân thủ cách ly, song trước đó ông đã nhiều lần ra khỏi nhà khi đã là F0...

Luật không cho, nhưng...

Tối 14-3, Bộ Y tế đã lên tiếng "đính chính" về thông tin F0 sẽ được ra khỏi nhà. Theo Bộ Y tế, cách hiểu cho F0 ra khỏi nhà là "hiểu nhầm".

Cụ thể, "nơi cách ly" trong hướng dẫn trước đó của Bộ Y tế cần được hiểu là phòng cách ly trong nhà, F0 được rời khỏi phòng cách ly và đi lại trong nhà, với điều kiện đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách với người trong nhà, không phải cho phép F0 rời khỏi nhà.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều F0 vẫn ra ngoài, đi làm, đi chợ, đi chơi, đi mua thuốc, đi test COVID-19, "đi xác nhận F0"…

Sáng 15-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Lã Thị Lan - phó giám đốc CDC Hà Nội - cho biết theo luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thì những trường hợp truyền nhiễm nhóm A phải cách ly, không được ra ngoài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay "vì hoàn cảnh bắt buộc" nên một số F0 vẫn đi ra ngoài.

"Hiện nay số lượng F0 quá lớn, ngành y tế không thể chăm sóc tất cả tại nhà được, khi cần xét nghiệm thì F0 có thể đeo khẩu trang đi thẳng tới nơi khám bệnh và không tiếp xúc với ai trên đường đi. Theo luật truyền nhiễm là không được như thế, nhưng thực tế hiện nay có một số F0 vẫn đi ra ngoài khám bệnh bởi trong những tình thế bắt buộc", bà Lan nói.

Bà Lan nêu ví dụ, có một số gia đình hiện tất cả thành viên đều là F0, thì trong số các ca dương tính đó phải có một người đi lấy thuốc.

"Không trừ trường hợp có một số người dân rất vô ý thức, là F0 nhưng vẫn đi ăn nhậu bình thường, hay một số thanh niên nhiễm bệnh không có triệu chứng nên có tâm lý coi thường, đi ra ngoài làm lây lan dịch bệnh. Với những người không có ý thức, cố tình làm lây lan dịch bệnh như thế này thì buộc phải áp dụng pháp luật để răn đe", bà nói. 

Về những biện pháp quản lý điều trị, cách ly F0 tại nhà, ngoài sự giám sát của chính quyền địa phương, tổ COVID cộng đồng, vị lãnh đạo CDC Hà Nội mong muốn mỗi người dân tự nâng cao ý thức, chủ động cách ly vì sức khỏe chung của cộng đồng.

"Tôi mong người dân đồng hành cùng chính quyền, ngành y tế, bởi hiện nay lực lượng rất mỏng, không thể quản lý hết được tất cả các trường hợp F0", bà bày tỏ.

"Nới" quy định quản lý F0?

Trước tình hình thực tế như hiện nay, nhiều người dân cho rằng Bộ Y tế cũng nên có những quy định "nới lỏng" cho F0 như F0 được đi khám chữa bệnh, hoặc F0 không có triệu chứng vẫn có thể đi làm.

Hiện nay có một số F0 là nhân viên y tế vẫn đi làm việc để chăm sóc các F0 khác, bà Lan cho rằng buộc phải làm như vậy, bởi "một trạm y tế có 5 người thì 5 người F0, nếu nghỉ hết thì ai làm các thủ tục để xác nhận F0 và các giấy tờ, công việc khác để chăm sóc người bệnh".

Thậm chí nhiều bệnh viện có đến 30-50% nhân viên y tế là F0, tình thế này khiến bệnh viện buộc phải "khuyến khích" F0 không có triệu chứng hoặc chỉ số CT trên 30 đi làm, chăm sóc các bệnh nhân F0 khác.

Nếu chiếu theo quy định "F0 chỉ được rời phòng cách ly nếu đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách" thì những y bác sĩ này đều vi phạm quy định.

Trong khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một bệnh viện tuyến trung ương cho biết bệnh viện có 1.000 nhân viên nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay có hơn 300 người là F0; nữ nhân viên còn có ho, sốt vài ngày, nam giới thì không có triệu chứng gì và đều có thể làm việc.

Quy định có "ông nói gà, bà nói vịt"?

Trên trang cá nhân, BS Trần Sĩ Tuấn - nguyên tổng biên tập báo Sức Khỏe và Đời Sống - băn khoăn: "Bộ Y tế đính chính F0 được ra khỏi phòng nhưng không được ra khỏi nhà. Một văn bản khác lại đề xuất F0 không triệu chứng được đi làm trực tiếp công việc chăm sóc người bệnh F0. Tôi băn khoăn không hiểu ý quy định là gì?".

Ông Tuấn băn khoăn có lý, bởi mới ngày 5-3 Bộ Y tế đề xuất tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho phép F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, chưa có kết quả xét nghiệm âm tính và tự nguyện làm việc được làm trực tuyến hoặc trực tiếp ở vị trí người chăm sóc, theo dõi, điều trị người bệnh COVID-19 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại cơ sở điều trị bệnh COVID-19.

Đề xuất cũng nêu trong trường hợp này, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.

Nay Bộ Y tế lại chỉ cho F0 đi lại trong nhà thì đề xuất ngày 5-3 có thành "ông nói gà, bà nói vịt" hay không? Đó là chưa kể hiện có đến gần 2 triệu F0 đang cách ly, điều trị, trong đó có đến 1,6 triệu người đang điều trị tại nhà. Với số lượng F0 lớn như thế này và tỉ lệ người không triệu chứng rất cao, dù quy định không cho, F0 vẫn ra đường!

F0, F1 vẫn đi làm, nên không? F0, F1 vẫn đi làm, nên không?

TTO - Long An là tỉnh đầu tiên hưởng ứng đề xuất của Bộ Y tế cho phép các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

THÙY DƯƠNG - PHẠM TUẤN - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp