Phóng to |
Dự án bờ kè sông Cần Thơ được khởi công từ tháng 5-2010 đang bị đội vốn hơn 1.100 tỉ đồng do thời gian thực hiện kéo dài - Ảnh: Chí Quốc |
Được phê duyệt từ năm 2002, dự án tuyến dân cư vùng ngập lũ Bốn Tổng Một Ngàn từ kênh Cái Sắn (Thốt Nốt, Cần Thơ) đến kênh Thị Đội (Ô Môn) có tổng mức đầu tư ban đầu là 314 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến lần điều chỉnh thứ ba vào năm 2010 với việc bổ sung một số công trình, tổng vốn đầu tư của dự án này bị tăng lên đến 1.300 tỉ đồng, gấp hơn bốn lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu.
Tương tự là dự án bờ kè sông Cần Thơ được phê duyệt từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 711 tỉ đồng. Vào tháng 5-2010, dự án này được khởi công nhưng do vướng khâu giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư của dự án hiện được điều chỉnh lên tới 1.830 tỉ đồng.
Giải trình với Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội mới đây, ông Lê Minh Cường - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (chủ đầu tư hai dự án nêu trên) - khẳng định những dự án này không gây lãng phí, bởi từ khâu chuẩn bị đầu tư đến đấu thầu, thi công đều tuân thủ đúng trình tự thủ tục và có thanh tra, kiểm toán hằng năm.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu, dự án đường Giá Rai - Cạnh Đền (huyện Giá Rai) chỉ có 16km với tổng mức đầu tư 127 tỉ đồng, nhưng chỉ vì vướng giải phóng mặt bằng một đoạn khoảng 900m không giải quyết được nên phải nắn tuyến làm phát sinh hơn 24 tỉ đồng, gây lãng phí đầu tư công. Đáng nói là mặc dù đã nắn tuyến nhưng tuyến đường này vẫn còn vướng... giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, dự án nâng cấp quốc lộ 91 từ Châu Đốc đến Tịnh Biên (An Giang) dài 30km, được khởi công từ tháng 6-2009 với gần 950 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây ách tắc giao thông và bức xúc trong dư luận. Theo một lãnh đạo của Ban quản lý các dự án giao thông 7 - chủ đầu tư dự án, để có thể hoàn thành trong năm 2013, dự án phải được bố trí đủ vốn nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng vốn theo yêu cầu.
Tại ba tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận, theo báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”, nhiều dự án bị chậm tiến độ và phải điều chỉnh tăng vốn khá lớn. Cụ thể, tại Bình Thuận có 20/37 dự án và Ninh Thuận có 13/37 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Tại ba tỉnh này hiện có 55 dự án dự kiến thời gian hoàn thành chậm hơn kế hoạch. Theo kiến nghị của ba địa phương này, tổng nguồn vốn cần bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án lên tới hơn... 10.524 tỉ đồng, trong đó Phú Yên 7.813 tỉ đồng, Ninh Thuận hơn 2.415 tỉ và Bình Thuận 296 tỉ đồng. Theo đánh giá của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư còn thiếu tập trung, dàn trải làm tám dự án ở ba tỉnh phải giãn, hoãn tiến độ thực hiện sau giai đoạn 2012-2015...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận