Thanh tra việc thực hiện Luật đấu thầu:
Đó là những kết quả được Thanh tra Chính phủ đưa ra tại kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong việc thực hiện Luật đấu thầu.
Phóng to |
Theo kết luận thanh tra, có hàng loạt dự án được chỉ định thầu phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, phải hoàn thành trước dịp đại lễ (tháng 10-2010) nhưng có những gói thầu đến hết năm 2011 vẫn chưa được triển khai.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc chỉ định thầu bất thường là việc một số địa phương và Bộ Giao thông vận tải đã chỉ định thầu cùng lúc nhiều gói thầu có giá trị lớn cho một số nhà thầu như doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP tập đoàn Đầu tư xây dựng DĐK... Điều này dẫn đến nhà thầu bị quá tải, không đủ năng lực thi công, năng lực tài chính, không đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ của gói thầu, dự án kéo dài, hiệu quả kinh tế thấp.
Được chỉ định thầu để phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long, dự án điều chỉnh tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua Việt Trì do Sở Giao thông - vận tải Phú Thọ làm chủ đầu tư chưa có tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, chỉ có tờ trình của UBND tỉnh Phú Thọ nhưng Bộ Kế hoạch - đầu tư đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép chỉ định thầu. Gói thầu xây lắp số 1 được chỉ định thầu cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường với giá trị 554 tỉ đồng, khởi công tháng 11-2009 nhưng sau 2 năm đã hết hạn hợp đồng mới thực hiện được gần 30% khối lượng; gói thầu số 2 lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng thì đến hết năm 2011 chưa được triển khai.
Tại 3 dự án do Sở Giao thông vận tải Hà Nam làm chủ đầu tư đều cam kết khởi công năm 2009 và hoàn thành vào năm 2010 để phục vụ chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa hoàn thành, có gói thầu dự kiến đến tháng 9-2012 mới hoàn thành nếu có đủ vốn. Thậm chí, tại dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu – Ba Đa còn chưa thực hiện chủ định thầu chọn nhà thầu vì chưa có vốn.
Ngoài các dự án trên, Xuân Trường còn được chỉ định thầu hàng loạt dự án giao thông khác. Điển hình là tại dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn cầu Đoan Vĩ – Dốc Xây do Sở Giao thông vận tải Ninh Bình làm chủ đầu tư có 2 gói thầu đều được giao cho doanh nghiệp này và liên danh với Xuân Trường. Tại dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc – cầu Điền Hộ, Xuân Trường tiếp tục được chủ định thầu với giá trị ban đầu hơn 384 tỉ đồng, sau đó chỉ định bổ sung lên trên 1.000 tỉ đồng, Ngoài doanh nghiệp này, các đơn vị khác như Công ty CP tập đoàn Đầu tư Xây dựng DĐK được chỉ định thầu dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 200 do Sở Giao thông vận tải Hưng Yên làm chủ đầu tư với số tiền gần 1.000 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, nhiều gói thầu, dự án tiến độ kéo dài, không đáp ứng được cam kết về nguồn vốn theo điều kiện nên xét về thực tế hiệu quả không cao hơn đầu thầu.
Cụ thể, tính đến hết năm 2010, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, tổng hợp báo cáo của 5 bộ và 43 địa phương đã có 286 dự án được Thủ tướng chấp thuận áp dụng chỉ định thầu với 1.436 gói thầu, tổng giá trị gần 49.600 tỉ đồng. Trong tổng số các gói thầu này có 491 gói thầu đã ký hợp đồng nhưng chưa thể hoàn thành trong năm 2010 và phải chuyển tiếp sang năm 2011 với tổng giá trị chỉ định thầu gần 25 nghìn tỉ đồng; 215 gói thầu chưa ký hợp đồng với tổng giá gói thầu hơn 8,2 nghìn tỉ đồng.
Quá trình thanh tra việc tổ chức thực hiện chỉ định thầu của Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ xác định nhiều dự án được phê duyệt áp dụng hình thức chỉ định thầu khi các dự án chưa có quyết định đầu tư, chưa được bố trí vốn, chưa có thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt.
Đáng chú ý, tiểu dự án 1 thuộc dự án lập lại trật tự hành lang an toàn trên các tuyến đường sắt giai đoạn 2 do Tổng công ty Đường sắt làm chủ đầu tư được Thủ tướng phê duyệt cho chỉ định thầu ngày 30-3-2010 nhưng đến tháng 11-2010 chủ đầu tư mới làm thủ tục chỉ định thầu, ký hợp đồng khởi công các gói thầu xây lắp. Quá trình thi công các gói thầu đều chậm tiến độ và phải gia hạn hợp đồng đến hết năm 2011 nhưng đến 30-11-2011 mới hoàn thành được hơn 70% khối lượng.
Theo Thanh tra Chính phủ, nhiều gói thầu, dự án không thuộc trường hợp được áp dụng chủ định thầu nhưng một số bộ, ngành, địa phương vẫn đề nghị Thủ tướng cho áp dụng hình thức chỉ định thầu, không phù hợp nhưng Bộ Kế hoạch - đầu tư chưa tích cực tham mưu, đề xuất Thủ tướng để có biện pháp chấn chỉnh... Tại một số dự án, gói thầu, quá trình thực hiện chỉ định thầu còn chưa tuân thủ quy trình, thủ tục quy định, một số gói thấu năm 2011 áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa đúng với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng.
Kết thúc thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ định thầu sai với chỉ đạo của Thủ tướng tổ chức thực hiện việc kiểm điểm; các địa phương gồm Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An và Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát, báo cáo Thủ tướng các gói thầu có dấu hiệu không minh bạch trong chỉ định thầu, tạm ứng sai quy định, bất hợp lý gây thiệt hại cho ngân sách. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận