Doanh nhân Việt kiều từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ về VN dự hội nghị - Ảnh: N.BÌNH
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã cho biết như vậy tại Đại hội đại biểu Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài (BAOOV), được tổ chức ngày 29-6 tại TP.HCM.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), lượng kiều hối của VN năm 2017 đạt gần 14 tỉ USD, đưa VN xếp hàng thứ 10 trong danh sách những quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, trong đó có đóng góp của doanh nhân VN ở nước ngoài.
Các dự án vận động và kết nối này không chỉ tạo việc làm, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hiện đại mở rộng thị trường.
Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng kiều bào, lực lượng doanh nhân VN ở nước ngoài đã phát triển và tham gia hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, tiếp cận trình độ khoa học, quản lý công nghệ tiên tiến, có mặt ở hầu hết vùng, quốc gia lãnh thổ, xây dựng được doanh nghiệp có thương hiệu lớn. Một số doanh nhân được xếp hạng trong danh sách tỉ phú thế giới.
"Tuy vậy, nguồn lực 4,5 triệu kiều bào VN vẫn chưa được phát huy hiệu quả đúng mức. Hiện VN vẫn đang cố gắng rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật, tạo thuận lợi để người VN ở nước ngoài an tâm kinh doanh, sản xuất cũng như về nước đầu tư, tham gia hoạt động kinh doanh" - Phó thủ tướng khẳng định.
Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ - tổng giám đốc Rynan Argiculture, một số doanh nhân VN ở nước ngoài đầu tư kinh doanh sản phẩm trong nước và đang phát triển rất tốt.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chưa nhiều người VN tự tin vào bản thân mình cũng như các sản phẩm truyền thống trong nước, nên việc đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh ra thị trường thế giới còn hạn chế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng thương mại & công nghiệp VN (VCCI), các doanh nhân VN ở nước ngoài có lợi thế làm kinh doanh và trải nghiệm trong những môi trường kinh tế phát triển, tiến bộ, đây có thể xem là một bộ phận tinh túy của cộng đồng doanh nhân VN.
Dù có thể quy mô nhiều doanh nghiệp Việt kiều chưa lớn, nhưng hầu hết đáp ứng chuẩn mực quốc tế.
Trong nỗ lực trở thành 1 trong 4 nền kinh tế có sức cạnh tranh nhất của khu vực ASEAN đến năm 2020, VN đang cố gắng đáp ứng các chuẩn mực về môi trường hoạt động kinh doanh.
"Quá trình này cần rất nhiều đóng góp của đội ngũ doanh nhân VN ở nước ngoài, thông qua việc góp ý cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cũng như trao đổi những kinh nghiệm phát triển kinh tế từ các nước" - ông Lộc nói.
Do đó, ông Lộc đề nghị các doanh nhân Việt kiều không chỉ kết nối với doanh nhân, đưa các nhà đầu tư đến VN hay đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu mà có thể những chia sẻ hơn về kinh nghiệm quản trị, chuyển giao khoa học, công nghiệp, trách nhiệm xã hội với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ VN để họ có thể vươn tới những chuẩn mực quốc tế.
Theo ông Hồ Văn Lâm - Việt kiều tại Thái Lan, kiều bào dù ở đâu vẫn luôn cố gắng đóng góp vào sự phát triển của nước nhà, sẵn sàng trở thành những đại sứ kinh tế của VN, chỉ cần môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi.
Chương trình Kết nối doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp Việt, Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 3 (2018 - 2023) thu hút khoảng 300 kiều bào, doanh nghiệp VN ở nước ngoài tham dự. Đại hội đã bầu ra được 33 đại biểu vào ban chấp hành hội, ông Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Rynan Argiculture, tiếp tục được bầu làm chủ tịch BAOOV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận