27/04/2022 06:32 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp Việt đang 'ngồi trên lửa' vì 'đói' nguyên liệu nhập từ Trung Quốc

CÔNG TRUNG - NGỌC AN
CÔNG TRUNG - NGỌC AN

TTO - Nhiều doanh nghiệp Việt đang "ngồi trên lửa" vì 3 tháng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vẫn chưa về do nước này phong tỏa nhiều nơi. Có doanh nghiệp phải thuê 60 lượt máy bay để có hàng.

Nhiều doanh nghiệp Việt đang ngồi trên lửa vì đói nguyên liệu nhập từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp gia công đang giảm công suất do gặp khó khăn trong cung ứng nguyên phụ liệu - Ảnh: N.AN

Nguy cơ bị gián đoạn, giảm công suất kéo theo chậm trễ đơn hàng đang đặt ra những sức ép vô cùng lớn cho doanh nghiệp.

Mỏi mòn chờ hàng về

Trông ngóng hãng tàu chuyển lô hàng linh kiện phụ tùng ôtô về suốt 3 tháng qua nhưng chưa thấy, ông T.V.H. - tổng giám đốc một công ty sản xuất lắp ráp xe tải tại huyện Củ Chi, TP.HCM - cho hay điều này đang làm công ty chậm trễ sản xuất, giao xe cho khách.

"Thông thường từ khi đặt hàng đến nhận hàng khoảng 1,5 - 2 tháng nhưng giờ chưa hẹn trước được ngày giao hàng. Nhiều mẫu xe đang phải chờ linh kiện về để lắp ráp. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài chừng nào, doanh nghiệp càng mệt chừng đó" - ông H. nói.

Tình trạng trên ngày càng phổ biến. Trên các diễn đàn về logistics, nhiều doanh nghiệp liên tục than phiền, như "ngồi trên đống lửa", nhất là đang thiếu linh phụ kiện, thiết bị bảo trì bảo dưỡng... từ Trung Quốc. Điều này không chỉ khiến sản phẩm bị hư hại do để lâu ngày, mà còn khiến doanh nghiệp "mất điểm", bị phạt hợp đồng.

Không chỉ tình trạng kẹt đường biển mà cả đường bộ vẫn còn nhiều trở ngại khiến công ty chuyên về logistics chuyển hàng từ Trung Quốc - Việt Nam chưa xác định ngày kết nối trở lại.

Ngày 18-4, đại diện Tập đoàn Best Express cho hay tuyến vận chuyển quốc tế Trung Quốc - Việt Nam khai trương giữa năm ngoái nhưng đã phải tạm dừng. Lý do: vướng mắc về quy trình thủ tục kiểm dịch từ phía Trung Quốc.

Phải thuê 60 chuyến bay để tránh đóng máy

Ông Trần Văn Hào - giám đốc Công ty cổ phần vận tải Thái Việt Trung, doanh nghiệp chuyên vận chuyển nguyên liệu cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam - cho hay do vận chuyển bằng đường bộ gián đoạn, việc thông quan tại các cửa khẩu gặp khó khăn nên có thời điểm để đáp ứng nhu cầu sản xuất, có tập đoàn FDI tại Việt Nam phải thuê tới 60 chuyến bay riêng để vận chuyển linh kiện, thiết bị, tránh đóng máy.

"Điều này làm doanh nghiệp tăng chi phí rất lớn, trong khi những doanh nghiệp vận tải như chúng tôi lại thiếu việc làm trầm trọng" - ông Hào chia sẻ.

Thiếu việc cho công nhân

Chuyên làm hàng may gia công cho các thị trường lớn, Tổng công ty cổ phần May Đáp Cầu nhập tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc theo chỉ định của bạn hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này để phục vụ nhu cầu đơn hàng cần hoàn thành trong quý 2 và chuẩn bị cho quý 3, doanh nghiệp mới nhận khoảng 60 - 70% nguyên phụ liệu.

Ông Nguyễn Đức Thăng, giám đốc May Đáp Cầu, cho hay nhiều hàng hóa nguyên liệu đi từ các cảng ở Thượng Hải nên cả tháng nay về rất chậm hoặc không về, do thành phố này phong tỏa diện rộng. Hàng về nhỏ giọt, doanh nghiệp buộc phải xé lẻ, rải đơn cho các tổ sản xuất để đảm bảo việc làm cho công nhân khiến năng suất không cao.

Cố gắng tìm nguồn cung mới, theo ông Thăng, là không thể trong một sớm một chiều khi Trung Quốc là công xưởng của thế giới, cung ứng nhiều nguyên phụ liệu với giá thành phù hợp. Trong khi phần lớn nguồn nguyên liệu mà May Đáp Cầu nhập khẩu đều do đối tác chỉ định.

"Với những đơn hàng không có đủ nguyên liệu, chúng tôi đang đàm phán lại thời gian giao hàng nhưng cũng không thể lùi chậm lại quá. Doanh nghiệp đối diện với nhiều rủi ro cả về thanh toán, chậm chuyển hàng, gặp khó khăn rất nhiều để phục hồi sau đại dịch" - ông Thăng nói và kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp có thêm các đơn hàng mới, mở rộng nguồn mua nguyên phụ liệu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, cho hay ngành da giày nhập khẩu tới 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nên việc nước này phong tỏa trên diện rộng khiến nguồn cung ứng bị gián đoạn. Cộng thêm chi phí vận chuyển, logistics cực kỳ cao nên doanh nghiệp rất khó để đáp ứng kịp thời các đơn hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay đã nắm tình hình và yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng những tác động của việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa vì COVID-19. Tuy nhiên, với chủ trương của nước bạn là zero COVID, nên cần chủ động thích ứng để có chiến lược phù hợp.

Ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu, Bộ Công thương cho hay sẽ tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh phụ thuộc vào một thị trường cả ở chiều nhập và xuất khẩu. Đặc biệt, sẽ tận dụng có hiệu quả những lợi thế, các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Bộ Công thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, chủ động trong các khâu thiết kế sản phẩm, giảm tỉ lệ gia công và tự chủ nguồn nguyên phụ liệu, đa dạng thị trường xuất khẩu...

Cước tăng và sẽ còn bất ổn định

Bà Võ Thị Phương Lan - chủ tịch HĐQT Công ty ASL Logistics - nhận định giá cước vận chuyển quốc tế tiếp tục bất ổn định khi kẹt cảng trên toàn thế giới tiếp tục kéo dài, đặc biệt tại các cảng lớn ở Trung Quốc, Mỹ. Giá xăng dầu tăng cùng nhiều bất ổn khác đẩy giá vận tải nội địa quý 1-2022 tăng 27% so với những tháng cuối năm 2021 - mức tăng ngoài tầm kiểm soát của tất cả các doanh nghiệp logistics.

Theo các chuyên gia logistics, cước vận chuyển quốc tế sẽ tiếp tục bất ổn. Năm 2022 giá cước có thể cải thiện giảm hơn so với năm 2021, tuy nhiên để quay lại trước năm 2019-2020 là rất khó.

Để giảm chi phí vận chuyển, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho hay đã kết nối với các cơ sở, nâng cấp hệ sinh thái số, tổ chức nhiều cảng tại Bình Dương, Đồng Nai để kết nối với các cảng Cát Lái, Cái Mép, giúp giảm chi phí vận tải từ 10-30%...

Không hẹn được ngày giao

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Trung - đại diện Hiệp hội Logistics TP.HCM - dự đoán tình trạng kẹt tàu ở các cảng biển Trung Quốc vẫn phức tạp. Doanh nghiệp xuất khẩu vừa đối diện thiếu container rỗng vừa chịu áp lực giá cước. Kẹt tàu, thiếu container... nên không thể hẹn được ngày giao chính xác với đối tác bởi phụ thuộc nhiều yếu tố.

"Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết tắc nghẽn kho vận. Với hàng trăm tàu neo đậu lênh đênh chờ vào cảng xuất nhập hàng, khả năng khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero COVID phải mất 2-3 tháng mới ổn định, giải tỏa hàng kẹt tại các cảng" - ông Trung nhận định.

Lo đình trệ sản xuất vì đứt nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc Lo đình trệ sản xuất vì đứt nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc

TTO - Phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành dệt may và da giày, túi xách không chỉ đối phó ngăn ngừa virus corona tại nhà máy, mà còn lo không đủ nguyên liệu sản xuất các ngày tới.

CÔNG TRUNG - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp