Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.
Đơn cử như ở các đơn vị thuộc Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), cụ thể là Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau, nợ trên vốn là 153,92 lần, Công ty cổ phần đầu tư Cảng Cái Lân 27,62 lần. Các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Sông Đà gấp 4,36 lần, Tổng công ty Phát điện 3 (EVN) gấp 6,74 lần…
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước xác định một số DNNN chưa tuân thủ quy định về quản lý tiền lương theo quy định của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.
Như Công ty TNHH MTV CNS Thạnh Phát (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) đã không xây dựng định mức lao động, kế hoạch sử dụng lao động, không xác định quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động, viên chức quản lý và không báo cáo chủ sở hữu.
Đáng lưu ý, dù quy định đã có nhưng một số DNNN đã trích vượt quỹ tiền lương để chi trả. Như Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông (thuộc Vinalines) trích vượt tới 20,75 tỉ đồng; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trích vượt 1,02 tỉ đồng; Tổng công ty cổ phần Đường sông miền Nam trích vượt 0,7 tỉ đồng…
Kiểm toán Nhà nước cho biết thực tế rằng hầu hết các tập đoàn, tổng công ty phản ánh không đúng doanh thu, chi phí.
Như MobiFone chưa thực hiện đầy đủ các quy định về khuyến mại, về xác định và báo cáo giá thành, giá cước dịch vụ viễn thông; Tổng công ty Dầu Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí) kinh doanh xăng dầu chưa đúng quy định, áp dụng tỉ lệ hao hụt định mức trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia đã lạc hậu, không phù hợp…
Với những kết quả kiểm toán trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2015…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận