06/02/2017 13:09 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm vẫn chưa di dời

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Đã quá thời hạn di dời nhưng nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm dọc bờ kênh Tham Lương (P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) vẫn “cố thủ”, thậm chí đối phó với các biện pháp cưỡng chế của chính quyền địa phương.

Lực lượng chức năng chốt chặn kiểm tra không cho xe tải chở chất đốt, hóa chất gây ô nhiễm vào các cơ sở bị bắt buộc di dời - Ảnh: N.Triều
Lực lượng chức năng chốt chặn kiểm tra không cho xe tải chở chất đốt, hóa chất gây ô nhiễm vào các cơ sở bị bắt buộc di dời - Ảnh: N.Triều

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm nằm dọc bờ kênh Tham Lương vẫn đang tiếp tục hoạt động, xả khói mù mịt mặc dù UBND TP đã ấn định thời hạn hoàn tất di dời là trước ngày 31-12-2016.

Chỉ vài doanh nghiệp tự di dời

Theo UBND Q.12, đến cuối năm 2016, trong số 21 cơ sở phải di dời khỏi khu dân cư P.Đông Hưng Thuận, chỉ có 3 cơ sở xin tự di dời: Công ty TNHH Phú Thịnh Sơn, Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến và Cơ sở Lộc Thành.

Hai cơ sở khác xin chuyển đổi ngành nghề là Công ty bao bì giấy Phú Thịnh và Công ty cổ phần XP Đại Cát. Riêng 16 cơ sở còn lại đăng ký di dời về Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, huyện Bình Chánh.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện cả 3 cơ sở xin tự di dời đã ngưng hoạt động và bắt đầu di chuyển vật tư, thiết bị đến vị trí mới.

Trong đó Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến đang bốc dỡ hàng hóa, thành phẩm để di dời đến tỉnh Long An. Ngoài ra, có thêm Công ty TNHH Tân Phú Cường đã bắt đầu ngưng hoạt động để chuyển đi.

Trong khi đó, vào những ngày cận Tết Nguyên đán, phần lớn các doanh nghiệp còn lại vẫn tiếp tục hoạt động và chưa có dấu hiệu cho thấy sẵn sàng di dời đi nơi khác.

Tại Cơ sở sản xuất vải Nguyễn Minh Thiếu (đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận), các công nhân vẫn làm việc bình thường, bếp lò vẫn đỏ lửa, hơi nước và khói bốc lên nghi ngút. Một công nhân ở đây cho hay có nghe chủ nói sẽ di dời nhưng chưa biết cụ thể khi nào.

Cách đó vài trăm mét, ở khu phố 5, nhiều cơ sở thuộc diện di dời vẫn chưa ngưng hoạt động.

Doanh nghiệp tư nhân Phú Lộc (sản xuất vải) cổng đóng im ỉm nhưng bên trong nhà xưởng vẫn làm việc, từ đầu con hẻm dễ dàng nhìn thấy các ống khói vẫn xả liên tục.

Chúng tôi đề nghị gặp chủ doanh nghiệp, nhân viên bảo vệ cho hay giám đốc đi vắng. Hỏi số điện thoại hoặc đăng ký lịch hẹn để làm việc với giám đốc doanh nghiệp nhưng bảo vệ trả lời không biết rồi chạy vào trong thông báo.

Lát sau, một nhân viên đi ra nói giám đốc đi vắng và từ chối cung cấp số điện thoại, cũng không nhận đăng ký hẹn làm việc. Chúng tôi đến các cơ sở đang hoạt động gần đó cũng đều được trả lời là chủ đi vắng.

Đối phó với cưỡng chế

Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, các cơ sở gây ô nhiễm bị buộc di dời hầu hết đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nhưng không khắc phục và vẫn tái phạm.

Trong đó, ba cơ sở Lộc Thành, Nguyễn Văn Tản và Vũ Thị Khiết Tâm từng bị UBND TP ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động vào năm 2014, sau đó cho hoạt động trở lại và tiếp tục vi phạm.

Đặc biệt, có đến 9 cơ sở bị cơ quan chức năng các cấp (UBND TP, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường, UBND Q.12) xử phạt hành chính nhưng đến nay chưa chấp hành.

Tại cuộc làm việc giữa tháng 12-2016, UBND Q.12 đã kiến nghị Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu UBND TP ban hành quyết định cấm hoạt động đối với 3 cơ sở từng bị tạm đình chỉ nói trên.

Đối với 9 cơ sở không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND Q.12 đề nghị cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện sản xuất.

Trước tình trạng các doanh nghiệp “cố thủ” không chịu di dời theo hạn định, mới đây UBND quận đã lập chốt kiểm tra 24/24h không cho các phương tiện chở chất đốt, hóa chất gây ô nhiễm ở hai hẻm lớn dẫn vào các khu vực có cơ sở vi phạm.

Biện pháp mạnh tay này được người dân trong khu vực đồng tình ủng hộ vì các xe tải chở chất đốt không thể vào tiếp liệu, buộc các cơ sở phải ngưng sản xuất.

Tuy nhiên, các cơ sở vi phạm phản ứng quyết liệt, thậm chí đưa công nhân ra để nại lý do nếu ngưng sản xuất sẽ không có tiền ăn tết.

Mặt khác, một số cơ sở còn đối phó bằng cách dùng xe ba gác, xe máy len lỏi qua các hẻm nhỏ chở củi, vỏ hạt điều vào xưởng đốt để duy trì hoạt động.

Ông Lê Trương Hải Hiếu - chủ tịch UBND Q.12 - cho biết TP đã tạo điều kiện để các cơ sở này có thời gian di dời ra các khu sản xuất tập trung, đồng thời có chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm nhưng thời gian qua các cơ sở vi phạm vẫn không chấp hành chủ trương di dời.

Theo ông Hiếu, vì môi trường trong lành cho hàng ngàn người dân sống xung quanh, lần này cơ quan chức năng nhất quyết sẽ buộc các cơ sở di dời, không để kéo dài tình trạng này thêm nữa.

Doanh nghiệp khác bị vạ lây

Ngày 9-1-2017, cơ quan chức năng Q.12 cắm biển hạn chế tải trọng tối đa 1 tấn ở đầu hai con hẻm lớn nhằm ngăn xe tải ra vào các cơ sở vi phạm.

Điều này khiến một số doanh nghiệp khác dù không vi phạm, không thuộc diện di dời cũng bị vạ lây vì các xe quá tải trọng ra vào đều bị lực lượng tại chỗ lập biên bản.

Sau đó, thấy bất hợp lý nên cơ quan chức năng không hạn chế tải trọng xe mà chuyển sang kiểm tra, xử lý các xe chở chất đốt, hóa chất gây ô nhiễm môi trường vào các cơ sở vi phạm.

Đồng thời, vẫn cho phép xe tải vào vận chuyển thiết bị, vật tư, hàng hóa của các doanh nghiệp di dời ra khỏi khu vực.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp