31/07/2013 08:08 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp cà phê đổ nợ

TR.TÂN
TR.TÂN

TT - Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê tại Đắk Lắk - thủ phủ cà phê khu vực Tây nguyên - liên tiếp làm ăn thua lỗ, phá sản. Nhiều doanh nghiệp khác sống dở chết dở hoặc sống “thực vật” do tài sản bị ngân hàng phong tỏa.

7OSdo0Pk.jpgPhóng to
Thu hoạch cà phê ở rẫy 3ha của bà Vũ Thị Duyệt, xã Đắk Ma, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum - Ảnh: N.C.T.

Là một trong những công ty kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê lớn khu vực Tây nguyên, nhưng hai năm gần đây Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột, thuộc Tổng công ty Cà phê VN) ngừng hẳn hoạt động kinh doanh chính (mua, xuất khẩu cà phê) do liên tục làm ăn thua lỗ, không còn vốn trong khi nhiều tài sản cố định bị các ngân hàng phong tỏa...

“Chết” vì đầu tư sai mục đích

Ông Vũ Đức Tiến, tổng giám đốc Vinacafe Buôn Ma Thuột, cho biết hiện công ty còn nợ nhiều ngân hàng khoảng 1.400 tỉ đồng, số nợ này đều được đảm bảo bằng các tài sản thế chấp là kho bãi, đất trồng cao su...

Hiện công ty không thể bán tài sản để trả nợ được vì không có người mua và nếu bán hết thì công ty cũng trắng tay. Nguyên nhân của tình trạng này là do những năm trước công ty vay vốn ngân hàng mua gom cà phê đợi giá lên, nhưng bất ngờ giá rớt nhanh khiến công ty thua lỗ nặng.

Hơn nữa, lãi suất ngân hàng cao, tỉ giá USD biến động liên tục những năm trước cũng khiến công ty lỗ chồng lỗ thêm nhiều tỉ đồng.

Theo một cán bộ ngân hàng đang cho vay, một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là Vinacafe Buôn Ma Thuột đã sử dụng vốn sai mục đích.

Mặc dù vay vốn lưu động với lãi suất cao nhưng công ty không tập trung vốn vào việc kinh doanh cà phê mà dùng tiền xây dựng kho ngoại quan (khoảng 400 tỉ đồng), mua đoàn xe tải (hơn 100 tỉ đồng) và nhiều bất động sản khác...

Tuy nhiên, Vinacafe Buôn Ma Thuột không phải là trường hợp cá biệt, nhiều công ty kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê khác tại Đắk Lắk cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự, trong đó một số doanh nghiệp lớn như Chung Đào, Trúc Tâm, Tính Nên... phải tuyên bố vỡ nợ, phá sản. Một số doanh nghiệp khác phải thu nhỏ quy mô kinh doanh, cố gắng cầm cự để tìm cơ hội vực dậy công ty.

Ông Thái Phúc, giám đốc Công ty TNHH thương mại Thái Phúc, cho biết hai năm trở lại đây công ty chỉ kinh doanh, xuất khẩu mỗi năm 1.000 - 2.000 tấn cà phê nhân để duy trì hoạt động, có tiền trả lương cán bộ, công nhân viên.

“Trước đây khi thị trường kinh doanh cà phê còn thuận lợi, các doanh nghiệp cà phê được các ngân hàng mời chào vốn, điều kiện cho vay rất dễ dàng. Gần đây, khi thị trường cà phê gặp khó khăn, các ngân hàng siết chặt quy định, các khoản vay đều phải có tài sản thế chấp và vốn vay so với tài sản cũng rất thấp nên cơ hội kinh doanh bị thu hẹp. Chính vòng luẩn quẩn thiếu vốn, không mua được hàng hóa nên các doanh nghiệp cà phê buộc phải cầm cự chờ vượt qua khó khăn” - ông Phúc nói.

Doanh nghiệp phải tự cứu mình trước

Ông Vũ Đức Tiến cho rằng nếu các ngân hàng có một cơ chế khoanh nợ cũ, tái cho vay để công ty có thể tiếp tục kinh doanh sẽ có tiền trả nợ và dần phục hồi. “Nhưng dù có phương án kinh doanh được các ngân hàng đánh giá là khả thi, nhưng công ty chúng tôi cũng bị các ngân hàng từ chối cho vay, chưa kể công ty không còn tài sản thế chấp” - ông Tiến thừa nhận.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, giám đốc Công ty TNHH An Thái, cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay, ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải ngồi lại với nhau để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh trả nợ, ngân hàng mới thu hồi được nợ.

Tuy nhiên, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần tại Đắk Lắk cho biết bức tranh ngành cà phê ảm đạm như hiện nay chủ yếu là do các doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đầu tư dàn trải, khả năng thu hồi vốn không có.

Việc cho phép các doanh nghiệp có vốn nước ngoài mua trực tiếp cà phê tận gốc cũng đẩy nhiều doanh nghiệp trong nước vào cảnh khó khăn. Hơn nữa, do quản lý lỏng lẻo nên thị trường cà phê xuất hiện nhiều doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp “đen” mua cao bán thấp trong thời gian dài.

“Ngành kinh doanh cà phê không còn lợi nhuận cao như trước đây nên dù với mức lãi suất cho vay hàng xuất khẩu hiện nay xuống thấp khoảng 7%/năm, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện cũng không muốn vay vì vẫn lỗ” - vị giám đốc này cho biết...

Ông Phạm Xuân Cam, phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện nay mức dư nợ cho vay trong lĩnh vực cà phê của ngân hàng trên địa bàn lên tới hơn 9.500 tỉ đồng, trong đó nhiều khoản nợ khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp thua lỗ và đã ngừng kinh doanh. Vừa qua, Bộ NN&PTNT có đề xuất tạo điều kiện cho doanh nghiệp cà phê vay vốn để cứu ngành cà phê đang ảm đạm.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, chưa có cơ chế rõ ràng là các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện gì, doanh nghiệp như thế nào vay mà không cần thế chấp. Nếu không có cơ chế kèm theo từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước... thì các ngân hàng phải làm đúng những quy định để bảo đảm không bị mất vốn và những hệ lụy về sau.

Ông PHẠM XUÂN CAM (phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Đắk Lắk):

Không có nguồn hàng dự trữ sẽ khó được vay

Ngân hàng nào cũng muốn cho doanh nghiệp vay vốn để kinh doanh. Tuy nhiên, dù có cơ chế để gỡ khó từ trên thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để được cho vay như phương án kinh doanh khả thi, có nguồn vốn, nguồn hàng nhất định để đảm bảo. Trong tay không có vốn, không có nguồn hàng dự trữ thì cơ chế mở đến mấy các ngân hàng cũng không thể cho các doanh nghiệp vay vốn được.

TR.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp