Ông Bùi Hoàng Hải - vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 19-6, ông Bùi Hoàng Hải - vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) - cho biết dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật chứng khoán đang được Ủy ban Chứng khoán nhà nước lấy ý kiến góp ý trước khi trình Chính phủ sau 2 tháng nữa.
Theo ông Hải, một trong những điểm mới được nêu tại dự thảo nghị định là SSC được quyền yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán thay đổi giờ mở cửa giao dịch, thu hẹp biên độ giá...
Đây là các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán khi có sự cố ảnh hưởng tiêu cực, có nguy cơ rủi ro đến thị trường. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế rất nhiều nước đã áp dụng từ lâu.
Theo dự thảo, SSC chủ trì, phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán VN thường xuyên thực hiện giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
Để ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của thị trường chứng khoán, SSC được quyền yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống; tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán VN.
Một phiên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) - Ảnh: Q.Đ.
"Đặc biệt, SSC còn có quyền yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán thay đổi giờ mở cửa giao dịch, thu hẹp biên độ dao động giá, ngắt mạch thị trường đối với các giao dịch khớp lệnh liên tục hoặc các biện pháp kỹ thuật khác.
Đồng thời, SSC còn thực hiện các biện pháp kiểm soát, hạn chế hoặc cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn theo quy định pháp luật" - ông Hải cho hay.
Tiêu chí nào để áp dụng các biện pháp ngắt mạch thị trường? Ông Hải cho biết sẽ có một số tiêu chí cụ thể như tăng, giảm một mức độ nào đó trên cơ sở đánh giá rủi ro. Tùy từng tình huống, sự kiện cụ thể sẽ áp dụng biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn thị trường, ngăn chặn tác động ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của các thành viên tham gia thị trường.
Ngoài ra, theo ông Hải, một điểm mới nữa là dự thảo nghị định cho phép doanh nghiệp được chào bán cổ phiếu ra công chúng với giá thấp hơn mệnh giá. Thêm nữa, tới đây doanh nghiệp nước ngoài có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán VN.
Theo đó, để được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán tại VN, tổ chức phát hành nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện là chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài đã được chào bán ra công chúng tại VN theo quy định pháp luật về chứng khoán VN; số lượng chứng khoán đăng ký niêm yết tương ứng với số lượng chứng khoán được phép chào bán tại VN; đáp ứng các điều kiện niêm yết; có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức niêm yết theo quy định của pháp luật VN...
Chứng khoán bốc hơi 185.800 tỉ đồng vì COVID-19
Nhà đầu tư “không chuyên” vẫn luôn theo dõi xem giá cổ phiếu trong ngày - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Quý 1-2020, thị trường chứng khoán (TTCK) VN có mức độ suy giảm vốn hóa gần chạm ngưỡng 45%, mạnh nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng 2008, VN-Index cũng giảm tới 34% tính từ đỉnh 1.000 điểm trước dịch COVID-19.
Mức giảm trên đã khiến TTCK VN trở thành thị trường có giá rẻ nhất nhì khu vực Đông Nam Á, cũng như Mỹ, Hàn Quốc. Chưa đầy 2 tháng đầu đại dịch, vốn hóa giảm hơn 47 tỉ USD.
Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ tết, phiên giao dịch chứng khoán đầu năm Canh Tý 30-1 đột ngột chìm trong "biển lửa", đóng cửa VN-Index mất gần 32 điểm vì COVID-19, từ 991,46 giảm xuống còn 959,58 điểm.
Phiên kế tiếp 31-1, thị trường mất thêm gần 23 điểm xuống 936,63 điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9-3, VN-Index giảm kỷ lục trong vòng 18 năm khi rớt gần 56 điểm (-6,28%) xuống mốc 835,49 điểm, "bốc hơi" thành quả nỗ lực hơn 2 năm qua.
Đà suy giảm kéo dài gần 2 tháng, đến phiên 24-3 VN-Index chỉ còn 659,21 điểm, mốc thấp nhất từ cuối năm 2016. Đến nay thị trường dần hồi phục quanh mốc 860 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19-6, VN-Index tăng 13,29 điểm lên 868,56 điểm. Thanh khoản giao dịch đạt hơn 6.186 tỉ đồng. Rổ VN30 cũng tăng 11,2 điểm lên hơn 3.084 tỉ đồng. Trong khi đó, sàn HNX và rổ HNX30 lần lượt tăng 2,62 điểm vươn lên 115,36 điểm và 5,34 điểm lên 225,3 điểm.
Dù thị trường có nhiều thăng hoa, vốn hóa chạm mốc 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 226.541 tỉ đồng so với phiên trước nhưng nếu tính từ Tết Nguyên đán đến nay, vốn hóa thị trường chứng khoán VN đã "bốc hơi" hơn 185.800 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận