Khánh Hòa là một trong số những địa phương có thị trường khách quốc tế lớn - Ảnh: MINH CHIẾN
Trong đó, lãnh đạo TP.HCM và Kiên Giang mong muốn sớm được phép đón khách nước ngoài sau một thời gian dài ưu tiên phòng dịch.
Đủ năng lực đón khách có "hộ chiếu vắc xin"
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đến nay TP.HCM vẫn ưu tiên chống dịch. Trong năm qua, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú TP vẫn đang đón những đoàn khách chuyên gia nhập cảnh. Các doanh nghiệp này đã có kinh nghiệm và thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch.
"Với năng lực của các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu, chúng tôi cũng sẽ chủ động đưa khách đi đến các điểm du lịch theo lộ trình một cách an toàn, chứ không chỉ dừng ở đón khách đến cách ly", bà Hoa cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lưu Trung - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết tỉnh đã trình và đang chờ Chính phủ cho phép áp dụng mô hình du lịch cách ly khép kín. Trước đó, đoàn công tác của Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga đã đến Kiên Giang và gợi ý việc tổ chức cho du khách Nga có thể tới Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình cách ly khép kín tại nơi đến nhằm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Theo ông Trung, nếu được Chính phủ chấp thuận, các bộ - ngành sẽ có hướng dẫn cụ thể để Kiên Giang triển khai thực hiện thí điểm tại thành phố đảo Phú Quốc.
"Có rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn như quy trình nhập cảnh của khách đến từ Nga ra sao, hãng hàng không nào được phép bay, công tác chuẩn bị của địa phương như thế nào. Để đảm bảo an toàn, trước khi đón khách Nga, toàn bộ dân cư trên đảo Phú Quốc sẽ được tiêm ngừa COVID-19 đủ liều theo chuẩn của Bộ Y tế. Chúng tôi dự kiến nếu được Chính phủ thông qua sớm thì ít nhất phải tới tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay mới có thể bắt đầu đón du khách Nga" - ông Trung nói.
Ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho hay hiện mới có 1 resort 5 sao ở phía bắc đảo Phú Quốc đăng ký tham gia thí điểm đón khách Nga. Đây cũng là nơi đón nhiều du khách Nga tới đảo Phú Quốc nghỉ dưỡng nhất trong những năm qua.
"Địa phương rất mong sớm được phép thí điểm đón khách quốc tế trở lại. Việc cách ly du khách sẽ thực hiện ngay từ sân bay rồi đưa về địa điểm nghỉ dưỡng, đảm bảo an toàn phòng dịch" - ông Thái nói.
"Mở cửa" thận trọng
Ông Nguyễn Trọng Diện - giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh - cho biết thông thường vắc xin sau khi tiêm phải 14 ngày hoặc cả tháng sau mới có tác dụng, chưa kể có trường hợp sau khi tiêm vẫn bị nhiễm bệnh. Do vậy, đối với những người mới tiêm vẫn cần phải cách ly, theo dõi để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tương tự, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết quan điểm của TP là phải phòng dịch COVID-19 thật chặt chẽ bởi chỉ cần dịch bùng phát, lây lan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của địa phương.
"Hải Phòng trong hai năm qua giữ nhịp tăng trưởng cao nhất cả nước cũng nhờ yếu tố giữ được địa bàn an toàn trước dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi xác định không phải phát triển hoàn toàn bằng du lịch nên yêu cầu kiểm soát chặt, ngăn chặn các nguy cơ lây lan dịch COVID-19 vẫn phải được đặt lên hàng đầu" - ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, hiện nay tình hình dịch COVID-19 ở khu vực ASEAN, châu Âu vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp nên việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.
Ông Lê Văn Sơn, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho hay nếu áp dụng "hộ chiếu vắc xin" sẽ là cơ hội mới để đón khách quốc tế sau hơn 1 năm đóng băng vì dịch bệnh, khi du lịch chính là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
"Theo tôi, chúng ta nên đón du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng. Những trường hợp xuất nhập cảnh cần có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia cấp.
Khi khách quốc tế đến Việt Nam, những khu du lịch, nghỉ dưỡng phải được quản lý, kiểm soát, có quy định đi lại, tiếp xúc trong nước", ông Sơn đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận