Toàn cảnh hội nghị triển khai chương trình hành động phát triển vùng Đông Nam Bộ sáng 26-11 - Ảnh: Đ.H
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ các phương thức vận tải. Tuy vậy, thực trạng cho thấy nhu cầu vận tải vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông.
Cụ thể, nhiều quốc lộ chính yếu đã mãn tải, trong khi cao tốc liên vùng, những con đường hướng tâm, vành đai triển khai rất chậm. Đến nay mới chỉ đưa vào khai thác 95/911km cao tốc theo quy hoạch.
Ông Thắng nhìn nhận đây là "nút thắt" ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ. Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải từ nay đến năm 2030 phải làm được 772km đường cao tốc, với tổng số tiền đầu tư gần 420.000 tỉ đồng.
Quốc lộ 51 - một trong những con đường đã quá tải của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: MẠNH KHÁ
Với nhu cầu về vốn rất lớn như trên, và để huy động được vốn của doanh nghiệp, ngoài ngân sách thì cần tạo lòng tin, hài hòa lợi ích. Để giải quyết được vấn đề này cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị thực hiện phân cấp phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương trong công tác đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông. "Cần có cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng các công trình giao thông", ông Nguyễn Văn Thắng phát biểu.
Ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị để triển khai nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và nghị quyết 154 của Chính phủ cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và các bộ ngành có liên quan.
"Trước mắt là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch và triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; TP.HCM - Chơn Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; Đồng Nai - Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối vùng đô thị TP.HCM", ông Phan Văn Mãi kiến nghị.
Cái Mép - Thị Vải một trong những cảng sầm uất nhất của vùng Đông Nam Bộ và cả nước - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đáng chú ý, chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị cần xác định rõ thể chế "Hội đồng vùng", trong đó các nhiệm vụ cụ thể có tác động chung đến cả vùng cần được giao cho Hội đồng vùng, nhằm tránh chia cắt về địa bàn hay lĩnh vực.
"Đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2025", ông Phan Văn Mãi kiến nghị.
Chủ động triển khai để hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ phát biểu chủ trương hình thành "Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ" là một trong những giải pháp, chủ trương để vùng Đông Nam Bộ phát triển đi đầu, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do này, trong thời gian vừa qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động triển khai một số công việc cần thiết. Trong đó có việc cập nhật chủ trương trên vào Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp đó đã tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích gần 1.700ha, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đồng thời, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng, đặc biệt là kết nối cảng Thị Vải - Cái Mép với cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận