11/06/2014 08:49 GMT+7

Nhiều đại biểu lo ngại lãng phí

V.V.THÀNH ghi 
V.V.THÀNH ghi 

TT - Ngày 10-6, sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Thẻ căn cước công dân thay chứng minh nhân dân: Cần báo cáo Quốc hội kinh phí thực hiện”, các đại biểu Quốc hội tiếp tục có ý kiến về vấn đề này.

qb9aWyN9.jpg
Ảnh: Việt Dũng
Dự thảo Luật căn cước công dân đưa ra quy định cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân (CMND). Trong khi đó, hiện nay bên cạnh CMND 9 số thì tại Hà Nội và một số địa phương đang triển khai việc cấp CMND theo công nghệ mới với 12 số nên nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội lo ngại gây lãng phí... Xin giới thiệu dưới đây một số ý kiến.

* Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:

Phải tính toán rất kỹ về nguồn lực

Về dự án Luật căn cước công dân có hai vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất là đã có đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần báo cáo với Quốc hội kinh phí để triển khai các nội dung trong dự thảo luật này, trong đó có việc cấp thẻ căn cước công dân.

Theo tôi, đề nghị đó là đúng, việc này tất nhiên phải tính toán và phải làm. Hiện nay chúng ta đang triển khai đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có nội dung liên quan đến cấp CMND 12 số. Triển khai đề án này phải có nguồn lực.

Rồi với dự án Luật căn cước công dân cũng vậy. Tất cả mọi vấn đề đều phải được tính toán rất bài bản và kỹ lưỡng các nguồn lực có liên quan.

Thứ hai, hiện nay đang có ý kiến khác nhau là từ lúc sinh ra thì mỗi công dân sẽ được cấp ngay một thẻ căn cước, hay là từ 14 tuổi trở lên mới cấp thẻ, còn lúc mới sinh ra thì cấp giấy khai sinh. Nếu nói căn cước công dân thay cho CMND thì nhiều người ủng hộ.

Tuy nhiên, nếu thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh thì rõ ràng thẻ này sẽ thay cho giấy khai sinh (không cần thiết có giấy khai sinh nữa).

Trong khi đó, đối với dự án Luật hộ tịch thì đây lại là một loại giấy tờ rất quan trọng của hộ tịch, nghĩa là cần duy trì việc cấp giấy khai sinh để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân và để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại. Đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm để giải quyết đồng thời trong cả hai dự án luật này.

LaWz6wZQ.jpg
Ảnh: Việt Dũng
* Ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Không nên vội vàng

Qua thảo luận ở tổ cho thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật căn cước công dân. Có ý kiến cho rằng nếu nói công dân có thẻ căn cước thì không cần phải có giấy tờ khác, ví dụ như không cần giấy khai sinh nữa thì không đúng. Vì giấy khai sinh là loại giấy tờ “gốc” để xác định rất nhiều vấn đề.

Hơn nữa, theo như nội dung tờ trình của Chính phủ thì thẻ căn cước công dân cũng không thể ngay một lúc thay thế được những giấy tờ khác như hộ chiếu, sổ hộ khẩu, các loại thẻ ngành.

Một vấn đề khác quan trọng hơn là bây giờ đã cấp CMND trên toàn quốc rồi, lại bỏ đi làm thẻ căn cước thì quá lãng phí. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, in một thẻ nhựa phổ thông hiện nay khoảng 1,5 USD/cái, số tiền đó nhân với 90 triệu dân là rất lớn.

Còn nếu dùng chất liệu thông minh để làm thẻ căn cước thì từ 3-10 USD, chưa kể tổ chức bộ máy, hệ thống dữ liệu để làm việc này. Cho nên nhiều ý kiến cho rằng chưa nên đưa ra vấn đề này vội, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Thực tế lâu nay người dân dùng CMND đâu có ảnh hưởng gì.

ygxPTc2M.jpg
Ảnh: Việt Dũng
* Ông Nguyễn Sĩ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Nên tiếp tục cấp CMND 9 số

Giấy CMND với thẻ căn cước là một, tôi đồng tình với tên gọi là thẻ căn cước vì mang ý nghĩa rộng hơn. Vấn đề là xác định thời gian có hiệu lực của Luật căn cước công dân như thế nào để tránh lãng phí.

Tôi đề nghị nếu Quốc hội thông qua luật này vào thời điểm tháng 7-2015 thì quy định về cấp thẻ căn cước phải có hiệu lực ngay, để tránh trường hợp Quốc hội đã thông qua Luật căn cước công dân rồi mà vẫn tiếp tục cấp giấy CMND.

Tại thời điểm hiện nay, theo tôi, nên tiếp tục cấp CMND 9 số cho đến khi luật có hiệu lực. Lẽ ra trong khi đang xây dựng Luật căn cước công dân thì không nên cấp thí điểm CMND 12 số.

* Bà Ung Thị Xuân Hương (giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM):

Dừng cấp CMND 12 số để tránh lãng phí

Theo tôi, nếu Luật căn cước công dân bắt đầu thực hiện từ năm 2016 thì Nhà nước nên xem xét dừng ngay việc thí điểm cấp CMND 12 số để tránh lãng phí.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch, chưa ngã ngũ được cách quản lý, cấp giấy nào trước, giấy nào sau. Trong bối cảnh này mà tiếp tục cấp CMND 12 số, hai năm sau đổi giấy khác theo Luật căn cước công dân sẽ gây lãng phí, bức xúc cho dân. Cho dù phí làm CMND của người dân hay của Nhà nước cũng rất xót xa, bởi những đề án đều được tính bằng “ngàn tỉ” chứ không ít. Không những thế người dân phải đi lại, mất công sức, phiền hà. Điều này thể hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc quản lý công dân chưa đồng bộ, không có tầm nhìn lâu dài.

Nếu như chủ trương cấp CMND 12 số sẽ áp dụng vĩnh viễn, sau này Luật căn cước công dân cũng theo cách lấy số của CMND này thì nên tiếp tục cấp. Còn nếu như Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch tính đến một hướng quản lý khác, không cùng “hệ” với CMND 12 số thì nên ngừng cấp. Hiện tại, việc CMND 12 số chưa cấp được nhiều thì Nhà nước nên ngưng, tránh mở rộng, gây ảnh hưởng thêm đến nhiều người dân.

NGỌC HÀ ghi

V.V.THÀNH ghi 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp