26/08/2022 06:30 GMT+7

Nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu đồng loạt 'dọa' nghỉ bán, có chuyện gì vậy?

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - Trên trang Diễn đàn Xăng dầu có gần 29.000 thành viên, nhiều ý kiến đề nghị "tất cả các cửa hàng bán lẻ đồng loạt làm đơn xin tạm thời nghỉ bán gửi Sở Công thương". Vì đâu nên nỗi?

Nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu đồng loạt dọa nghỉ bán, có chuyện gì vậy? - Ảnh 1.

Các nhân viên của tàu chở xăng dầu lắp đường ống chuyển xăng dầu nhập khẩu vào kho ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu "dọa" sẽ nghỉ bán với lý do "ôm hàng khó khăn", "không mua được hàng", "chiết khấu 0 đồng", "chiết khấu âm", thậm chí phải trả tiền cao hơn giá bán lẻ…khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Trên trang Diễn đàn Xăng dầu có gần 29.000 thành viên, nhiều ý kiến đề nghị "tất cả các cửa hàng bán lẻ đồng loạt làm đơn xin tạm thời nghỉ bán gửi Sở Công thương"... Theo các doanh nghiệp, mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, thậm chí phải bỏ thêm 2.000 - 3.000 đồng/lít để được mua dầu nhưng nguồn cung rất hạn chế. Trong khi đó, kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới sẽ rơi vào ngày 5-9, thay vì ngày 1 hằng tháng như quy định, do rơi vào kỳ nghỉ lễ 2-9.

Chịu lỗ vẫn khó mua xăng dầu?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Lèo, giám đốc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM), cho biết mức chiết khấu đối với xăng và dầu trong ngày 25-8 đều ở mức 80 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước... khiến cho việc nhận xăng tại kho bị lỗ nặng. "Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép", ông Lèo than.

Trong khi đó, ông V.D. - giám đốc một doanh nghiệp sở hữu nhiều cây xăng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận - cho biết các doanh nghiệp bán lẻ đang rơi vào thế rất khó khăn khi vừa "đứt nguồn cung" vừa "lỗ sặc máu". Theo ông D., Tổng cục Quản lý thị trường mới đây đã tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 7 doanh nghiệp đầu mối khiến các đại lý nhập xăng dầu từ những đầu mối này bị hụt nguồn cung. Nhằm đảm bảo nguồn cung cho các cây xăng, ông D. đã phải đi "năn nỉ" các doanh nghiệp để được cung cấp từng xe xăng dầu.

Tuy nhiên, ông D. phải bỏ thêm 300 - 400 đồng/lít với xăng và gần 3.000 đồng/lít đối với dầu khi mua hàng của các thương nhân đầu mối. Như vậy, với mỗi lít dầu bán ra, các đại lý bị lỗ đến 3.000 - 4.000 đồng. "Dù thua lỗ, chúng tôi vẫn ráng cầm cự để giữ mối làm ăn. Nhưng nguồn cung cũng đang khan hiếm, các thương nhân đầu mối không bán hàng dồi dào như trước. Giờ phải đi năn nỉ được chừng nào xăng dầu bán chừng đó, đến khi đứt nguồn hàng thì chỉ còn có nước đóng cửa mà thôi", ông D. nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết để đảm bảo kinh doanh hòa vốn, mức chiết khấu phải từ 1.000 - 1.200 đồng/lít bởi có rất nhiều chi phí như vận chuyển, thuê mặt bằng, nhân công, điện nước... Trong khi đó, mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối thời gian qua chỉ từ 100 - 150 đồng/lít, thậm chí chỉ còn 80 đồng/lít trong ngày 25-8. "Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều đại lý sẽ rất khó khăn, thậm chí phá sản", một doanh nghiệp lo lắng.

Một đại lý bán lẻ ở Sóc Trăng, chuyên cung cấp dầu cho vận tải đường sông (các ghe tàu, sà lan...), cho biết có nhu cầu tiêu thụ tầm 40 - 50 khối dầu mỗi tháng nhưng việc tiếp cận các nguồn hàng đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí không mua được hàng từ sau kỳ điều chỉnh ngày 22-8. Trong khi đang vào mùa thu hoạch lúa, những mối quen không có dầu để chạy máy nên phải tìm nguồn khác, khiến doanh nghiệp này vừa bị mất mối hàng vừa bị lỗ vì phải nhận mức chiết khấu 0 đồng.

"Không thể lý giải được, trước đây thiếu hàng còn đổ lỗi cho Nghi Sơn dừng sản xuất đột ngột và thiếu nguồn cung. Nhưng đến nay cả Nghi Sơn và Dung Quất đều sản xuất, tăng vượt công suất mà nguồn lại vẫn thiếu. Bộ Công thương vẫn tuyên bố đủ lượng cung cấp, vì sao đầu mối lại không đưa xăng dầu ra thị trường? Giá thế giới mới tăng mấy hôm nay, kỳ vừa rồi xăng giữ nguyên giá, dầu còn tăng 850 đồng, vậy mà xăng dầu vẫn khan hiếm là điều khá lạ lùng" - một doanh nghiệp thắc mắc.

Nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu đồng loạt dọa nghỉ bán, có chuyện gì vậy? - Ảnh 2.

Các cây xăng tư nhân hiện nay gặp khó về nguồn cung và chiết khấu xuống mức thấp, thậm chí âm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đầu mối cũng lỗ nặng, bán cầm chừng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp đầu mối cho biết chỉ bán trong hệ thống và theo tiến độ chứ không bán nhiều do càng bán càng lỗ. Nguyên nhân là giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, tăng giảm liên tục trong khi cơ chế điều hành "đóng khung" theo quy định nên giá thường không sát với diễn biến thị trường. Đơn cử, riêng phụ phí với hàng nhập về có thời điểm lên tới 12 - 13 USD/thùng với xăng và 7 - 8 USD/thùng với dầu, nên có thời điểm giá mà doanh nghiệp đầu mối nhập về cao hơn giá cơ sở được cơ quan điều hành công bố.

Theo tính toán vào ngày 24-8, các doanh nghiệp đầu mối đang bị lỗ 800 đồng/lít với xăng và 2.400 đồng/lít với dầu. Trong khi đó, giá xăng dầu giảm liên tục 2 tháng qua nên càng bán càng lỗ, có thời điểm doanh nghiệp lỗ tới 6.500 đồng/lít dầu và lỗ tới 5.500 đồng/lít xăng. "Khi giá giảm vào cuối tháng 6, giảm liên tục đến kỳ ngày 22-8 vừa rồi, đại lý không nhập hàng vào vì càng bán càng lỗ, tiêu thụ hạn chế. Tình hình này bất thường quá, cứ thế này thì doanh nghiệp không sống nổi" - vị này nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn cho biết các doanh nghiệp đầu mối đang khó khăn hơn cả giai đoạn đầu năm 2022 khi số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu giảm bởi 7 doanh nghiệp bị xử phạt, tạm ngưng nhập khẩu. "Số lượng doanh nghiệp nhập khẩu giảm nên số lượng nhà cung cấp trên thị trường cũng ít lại, các doanh nghiệp trước đây lấy hàng của các đầu mối này "đứt" nguồn cung phải đi tìm các đầu mối khác để lấy hàng, khiến nguồn cung của tất cả đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều bị ảnh hưởng", vị này cho biết thêm.

Một thương nhân đầu mối khác cho rằng do các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng về cũng bị lỗ nên bắt buộc giá bán buôn phải cao hơn cả giá bán lẻ từ 2.500 - 2.700 đồng/lít hoặc giảm nhập hàng vào, nên các đại lý phải chấp nhận mức "chiết khấu âm" hoặc không mua được hàng. Chưa hết, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt với mặt hàng dầu, nên giá nhập vào tăng, nếu để kéo dài việc điều chỉnh giá tới ngày 5-9, thay vì vào ngày 1-9 như quy định, thì nhiều đại lý sẽ treo biển hết hàng.

"Đầu mối bán buôn ra cũng đã lỗ nên có thể cũng không nhập hàng về, không ai dám đi nhập. Với mỗi khối, chúng tôi đang lỗ tới 2,6 - 2,7 triệu đồng, sức nào chịu đựng được. Nếu kéo dài ngày điều chỉnh thì sẽ phải xin ngưng bán. Tình hình này còn căng thẳng hơn hồi đầu năm, vì doanh nghiệp lỗ quá" - vị này nói và đề nghị cơ quan chức năng cần điều hành thị trường linh hoạt hơn, tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung khi mà hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu có thể bị phá sản, dừng hoạt động.

Bộ yêu cầu đảm bảo nguồn cung

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu phải chủ động nguồn hàng và có phương án nhập khẩu để đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường, nhất là trong giai đoạn cuối năm nhu cầu xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp tăng cao.

Theo đó, các thương nhân đầu mối không được để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống... để đảm bảo không gián đoạn cung ứng. Trong trường hợp có khó khăn vướng mắc, cần báo cáo kịp thời về Bộ Công thương để phối hợp xử lý.

N.AN

Giảm đầu mối, thiếu vốn

Theo các doanh nghiệp, giá xăng dầu thành phẩm bình quân tại Singapore tăng, với 800 đồng/lít xăng và 2.500 đồng/lít dầu, khiến các doanh nghiệp đầu mối nếu nhập mới sẽ bị lỗ nặng. Thậm chí nếu bán hàng tồn giai đoạn trước cũng lỗ đến 6.000 - 7.000 đồng/lít.

"Các doanh nghiệp xăng dầu đang gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, chưa kể nhiều doanh nghiệp đã bị tạm ngưng nhập hàng, chỉ còn các doanh nghiệp lớn nhập hàng nhưng họ phải đảm bảo cho hệ thống của mình. Các doanh nghiệp bên ngoài muốn mua cũng khó cung cấp hoặc cung cấp theo tiến độ, tức trước giờ mua bao nhiêu thì đến bây giờ chúng tôi cũng chỉ bán như vậy", đại diện một doanh nghiệp nói.

Thương nhân xăng dầu than khó buôn bán, Bộ Công thương đề nghị duy trì việc bán hàng Thương nhân xăng dầu than khó buôn bán, Bộ Công thương đề nghị duy trì việc bán hàng

TTO - Tại nhiều diễn đàn lớn về kinh doanh xăng dầu những ngày gần đây, không ít lời kêu than kinh doanh thua lỗ do chiết khấu thấp không đủ bù đắp chi phí bán hàng, trong khi tiếp tục tái diễn việc "nguồn cung khan hiếm".

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp