Một miệng cống xả thải (ảnh nhỏ) đang xả trực tiếp xuống suối - Ảnh: K.NAM
Từ tin báo của người dân, sáng 10-4, PV Tuổi Trẻ Online đi theo đường DT47 (đường trục Nam - Bắc đảo Phú Quốc). Cách cổng chào Suối Đá khoảng 300m rẽ trái vào khu dân cư Suối Đá là đã bắt đầu ngửi thấy mùi hôi đặc trưng của xác mắm phân hủy mạnh. Càng đi sâu vào trong khu dân cư, mùi hôi thối càng đậm đặc.
Tới cây cầu nhỏ bắc ngang suối nhìn xuống dòng nước đã chuyển màu đen ngòm, nổi váng mỡ lềnh bềnh xen lẫn đủ thứ rác thải sinh hoạt. Đối diện với cây cầu là cổng sau một nhà máy sản xuất nước mắm công nghiệp quy mô lớn nhất đảo Phú Quốc.
Anh Trần Văn Út (quê Cà Mau, thuê nhà trọ ven suối) cho biết miệng cống nước thải từ nhà máy nói trên đang xả xuống suối chính là khu vực bốc mùi hôi nặng nhất. Nhích lên phía trên khoảng 300m dòng nước trong hơn và bớt mùi, đi xa xuống dưới đoạn gần sông Dương Đông mùi cũng giảm dần.
Theo anh Út, dòng suối này trở nên đen ngòm và bốc mùi từ đầu mùa mưa, và bắt đầu từ khoảng năm 2010 (là năm nhà máy nước mắm công nghiệp đi vào hoạt động - PV). Cách đây khoảng 3 ngày, rất nhiều cá ở dưới suối đã chết nổi lên mặt nước.
"Nghi ngờ vậy thôi chứ dân thường tụi tui đâu dám kết luận nguyên nhân là gì, cái này phải chờ cơ quan chức năng họ giải quyết", anh Út nói.
Điểm khởi phát mùi hôi và màu nước suối đen ngòm được người dân xác định ngay phía sau nhà máy nước mắm công nghiệp - Ảnh: K.NAM
Dòng suối đang bốc mùi nói trên là một trong những nhánh quan trọng đổ vào sông Dương Đông, sau đó đổ ra biển tại khu vực Dinh Cậu - một điểm tham quan khá quen thuộc với du khách ở thị trấn Dương Đông.
Theo Ban quản lý công trình công cộng Phú Quốc, ven lưu vực sông Dương Đông (dài khoảng 25km) hiện có 320 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có trên 100 nhà thùng làm nước mắm.
Ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết nước thải của hầu hết cơ sở sản xuất đều xả trực tiếp ra suối, sông rồi đổ ra biển. Có cơ sở xây hệ thống xử lý nước thải, nhưng không thể xử lý hết vì nước thải từ các thùng ủ nước mắm có hàm lượng muối rất cao.
Chuyện sông Dương Đông bị "bức tử" đã kéo dài hàng chục năm, không chỉ người dân mà cả chính quyền cũng rất lo lắng cho số phận của con sông dài nhất trên đảo. Giải pháp căn cơ là di dời hơn 3.000 hộ dân và hàng trăm cơ sở sản xuất khỏi 2 bờ sông. Nhưng điều này chưa khả thi vì cần kinh phí hàng ngàn tỉ đồng.
Chuyện con suối nhỏ ở ấp Suối Đá, ông Nghiệp nhận định: "Chúng tôi nghi ngờ có cơ sở lợi dụng mưa đầu mùa để xả trộm một lượng lớn chất thải từ hoạt động sản xuất nước mắm. Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh Kiên Giang đang tích cực xác minh, hi vọng sẽ sớm làm rõ nguyên nhân".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận