04/09/2023 21:14 GMT+7

Nhiều cơ sở của Tập đoàn Mỹ Hạnh 'nổ' trồng sâm Ngọc Linh tháo dỡ biển hiệu

Nhiều chi nhánh giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh ở Hà Nội, kể cả trụ sở chính tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị (quận Cầu Giấy) của Tập đoàn Mỹ Hạnh từng "nổ" hợp tác trồng sâm Ngọc Linh với nhiều công ty dỡ bỏ biển hiệu.

Trụ sở Tập đoàn Mỹ Hạnh tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị đã tháo dỡ biển hiệu - Ảnh: QUANG THẾ

Trụ sở Tập đoàn Mỹ Hạnh tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị đã tháo dỡ biển hiệu - Ảnh: QUANG THẾ

Ngày 4-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, người dân đã từng ký hợp đồng trồng sâm Ngọc Linh, chuyển nhượng cổ phần, góp vốn, vay vốn… với Tập đoàn Mỹ Hạnh cho biết trụ sở chính của tập đoàn đóng cửa, trong khi trong nhiều tuần qua họ tìm đủ mọi cách để liên hệ với lãnh đạo, nhân viên tập đoàn này nhưng đều bất thành.

Tập đoàn Mỹ Hạnh không thanh toán tiền điện, nước?

Như đã thông tin, người dân làm đơn gửi đến Tuổi Trẻ Online phản ánh việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (gọi tắt là Tập đoàn Mỹ Hạnh, trụ sở tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã ký hợp đồng, hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với nhiều cá nhân, tuy nhiên thực tế không có dự án nào như đã giới thiệu.

Trong khi đó, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đều khẳng định trên địa bàn chưa có bất kỳ dự án đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh.

Chi nhánh 14 giới thiệu sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh ở đường Trấn Vũ đã tháo dỡ biển hiệu - Ảnh: QUANG THẾ

Chi nhánh 14 giới thiệu sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh ở đường Trấn Vũ đã tháo dỡ biển hiệu - Ảnh: QUANG THẾ

Theo nhiều người dân đã ký hợp đồng, hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với Tập đoàn Mỹ Hạnh, biển hiệu trụ sở chính của Tập đoàn Mỹ Hạnh đã dỡ bỏ được khoảng 1 tuần nay. 

Phóng viên ghi nhận trong suốt nhiều ngày (trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9) không còn cảnh nhân viên, lãnh đạo của tập đoàn ra vào làm việc tại địa chỉ số 39 đường Nguyễn Quốc Trị.

Ngay dưới cửa tầng 1 có một thông báo với nội dung: "Tập đoàn Mỹ Hạnh không thanh toán tiền thuê văn phòng, điện, nước, chủ nhà đã chấm dứt hợp đồng từ ngày 1-8... Yêu cầu nhân viên của tập đoàn không được phép ra vào khi chưa được sự đồng ý của bảo vệ...".

Thông báo dán dưới tầng 1 nói "Tập đoàn Mỹ Hạnh không thanh toán tiền thuê văn phòng, điện, nước..." - Ảnh: QUANG THẾ

Thông báo dán dưới tầng 1 nói "Tập đoàn Mỹ Hạnh không thanh toán tiền thuê văn phòng, điện, nước..." - Ảnh: QUANG THẾ

Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều chi nhánh khác giới thiệu sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh ở Hà Nội cũng đã đóng cửa, tháo dỡ biển hiệu như: đường Trần Kim Xuyến (quận Cầu Giấy), La Thành (quận Đống Đa), Đào Tấn, Trần Phú và Trấn Vũ (quận Ba Đình)…

Một chi nhánh giới thiệu sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh chưa dỡ biển hiệu, nhưng theo vị chủ nhà, người thuê đã trả lại mặt bằng từ nhiều tháng trước - Ảnh: QUANG THẾ

Một chi nhánh giới thiệu sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh chưa dỡ biển hiệu, nhưng theo vị chủ nhà, người thuê đã trả lại mặt bằng từ nhiều tháng trước - Ảnh: QUANG THẾ

Ông H., chủ một mặt bằng cho thuê tại quận Ba Đình, cho hay: "Mỹ Hạnh đã chuyển đi lâu rồi". Trong khi đó bà N. cho thuê mặt bằng trên địa bàn quận Đống Đa lại cho biết: "Gần đây có nhiều nhà đầu tư của Mỹ Hạnh gọi điện đến hỏi thông tin, tuy nhiên tôi cũng đã phản hồi là lấy lại mặt bằng được mấy tháng nay rồi…".

"Cần xử lý thật nghiêm để không ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh"

Sau khi Tuổi Trẻ Online có bài phản ánh "Sự thật về dự án trồng sâm Ngọc Linh hoành tráng của Tập đoàn Mỹ Hạnh", nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp quảng cáo không đúng sự thật về dự án trồng sâm Ngọc Linh và thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Ông Trương Đình Kiểm - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư phát triển dược liệu Win Win - khẳng định không thầu khoán, thuê khoán, hợp tác, liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Tập đoàn Mỹ Hạnh dù trước đó tập đoàn này tung clip “nổ” đang hợp tác trồng sâm với công ty ông - Ảnh: LÊ TRUNG

Ông Trương Đình Kiểm - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư phát triển dược liệu Win Win - khẳng định không thầu khoán, thuê khoán, hợp tác, liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Tập đoàn Mỹ Hạnh dù trước đó tập đoàn này tung clip “nổ” đang hợp tác trồng sâm với công ty ông - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngày 4-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Bằng - giám đốc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam - cho rằng các cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm tra, xử lý những đơn vị, doanh nghiệp quảng cáo không đúng sự thật về dự án trồng sâm Ngọc Linh và thương hiệu sâm Ngọc Linh.

"Thực tế không trồng sâm nhưng lại lợi dụng hình ảnh các vườn của người khác để quảng bá, biến thành vườn sâm Ngọc Linh của mình vì lợi ích riêng, hay lợi dụng lòng tin kêu gọi góp vốn có dấu hiệu lừa đảo. Ngoài ra, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát thật kỹ thông tin trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube về sâm Ngọc Linh…", ông Bằng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Dang - phó chủ tịch UBND xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) - đề xuất: "Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cấp trên tiếp tục vào cuộc, kiểm tra đối với những công ty thực tế không trồng sâm Ngọc Linh hoặc trồng ở vùng khác không được cấp phép mà dùng hình ảnh vườn sâm ở địa phương để giới thiệu, quảng bá không đúng. Cần xử lý thật nghiêm để không ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh".

Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum khẳng định Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý của sâm Ngọc Linh. Thời điểm ghi nhận cho thấy hợp tác xã này cũng đã khóa trái cửa - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum khẳng định Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý của sâm Ngọc Linh. Thời điểm ghi nhận cho thấy hợp tác xã này cũng đã khóa trái cửa - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) bày tỏ: "Trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng thông tin không đúng sự thật với mục đích huy động vốn sau đó chiếm đoạt của người góp vốn thì hành vi này có dấu hiệu của tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản', quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự".

Ngoài ra theo ông Hoan, trong trường hợp người nhận góp vốn thông qua hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; 

Hay sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự.

Vụ việc đang được xác minh, điều tra

Như đã đưa tin, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết sau khi nhận được đơn của người dân, đơn vị này đang khẩn trương tiến hành xác minh, điều tra theo thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Phạm Mỹ Hạnh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh - cho biết đang trong quá trình làm việc với cơ quan công an và chưa thể sắp xếp được thời gian trả lời phóng viên.

Trong khi đó gửi đơn phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, cả trăm người dân ở Hà Nội, Hải Dương… cho biết vì tin vào lời mời gọi góp vốn sinh lời "hấp dẫn" nên họ đã đầu tư vào Tập đoàn Mỹ Hạnh, tuy nhiên từ tháng 9-2022 đến nay tập đoàn này cứ "khất lần" tiền lãi lẫn gốc.

Nhiều người cho biết đang rất bế tắc sau khi đầu tư vào Tập đoàn Mỹ Hạnh, họ cho hay chưa biết những ngày tới phải vay mượn ra sao để lấy tiền trang trải cuộc sống!

Chị lao công nhặt ve chai: Chị lao công nhặt ve chai: 'Điêu đứng vì đầu tư vào Mỹ Hạnh’

12 năm đi quét rác, nhặt ve chai dành dụm được 350 triệu đồng, chị V.T.H. đã đầu tư bằng hình thức mua cổ phần của Tập đoàn Mỹ Hạnh, nhưng đến nay đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp